Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ!

VietTimes – Chiếc laptop cũ của tôi mua cách đây 6 năm giờ đã tỏ rõ dấu hiệu của tuổi già. Gõ văn bản Word thì không nói làm gì, nhưng thỉnh thoảng tôi muốn chơi game thì nó chạy lag kinh. Chính vì vậy mà tôi đã quyết định sắm cho mình một mẫu laptop mới, với tiêu chí ngon, bổ nhưng không cần rẻ, vì tôi quan niệm “của rẻ chắc chắn là của ôi”.
Trên thị trường có khá nhiều mẫu laptop có cấu hình mạnh mẽ nhưng mỏng, nhẹ phù hợp với công việc văn phòng
Trên thị trường có khá nhiều mẫu laptop có cấu hình mạnh mẽ nhưng mỏng, nhẹ phù hợp với công việc văn phòng
Sau một hồi dạo “quanh phố phường, dạo qua thị trường” tôi quyết định sẽ… không chọn thương hiệu VAIO. Bởi Sony đã bán mảng VAIO từ mấy năm trước, nên thương hiệu VAIO bây giờ không còn đáng tin cậy. Dell thì tôi cũng không chọn, vì tôi cũng không thích máy “nồi đồng cối đá” quá. Mất vài giờ ngắm nghía, tôi đã quyết định chọn thử một chiếc laptop của ASUS vừa mới ra mắt cách đây không lâu, đó là chiếc S410UA. Đây thực sự là một mẫu laptop “đốn tim” người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bây giờ tôi sẽ “khoe hàng” một chút với các bạn nhé:

Về thiết kế

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 1

ASUS VivoBook S410UA có thiết kế mỏng, đẹp, nhẹ chả kém gì MacBook. Vỏ ngoài của máy được làm bằng nhôm phay xước nhìn rất trẻ trung. VivoBook là dòng laptop bán chạy nhất trên toàn thế giới. Đây không phải là tôi có ý “demo” gì cho ASUS mà thực sự nhiều trang công nghệ đã thống kê như vậy.

Chiếc S410UA mặc dù mỏng, nhẹ và đẹp nhưng đánh giá một cách khách quan thì thiết kế của nó không có gì cách tân so với một số mẫu máy tính bảng VivoBook đời trước. Tuy nhiên, kích thước nhỏ gọn của nó là một trong những ưu điểm nổi bật, phù hợp với những người thường xuyên phải xách laptop di chuyển. Máy mỏng có 17,9 mm và trọng lượng 1,4 kg, tương đương với trọng lượng của MacBook Air 2017.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 2Vỏ máy được làm bằng nhôm phay xước

Cạnh bên phải của S410UA có 2 cổng USB 2.0 và khe đọc thẻ nhớ, trong khi cạnh bên trái có một cổng USB 3.1, một cổng HDMI, một cổng USB-C và một giắc cắm tai nghe 3,5 mm. Tôi khoái nhất là cái cổng USB-C vì giờ đây mình có thể dùng để sạc điện thoại Note 8.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 3Cạnh trái của máy có cổng USB-C thuận tiện để sạc smartphone đời mới

Khe tản nhiệt của máy vẫn được giấu khá kín ở phần bản lề. Đây là một ưu điểm trong thiết kế laptop của ASUS. 

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 4Khe tản nhiệt được giấu rất khéo

Màn hình hiển thị

Dòng S410UA có màn hình 14 inch với độ phân giải Full HD. Tôi được cô nhân viên bán hàng xinh như mộng tư vấn rằng máy được thiết kế với công nghệ NanoEdge nên mặc dù máy màn hình 14 inch nhưng chỉ nhỏ gọn như máy 13 inch. Tôi cũng chưa hiểu lắm về NanoEdge nên đã phải nhờ cậy đến “bác Gúc gồ”. Hóa ra đây là công nghệ đã được ASUS áp dụng từ năm 2017 trên các dòng ultrabook của mình. Nó cho phép tạo ra chiếc laptop có viền màn hình khá mỏng ở hai cạnh. Nó cũng giống như thuật ngữ Infinity Display mà Samsung ám chỉ cho màn hình điện thoại “vô cực” của mình.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 5Màn hình Full HD hiển thị sắc nét

Cô bé bán hàng nói với tôi rằng VivoBook S410UA có tỷ lệ màn hình trên thân máy là 77% cùng với góc nhìn lên tới 178 độ. Nghe cũng đã cái lỗ tai. Có cảm giác tiền trong ví bắt đầu động đậy.

Cấu hình

Dòng VivoBook S410 của ASUS có vài phiên bản với cấu hình khác nhau. Chiếc laptop của tôi được trang bị con chip Kaby Lake R đời mới nhất (i5-8250U). Đây là chip bốn nhân tám luồng, với xung nhịp 1,6 GHz. Máy có RAM 4 GB và ổ SSD 256 GB. Tôi thấy “bồ kết” nhất cái ổ SSD. Nó cho phép máy khởi động vào màn hình chính trong vòng chưa tới 7 giây.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 6ASUS S410UA có cấu hình khá mạnh

Nhược điểm của máy là không có card đồ họa rời mà nó sử dụng card đồ họa Intel UHD Graphic 620 tích hợp trên CPU nên chắc chắn đây không phải là chiếc máy dành để chiến game nặng  

Tôi đã thử cài Liên minh huyền thoại, một game online không đòi hỏi cấu hình máy quá cao để thử hiệu năng của máy và thấy game chơi khá ổn. Khi thiết lập mức đồ họa cao nhất, máy báo số khung hình/giây (fps) là 50 – 60. Khi thiết lập ở mức trung bình, số fps là 70-80. Chuyển động của các nhân vật rất mượt, không có hiện tượng trễ, giật. 

