Địa điểm tổ chức đàm phán hòa bình Nga-Ukraine đã được lựa chọn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nơi tổ chức các vòng đàm phán trực diện tiếp theo giữa Moscow và Kiev.
Các nhà đàm phán Nga, Ukraine sẽ tham gia vòng đàm phán hòa bình mới tại Istanbul (Ảnh: Getty)
Các nhà đàm phán Nga, Ukraine sẽ tham gia vòng đàm phán hòa bình mới tại Istanbul (Ảnh: Getty)

Istanbul sẽ là địa điểm tổ chức các vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine, trong lúc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang muốn nêu bật mối quan hệ tốt đẹp với hai nước láng giềng ở Biển Đen trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tranh.

Ông David Arakhamia, thủ lĩnh phe đa số trong Quốc hội Ukraine và là trưởng phái đoàn đàm phán của Kiev, đã tuyên bố về các vòng đàm phán hòa bình mới nhất trong hôm 27/3 vừa qua. Các vòng đối thoại này dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến 30/3, một lần nữa cho phép Ankara nắm giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này. Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng cũng là nơi tổ chức cuộc họp các Ngoại trưởng đến từ Nga và Ukraine tại Antalya.

Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng “bước đi trên dây” trong vấn đề khủng hoảng Ukraine, khi lên án cuộc chiến ở Ukraine nhưng vẫn hợp tác quốc phòng và kinh tế với Moscow. Ankara cũng phản đối các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga, nhưng lại bác yêu cầu cầu chặn tàu thuyền Nga đi qua eo biển của họ để đến Biển Đen.

Phát biểu tại Diễn đàn Doha hôm Chủ nhật vừa qua, phát ngôn viên của ông Erdogan, Ibrahim Kalin, cảnh báo về việc cô lập Moscow, nói rằng tiếng nói của Nga “cần được lắng nghe theo cách này hay cách khác”. Ông thêm rằng, “nếu mọi người đốt cháy cây cầu nối với Nga, vậy thì cuối cùng ai sẽ nói chuyện với họ?”

Ông Erdogan được cho là đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin thỏa thuận ngừng bắn và cải thiện điều kiện nhân quyền ở Ukraine trong một cú điện đàm hôm Chủ nhật.

Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ giống với Nam Phi, khi mà Tổng thống Cyril Ramaphosa đã kháng lại sức ép của quốc tế, không đưa ra quan điểm chống Moscow và kêu gọi đối thoại. Lãnh đạo Nam Phi cũng đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga, tuần trước nói rằng NATO cũng có một phần lỗi trong việc để xảy ra xung đột.