Đề xuất huy động vàng - xin đừng làm khổ dân

Trong vài năm trở lại đây, vì nền kinh tế thiếu vốn cho phát triển, người ta nghĩ ra đủ loại cách để “xoay” đủ vốn cho ngân sách, trong đó có đề xuất huy động vàng trong dân.
Với đề xuất huy động vàng, có vẻ người dân có khá ít lựa chọn đối với quyền sở hữu tài sản. Ảnh: Minh Khuê
Với đề xuất huy động vàng, có vẻ người dân có khá ít lựa chọn đối với quyền sở hữu tài sản. Ảnh: Minh Khuê

Từ 2012 tới nay, đã nhiều lần người ta nghe nhắc đến đề xuất này. Hơn một tháng trước, đề án này đã được nhắc lại. Nay khi giá vàng “nổi sóng”, người ta lại chú ý tới nó nữa.

Tuy nhiên, các nhà làm chính sách cần hết sức thận trọng vì đề xuất này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và dựa trên những căn cứ mơ hồ, thậm chí là ngộ nhận nguy hiểm về cái gọi là huy động vàng trong dân.

Với đề án huy động vàng, những câu hỏi cơ bản là huy động với kỳ hạn bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu và quan trọng nhất là trả lãi bằng cái gì, quy định về rút vàng về ra sao, phòng ngừa rủi ro giá vàng như thế nào?

Nếu nói là phát hành trái phiếu huy động vàng thì nghĩa là kỳ hạn trung và dài hạn. Liệu người dân có chấp nhận đổi vàng vật chất để giữ một tờ giấy không có tính thanh khoản trong nhiều năm? Và lãi suất là bao nhiêu, có đủ hấp dẫn không? Nếu lãi suất cao quá thì huy động vàng không mang lại hiệu quả cho ngân sách. Còn nếu lãi suất thấp thì ai mua đây?

Mặt khác, người mua trái phiếu sẽ làm gì khi họ cần tiền nhưng trái phiếu chưa đáo hạn? Nếu người ta bảo sử dụng sở giao dịch vàng quốc gia để tạo thanh khoản trái phiếu thì đó là một việc xa vời. Liệu rằng bà bán đậu phộng hay ông bán cá sẽ đem trái phiếu đi giao dịch ở sở giao dịch khi họ cần tiền? Có lẽ họ sẽ đem đến một đại lý chiết khấu trái phiếu gần nhà nào đó mà thôi, bởi vì họ chưa chắc tin sở giao dịch hơn cái đại lý gần nhà. Kết quả là những đầu nậu chiết khấu trái phiếu trung gian đến tận nhà “dụ” người dân bán lại trái phiếu sẽ hưởng lợi, còn người dân sẽ bị thiệt hại vì bán trái phiếu với giá rẻ. Bài học người nông dân bán cổ phiếu Vinamilk của họ vẫn còn nóng hổi. Người dân thích giữ cái gì cụ thể trong tay chứ không phải một tờ giấy mà quy định liên quan phức tạp và dễ thay đổi. Họ không có thời gian đọc tin tức tài chính hàng ngày giữa bộn bề lo toan đâu.

Nói cách khác, buộc người dân vật lộn trên thị trường trái phiếu với dân kinh doanh chuyên nghiệp là vừa đẩy họ vào một hoạt động đầu cơ có tính cờ bạc còn cao hơn chuyện họ thấy giá vàng lên mạnh là chạy đi mua, chạy đi bán bây giờ. Nói chung, với người dân, rủi ro về thanh khoản, chi phí giao dịch tăng, rủi ro ra quyết định sai lầm... tăng lên. So với việc mua vàng cất giữ, cần thì mang ra tiệm bán, thì việc cầm tờ trái phiếu vàng rắc rối hơn nhiều. Sao lại phải làm khổ người dân vậy?

Đó là nói về huy động vàng trong trung và dài hạn. Nếu huy động vàng kỳ hạn ngắn thì liệu có khác gì so với việc cho ngân hàng thương mại huy động vàng trước kia? Trước đây vì ngân hàng thương mại huy động vàng rồi kinh doanh vàng, cho vay tín dụng bằng vàng mà có chênh lệch kỳ hạn ngắn - dài, có rủi ro giá, có những hành động rủi ro quá cao dẫn đến thua lỗ nặng nên Ngân hàng Nhà nước mới siết lại hoạt động này, không để ngân hàng thương mại huy động nữa.

