Dịch COVID-19 lan nhanh hơn: Người dân cần hạn chế đến cơ sở y tế thăm nuôi và khám bệnh định kỳ

VietTimes –Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp với tốc độ lan truyền nhanh hơn trước. Bộ Y tế đặc biệt yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm, khuyến cáo người dân hạn chế đến cơ sở y tế thăm nuôi và khám bệnh định kỳ. Các bệnh viện phải áp dụng triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm, nhất là ở các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu, ung thư…để hạn chế tử vong. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp trực tuyến với Giám đốc các Sở Y tế trong cả nước về tình hình dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp trực tuyến với Giám đốc các Sở Y tế trong cả nước về tình hình dịch COVID-19

Chống dịch vẫn đảm bảo phát triển kinh tế

Đây là chỉ đạo của Q. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến với Giám đốc các Sở Y tế trong cả nước về tình hình dịch COVID-19 vào sáng nay, 5/8.

“Đã xuất hiện những chùm ca bệnh tại cộng đồng và tại gia đình, đòi hỏi phải có các biện pháp hết sức khẩn trương và mạnh mẽ để phòng, chống dịch, để thực hiện được mục tiêu kép mà Thủ tướng đã đề ra là chống dịch hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế” - Q. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TP. HCM, Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Định, Sóc Trăng v.v… báo cáo tình hình rà soát những người từ Đà Nẵng về, khả năng xét nghiệm của từng địa phương. Hà Nội đã tăng cường rà soát người về từ các điểm mà Bộ Y tế khuyến cáo; Hà Nội có 10 đơn vị (cả công lập và ngoài công lập) có thể xét nghiệm được. Sở Y tế đã yêu cầu các BV rà soát nhiễm khuẩn, giảm người nhà bệnh nhân ở BV. Bắt đầu từ 4/8, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, BV Đại học Y Hà Nội, BV Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã bắt đầu hỗ trợ Hà Nội.

TP. HCM đã tổ chức khám sàng lọc, phân luồng ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường kiểm soát người đến khám, chữa bệnh ở các BV; bắt đầu xử phạt người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng; giám sát chặt người cách ly tại nhà, không để đi ra ngoài.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo

CDC Lạng Sơn và Bắc Giang đang rà soát những người nghi ngờ và xét nghiệm sau khi phát hiện có ca mắc COVID-19.

Trước tình hình mới của dịch, Q. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải khẩn trương truy vết F1. Bộ Y tế đã lần đầu tung một lực lượng lớn các giáo sư, chuyên gia đầu ngành vào Đà Nẵng và Quảng Nam, nhằm khống chế triệt để dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Bộ Y tế liên tục chỉ đạo, có các công điện yêu cầu các địa phương chủ động trong mọi tình huống phòng, chống dịch.

Sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng

Đặc biệt, Q. Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các Sở Y tế phải sẵn sàng tình huống dịch lan rộng, để chuẩn bị về cả cơ sở vật chất lẫn nhân lực; vì hiện Bộ Y tế đang tập trung tối đa nguồn lực cho Đà Nẵng, Quảng Nam, nhưng Đà Nẵng vẫn đang thiếu cán bộ y tế, do các BV bị phong tỏa, nhân viên y tế phải cách ly.

Thực tế, các bệnh nhân COVID-19 đều liên quan đến BV C Đà Nẵng, kể cả ở các BV khác tại Đà Nẵng hay 2 bệnh nhân ở Hà Nội. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ chuyển hết bệnh nhân ở đây ra ngoài, để tẩy trùng toàn bộ BV, cắt đứt hoàn toàn nguồn lây trước khi cho mở cửa trở lại.

Từ thực tế này, Bộ Y tế đặc biệt yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm với nhiều vòng bảo vệ. Các Sở Y tế cần khuyến cáo người dân hạn chế đến cơ sở y tế thăm nuôi và khám bệnh định kỳ. Các BV phải tổ chức phân luồng, tránh xảy ra dù 1 bệnh nhân sẽ dẫn đến phải phong tỏa cả BV; áp dụng triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm, phải coi các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu, ung thư… là điểm bảo vệ cốt tử, nếu không số tử vong sẽ rất lớn. Những bệnh nhân này sự sống đã mong manh, mắc thêm COVID-19 sẽ khó vượt qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các Sở Y tế phải tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn để phòng chống dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các Sở Y tế phải tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn để phòng chống dịch

Nhân viên y tế cũng phải xét nghiệm, nhất là làm việc tại phòng khám, khoa hô hấp; bệnh nhân phải được sàng lọc và xét nghiệm. Bộ Y tế và BHYT quyết định dùng BHYT để xét nghiệm để đầy nhanh việc xét nghiệm. Bộ Y tế và Bộ TTTT đã triển khai “khẩu trang điện tử” (Bluezone), yêu cầu người đến khám và nhân viên y tế đều phải cài đặt để cảnh báo nguy cơ và truy vết F1.

Q. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) tổ chức đào tạo cho nhân viên y tế từ việc lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết đến cách ly; các Sở Y tế phải khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, năng lực xét nghiệm trên địa bàn; lên kịch bản các tình huống, để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.

Q. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải tăng tốc rà soát, nâng cao khả năng xét nghiệm, bắt buộc F1 phải cách ly. Tuy nhiên, chỉ phong tỏa diện hẹp để đảm bảo mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh. Các địa phương cần chủ động thẩm định sàng lọc, chỉ chờ khi công bố người dương tính v.v… Bộ Y tế tạo điều kiện cho các địa phương chủ động các giải pháp chống dịch.

Các địa phương báo cáo tình hình
Các địa phương báo cáo tình hình

Ông Long cũng chỉ ra sự quan ngại về năng lực xét nghiệm ở Tây Nam Bộ và yêu cầu Viện Paster TP. HCM lưu ý.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - nhấn mạnh: 7 tháng trước không có bệnh nhân tử vong, chỉ có 2 nhân viên y tế bị COVID-19, nhưng nay đã có 8 người tử vong, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, lây lan sang người nhà người bệnh, nhân viên y tế v.v…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các Sở Y tế phải phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng vì hiện một số tỉnh đã có. Dự báo dịch còn diễn biến nên các địa phương phải chú ý các nguồn từ nước ngoài về địa phương, nhất là nhập cảnh trái phép, trốn khỏi khu cách ly về địa phương; những người tiếp xúc gần; tổ chức cách ly (F1 cách ly và xét nghiệm; cách ly có cán bộ y tế theo dõi); chuyên gia nước ngoài cũng phải kiểm tra, lấy mẫu, cách ly. Khu vực có ca bệnh phải khoanh vùng; các cơ sở điều trị phải thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc xử lý tử vong trong cơ sở điều trị nhiễm COVID-19 thực hiện như Bộ Y tế chỉ đạo. Bệnh nhân không nhiễm COVID-19 tử vong vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch tốt nhất và hạn chế đông người.

"Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống dịch là "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài". Với ngành Y tế, chúng ta phải coi "mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là chiến sĩ trên tuyến đầu", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.