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 7Máy có thể chơi tốt các game online thông dụng

Mặc dù dung lượng RAM 4GB có vẻ hơi “hẻo” so với công việc của tôi khi thỉnh thoảng phải cắt ghép video đơn giản, nhưng loại RAM DDR4 cũng giúp máy xử lý các tác vụ nhanh hơn.

Tôi cũng đã thử kết xuất một video có dung lượng 15 MB ở chế độ Full HD xem card đồ họa tích hợp làm việc như thế nào. Máy kết xuất hết gần 4 phút, một kết quả khá.

Phiên bản cao cấp nhất của dòng VivoBook S410 được trang bị chip Core i7-8250U, RAM 8 GB và ổ SSD 256 GB. Phiên bản này có giá gần 20 triệu đồng. Ngoài ra còn có một phiên bản đời thấp hơn với ổ cứng HDD thông thường giá 15 triệu đồng. Nghe “thiên hạ đồn thổi” thì người dùng có thể nâng RAM lên đến 16 GB và lắp thêm ổ cứng 1TB, nhưng lúc đó máy sẽ có giá không hề dễ chịu.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 8ASUS S410UA có thiết kế mỏng, nhẹ

Bàn phím và Touch Pad

S410UA có bàn phím dạng chiclet, với ưu điểm là phím rời, gõ sướng vì độ nảy tốt và hành trình phím dài, nhưng loại bàn phím này cũng có nhược điểm là dễ bám bụi bẩn, khó vệ sinh.

Với những người phải làm việc trong điều kiện ánh sáng yếu, máy có nút f3 f4 dùng để tắt/bật đèn nền bàn phím.

ASUS có một điểm khá dở khi thiết kế bàn phím, đó là không gian ở dưới bàn phím quá rỗng hay sao mà khi tôi dùng tay ấn vào phần bàn phím, nó lún xuống thấy rõ.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 9Bàn phím có đèn nền

Phần Touchpad của máy to rộng, rờ vào “mát rượi như da em bé”. Phía góc trên bên phải Touchpad có đầu đọc vân tay. Tôi đã thử mở khóa máy tính bằng vân tay qua phần mềm Windows Hello và thấy rất nhanh, không kém gì tốc độ mở điện thoại Táo.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 10Touchpad rộng, có cảm biến vân tay

Pin và các thứ “linh tinh khác”

Một điều cực kỳ quan trọng đối với những người xuyên phải làm việc với laptop là thời lượng pin khi không cắm sạc trực tiếp. VivoBook S410UA có viên pin 3 cell 42 Whrs.

Trải nghiệm thực tế với viên pin này cho thấy nó “gánh” được 5-6 giờ đồng hồ với các tác vụ đơn giản như gõ Word, duyệt web. Chơi game thì máy xuống pin nhanh hơn, nhưng thời lượng pin 5-6 giờ là tôi đã cảm thấy rất ưng ý rồi. Chẳng bù cho chiếc laptop “bà già” của tôi trước đây, dùng tầm 1 giờ là phải “cắm doping”.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 11Pin của máy dùng thoải mái trong vòng 5 giờ

Máy được cài sẵn Windows 10 bản quyền nên tôi không cần phải đi mua bản lậu! Chiếc ultrabook này cũng được trang bị hệ thống loa SonicMaster (2 loa ở mặt đáy), tiếng to, rõ – thêm một điểm cộng cho ASUS.

Về mức giá, với cấu hình chip Core i5 đời thứ 8, RAM 4 GB và SSD 256 GB, tôi phải bỏ ra 18 triệu để sở hữu “em nó”. Đây đúng là cái giá không hề rẻ, nhưng theo tôi là “đáng đồng tiền bát gạo”, bởi nó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu công việc văn phòng, thỉnh thoảng vọc vạch video của tôi.

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 12Hai loa của máy nằm ở phía mặt đáy

“Túm” lại

Ưu điểm:

-      Thiết kế đẹp

-      Viền màn hình mỏng

-      Trọng lượng nhẹ 1,4kg

-      Chip thế hệ thứ 8

-      Ổ SSD 256 GB

Đi tìm chiếc laptop ngon, bổ, không cần rẻ! ảnh 13

Nhược điểm:

-      Không có card đồ họa rời

-      Phần bàn phím hơi “ọp ẹp”

-      Giá không rẻ

Đánh giá chung đây là một mẫu laptop phù hợp với nhân viên văn phòng và những người thường xuyên phải di chuyển vì trọng lượng nhẹ và thời lượng pin dài. Nó không phù hợp với game thủ. Tất nhiên, ASUS đã có một dòng máy riêng ký hiệu ROG dành cho game thủ chứ không phải là dòng VivoBook mỏng nhẹ, thời trang này.