Đeo khẩu trang có rất ít tác dụng ngăn chặn virus corona chủng mới? Chuyên gia truyền nhiễm Mỹ trả lời tạp chí Live Sicence

VietTimes -- Đeo khẩu trang y tế, hoặc khẩu trang N95, có thực sự bảo vệ bạn trước virus corona chủng mới? Đó là một câu hỏi mà rất nhiều người đang đặt ra, trong bối cảnh người dân ở nhiều nước hoang mang về biện pháp bảo vệ mình đúng cách.
Khẩu trang y tế thông thường có độ dày nhỏ hơn khẩu trang N95 và không thể chặn virus (Ảnh: LiveScience)
Khẩu trang y tế thông thường có độ dày nhỏ hơn khẩu trang N95 và không thể chặn virus (Ảnh: LiveScience)

Nếu bạn đeo một chiếc khẩu trang y tế thông thường thì câu trả lời là "không!", Tiến sĩ William Schaffner - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH Vanderbilt, Tennessee (Mỹ) đã nói với tạp chí Live Science.

Một loại khẩu trang đặc chủng hơn, có tên gọi N95, có thể giúp bạn tự bảo vệ trước virus corona chủng mới - còn gọi là 2019-nCoV. Loại khẩu trang phòng độc này có độ dày lớn hơn khẩu trang y tế thông thường, nhưng ông Schaffner lại không khuyên sử dụng nó rộng rãi, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Điều này một phần là do lại khẩu trang N95 rất khó để đeo đúng cách và cũng khó có thể mang chúng trong khoảng thời gian dài, ông Schaffner giải thích.

Hàng năm, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế vẫn phải trải qua một cuộc huấn luyện về cách đeo khẩu trang N95 tiêu chuẩn: Khẩu trang cần che kín phần mũi, má và cằm, sao cho người mang khẩu trang không thở qua các góc hở của chiếc khẩu trang này.

"Nhưng khi bạn đeo khẩu trang như vậy, hoạt động hô hấp của bạn trở nên khó khăn hơn do phải thông qua một màn chất liệu dày. Bạn thở ra và hít vào khó khăn hơn, bởi vậy khiến nhiều người vô tình cảm thấy chút sợ hãi. Và bên trong khẩu trang rất ẩm ướt và nóng" - ông Schaffner nói.

"Tôi cũng phải đeo loại khẩu trang này trong trường hợp cần thiết, nhưng chỉ trong nửa giờ đồng hồ" - ông Schaffner nói thêm - "Rồi sau đó tôi phải tìm đến một phòng tách biệt, tháo nó ra và hít thở sâu, để thư giãn, trước khi đeo lại nó".

Khẩu trang phòng độc N95 (Ảnh: LiveScience)
Khẩu trang phòng độc N95 (Ảnh: LiveScience)

Riêng ở Mỹ, nơi mà người ta không thể mua được khẩu trang phòng độc N95 trên mạng, ông Schaffner khuyến cáo người dân không cố gắng mua chúng bởi hiện chỉ có khoảng 7 trường hợp nhiễm virus corona ở nước này.

Trong khi đó, ở Mỹ, bệnh cúm đang khiến hàng nghìn người tử vong và nhập viện trong năm vừa qua, vậy mà nhiều người không hề nghĩ tới một biện pháp phòng ngừa nào; ông Schaffner nói. Thêm vào đó, dù ở Mỹ hiện không thiếu mặt nạ phòng độc N95, nhưng điều đó có thể xảy ra nếu như người ta cứ đổ xô đi mua trong khi không thực sự cần thiết.

Khẩu trang y tế

Người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế tại một cửa hiệu ở Nhật Bản (Ảnh: Nikkei)
Người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế tại một cửa hiệu ở Nhật Bản (Ảnh: Nikkei)

Khẩu trang y tế, có độ dày nhỏ hơn, thường được sử dụng cho các bác sỹ lúc thực hiện phẫu thuật bởi sản phẩm này rất hữu hiệu trong việc giữ cho các thể sinh bệnh từ mũi và miệng của bác sĩ không ảnh hưởng tới môi trường phẫu thuật; ông Schaffner giải thích.

Ở một số quốc gia châu Á, như Nhật Bản và Trung Quốc, việc người dân đeo khẩu trang y tế để phòng ngừa các mầm bệnh và ô nhiễm không khí là rất phổ biến. Nhưng những chiếc khẩu trang y tế không có tác dụng nhiều trong việc ngăn chặn một loại virus, theo ông Schaffner.

"Chúng không được thiết kế để ngăn chặn các hạt chứa virus, và chúng gần như không bao phủ kín phần mũi và má của các bạn (như khẩu trang N95)" - ông Schaffner giải thích. "Nhưng liệu chúng có tác dụng nào đó không? Có, nhưng hiệu quả rất hạn chế"; vị chuyên gia nói thêm.

Ông nhấn mạnh rằng một số người mang khẩu trang y tế chỉ bởi họ bị ốm hoặc cảm cúm và không muốn lây cho người khác. Nhưng nếu bạn bị ốm, tốt nhất là không nên đi đến những nơi đông người. "Đó là lúc bạn nên ở trong nhà" - ông Schaffner nói.

Và một cách tốt hơn để tránh nhiễm virus corona chủng mới là tạm thời ngừng di chuyển tới Trung Quốc, nơi mà chủng virus này bắt nguồn và đã có trên 14.000 người bị nhiễm. Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến cáo mọi người nên rửa tay kỹ và đúng cách, tránh sờ vào mắt, mũi và miệng khi chưa rửa tay, tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm và tẩy uế những vật thể và bề mặt thường xuyên chạm vào - như nắm đấm cửa, bàn phím máy tính.

Đối với nhiều người nuôi thú cưng đeo khẩu trang cho chó, hiện chưa có bằng chứng cho thấy chó có thể nhiễm virus corona nên làm vậy là không cần thiết; ông Schaffner nói.