Biển Đông là nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt – Mỹ

  Một nửa trọng lượng mậu dịch của thế giới được chuyên chở qua khu vực Biển Đông nên mối quan hệ Việt-Mỹ trong việc bảo vệ an ninh khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực Châu Á -Thái Bình Dương nói chung, là nền tảng vững chắc không những cho quan hệ giữa hai nước mà cho cả thế giới.
Biển Đông là nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt – Mỹ

Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam vào ngày 23.5, GS Ngô Vĩnh Long - khoa Lịch sử Trường ĐH Maine tại Mỹ đã có cuộc trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về một số nội dung xoay quanh chuyến đi này.

An ninh Biển Đông là tối quan trọng

-  Theo ông, mối quan hệ Việt – Mỹ hiện nay và cả trong tương lai dựa chủ yếu trên nền tảng nào?

Đối với Mỹ, để duy trì thế lực toàn cầu, thì vấn đề bảo vệ an ninh trên biển là tối quan trong. Mỹ trong thế kỷ vừa qua, và nước Anh trước đó, lập được thế lực toàn cầu vì có sức mạnh trên biển. 

Hiện nay hơn một nửa trọng lượng mậu dịch của thế giới được chuyên chở qua khu vực Biển Đông. Cho nên mối quan hệ Việt-Mỹ trong việc bảo vệ an ninh trong khu vực Biển Đông nói riêng, và khu vực Châu Á -Thái Bình Dương nói chung, là nền tảng vững chắc không những cho quan hệ giữa hai nước mà cho cả thế giới.

- Giới phân tích chính trị có chung nhận định rằng, Việt Nam có tầm quan trọng nhất định trong bản đồ chiến lược của Mỹ. Xin ông lý giải cụ thể hơn về điều này, và theo ông, vai trò quan trọng nhất của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ là gì?

Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất tại khu vực Biển Đông và là nước trải đệm, nếu không nói là tiền đồn, giữa các nước Đông Nam Á đối với Trung Quốc. 

Trước các hoạt động xâm chiếm và bành trướng hung hăng của Trung Quốc, thì vị trí của Việt Nam trong bản đồ chiến lược của Mỹ là rất quan trọng trong việc bảo vệ an ninh trên Biển Đông cũng như an ninh cho các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

GS Ngô Vĩnh Long (ngồi giữa) nhận định: "Việt Nam có vị trí quan trọng trong bản đồ chiến lược của Mỹ tại Biển Đông
GS Ngô Vĩnh Long (ngồi giữa) nhận định: "Việt Nam có vị trí quan trọng trong bản đồ chiến lược của Mỹ tại Biển Đông 

- Ông có kỳ vọng gì về mối quan hệ Việt – Mỹ thông qua chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama  đến Viêt Nam sắp tới? Có nhiều ý kiến cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần này “hơi muộn”, nhận định của ông thế nào?

Tôi nghĩ rằng không muộn vì tình hình nội bộ của Việt Nam và của Mỹ trước đây chưa thuận tiện cho việc Tổng thống Obama và các lãnh tụ Việt Nam gặp nhau. Nhìn về người tiền nhiệm của Tổng thống Obama là ông Bill Clinton, năm 2.000 ông Bill Clinton sang thăm Việt Nam trong khi ông rời ghế tổng thống vào năm 2001. Chuyến đi đó đã đặt nền tảng cho quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sau này. 

Tôi nghĩ lúc này là thuận tiện nhất cho Mỹ vì ông Obama không còn phải lo cho những vấn đề chính trị nhất thời mà đang rảnh tay để lo việc lâu dài cho nước Mỹ. 

Tôi mong qua chuyến công du này Việt Nam và Mỹ có thể giải quyết một số vấn đề cấp thiết xung quanh việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, thi hành Hiệp định TPP và vấn đề nhân quyền.

Có thể sẽ bỏ cấm vận vũ khí sát thương

- Mặc dù quan hệ giữa Việt - Mỹ đã đã có những tiến triển nhanh chóng trong thời gian qua nhưng vẫn còn một số vấn đề nhạy cảm, bất đồng. Theo ông, những bất đồng giữa Việt Nam và Mỹ là gì? Chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ sẽ tác động như thế nào đền những bất đồng đó?

Đối với Mỹ vấn đề nhân quyền là quan trọng vì có nhiều thế lực trong nước Mỹ gắn liền vấn đề nhân quyền ở Việt Nam với việc gỡ bỏ cấm vận và việc phê chuẩn (thông qua) Hiệp ước TPP.

Về vấn đề nhân quyền thì ông Obama có thể nêu lên trong chuyến đi nầy để có cớ gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương. Nhưng vấn đề có cải thiện mạnh mẽ hay không thì tuỳ phía Việt Nam phải tự thấy đây là vấn đề hệ trọng trong việc đối nội và đối ngoại. 

Trong vấn đề mậu dịch và đầu tư với nước ngoài chẳng hạn, vấn đề nhân quyền và quyền của người lao động được ghi rõ trong Hiệp ước TPP mà Việt Nam đã ký kết. Nếu Việt Nam không cương quyết thi hành thì Việt Nam sẽ tự cản trở chính mình vì đây là vấn đề chung của 12 nước trong hiệp định chứ không phải vấn đề khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam. 

- Khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Phùng Quang Thanh từng nói: “Việt Nam quan tâm đến việc mua một số loại vũ khí nhất định phục vụ cho quá trình hiện đại hóa quân đội”. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông có nghĩ lệnh cấm vận sẽ được dỡ bỏ không? 

Tôi nghĩ trong chuyến đi nầy ông Obama có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận nếu phía Việt Nam giúp ông trên vấn đề nhân quyền để vận động quần chúng Mỹ cũng như nhân dân thế giới. Việc dỡ bỏ cấm vận chỉ là để minh chứng “lòng tin chiến lược” của Mỹ đối với Việt Nam và đặt nền móng cho quan hệ lâu dài giữa hai nước.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của các quốc gia khác, nhất là Trung Quốc. Trung Quốc đang theo dõi rất kỹ việc hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ và đang tìm cách tăng cường áp lực từ nhiều phía và trên nhiều mặt. Trung Quốc sẽ ngang ngược hơn nếu không có sự hợp tác cụ thể và hữu hiệu giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Công Phụng – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, nếu vẫn cấm vận vũ khí sát thương thì quan hệ hai nước vẫn chưa hoàn toàn bình thường. Nếu quan hệ chưa hoàn toàn bình thường hóa thì dù có cởi mở đến mấy vẫn có những vướng mắc nhất định. Tuy nhiên, nếu dỡ bỏ ngay lệnh cấm vận thì Việt Nam cũng không có tiền để mua vũ khí của họ. 

“Về lợi ích thực chất mà nói thì việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí không quá quan trọng trong thời điểm này, nhưng về mặt tinh thần và cải thiện mối quan hệ thì điều đó lại khá quan trọng, tạo thêm sự tin tưởng giữa hai phía”- ông Phụng nói.

Cũng theo ông Lê Công Phụng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khiến nhiều nước không thoải mái. Khi bỏ cấm vận vũ khí sát thương thì sẽ có quốc gia không thích điều này. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ cấm vận là cần thiết và có tác động tích cực trong  mối quan hệ giữa hai nước.

Theo Một thế giới