Một điểm cộng quan trọng của chính sách trong mấy năm qua là cắt đi cái mối quan hệ tín dụng bằng vàng, cắt đi những cái kênh để người ta lách luật mà cung cấp các khoản vay đẩy giá vàng lên. Chính việc có thể vay tiền để mua bán vàng đã tạo ra những con “sóng” vàng mạnh trong quá khứ, khiến xã hội bất an. Những quy định mới về vàng đã làm giảm phần nào dòng tiền đầu cơ vào đây. Nay vì sao lại muốn đặt lại vấn đề về huy động vàng và sở giao dịch vàng, những cơ chế chắc chắn sẽ khơi lại cái mong muốn tìm đường để vốn đầu cơ, vốn vay len lỏi lại vào vàng?

Thật ra, vấn đề quan trọng nhất cần lo không nằm ở những yếu tố kỹ thuật đó mà chính là ở chỗ quản lý nguồn vàng huy động được (nếu giả sử là đề án khả thi). Nguồn lực lấy được từ huy động vàng trong dân để làm gì và sẽ được quản lý ra sao? Không có ai mơ hồ là đem đồng tiền liền khúc ruột nhà người ta ra đưa cho Nhà nước vay và không biết sau này có đổi ra được vàng trở lại hay không?

Nếu nguồn vàng huy động được quản lý cẩn thận tức là đồng nghĩa với việc cơ quan chính phủ hoặc ngân hàng thương mại được ủy thác huy động và quản lý phải tốn chi phí phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng, còn bên nhận “tiền Nhà nước” đổi ra từ số vàng này phải sử dụng nó hiệu quả để một đồng đầu tư sinh ra nhiều đồng lời để có tiền trả lãi cho dân và tạo ra tăng trưởng kinh tế nhằm tăng phúc lợi về dân sinh như giáo dục, y tế, lương hưu.

Thực tế quản lý ngân sách nhiều năm gần đây cho thấy đây là một nhiệm vụ khó khăn khi mà lý do thực sự của đề nghị huy động vàng trong dân là vì ngân sách đang căng thẳng. Người ta dùng tiền nhà nước một cách tùy tiện, lãng phí, dẫn đến thất thoát và thua lỗ, rồi lại đề xuất cách bù đắp những thiếu hụt đó bằng cách nhìn vào túi tiền của dân. Và nếu cứ giữ cách quản lý như vậy, thì không lâu sau đợt huy động vàng này sẽ có đợt huy động vàng khác để... đảo nợ vàng của dân thôi. Còn nếu quản lý tệ hơn nữa thì thật không dám nghĩ tới.

Việt Nam đang cần nguồn tiền lớn để phát triển kinh tế và khắc phục hậu quả do lãng phí và thất thoát gây ra. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề đó đòi hỏi những con người mới và cơ chế mới cho những đầu tàu kinh tế cả nước có thể tạo ra nhiều nguồn thu hơn, cắt giảm lãng phí và mạnh tay xóa đi những “xác chết biết đi” khổng lồ trong nền kinh tế, chứ không phải là tạo ra thêm rủi ro mới cho nền kinh tế với những đề án huy động vàng đầy rủi ro, thiếu khả thi mà người hưởng lợi có thể chỉ là một bộ phận nhỏ muốn thị trường đầu cơ vàng “sống” trở lại.

Dường như vì người ta muốn đề án về sở giao dịch vàng quốc gia được chú ý mà đã “vẽ” lên trên đó đủ thứ lợi ích mà nó không có và đính kèm vào đó đủ thứ “phụ kiện” như huy động vài trăm tấn vàng trong dân - những thứ mà chỉ có đẹp trên bản vẽ, nhưng hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Xin đừng vẽ ra những đề án làm khổ dân chỉ vì lợi ích thiểu số.

Huy động vàng qua chứng chỉ vàng không khả thi

Có ý kiến cho rằng dân Việt Nam mua vàng vật chất để tích lũy, khiến cho 500 tấn vàng trong dân bị “bỏ quên”, là lãng phí; còn ở nước ngoài người ta chỉ mua chứng chỉ vàng, giảm được chi phí giao dịch. Đây là một ý kiến không có căn cứ khoa học. Đầu tư vàng nhỏ lẻ là đặc thù của một số nền kinh tế châu Á. Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là những quốc gia điển hình. Và văn hóa mua vàng vật chất cất trữ này lan tỏa sang châu Âu chứ không phải ngược lại.

Chẳng hạn như với người bình dân Anh (và dân ở nhiều thị trường tài chính phát triển khác), vàng không phải là cái gì quan trọng trong tỷ trọng tiết kiệm của họ. Các công cụ đầu tư như chứng chỉ vàng hay quỹ hoán đổi hàng hóa (ETC - exchange traded commodities) là chuyện của dân đầu tư và cố vấn đầu tư chuyên nghiệp. Vì vậy, đi áp dụng giải pháp chứng chỉ vàng của thị trường chuyên nghiệp cho những người lao động bình dân của Việt Nam là chuyện không khả thi.

Theo TBKTSG