Để tạp chí Kinh tế Việt Nam sớm đi vào hoạt động: bằng cách nào?

VietTimes – Theo tinh thần của Đề án Quy hoạch báo chí, các báo chuyển sang mô hình hoạt động tạp chí cần kế thừa các giá trị của tờ báo. Đó cũng là mong muốn của tập thể gần 200 nhà báo và CBNV TBKTVN, phù hợp với chỉ đạo của Bộ TT&TT. Vấn đề còn lại là Cơ quan chủ quản - Hội KHKT VN cần có bước đi phù hợp theo đúng tinh thần của Đề án Quy hoạch báo chí, đảm bảo quyền lợi của PV, CBNV của một tờ báo kinh tế có lịch sử lâu đời, cũng là để nâng cao vị thế và uy tín của Hội KHKTVN.
Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có bề dày 30 năm phát triển, là nơi gắn bó của gần 200 cán bộ, phóng viên.
Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có bề dày 30 năm phát triển, là nơi gắn bó của gần 200 cán bộ, phóng viên.

Giải thể hay chuyển đổi mô hình hoạt động?

Như VietTimes đã thông tin, Thời báo Kinh tế Việt Nam (TBKTVN) – cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (KHKTVN) – sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động sang tạp chí hay giải thể là việc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, giới báo chí, cộng đồng mạng trong thời gian qua.

Việc này dấy lên nhiều ý kiến băn khoăn về một thời báo chững chạc, đã có bề dày 30 năm, đang phát hành đều đặn, rộng rãi, có uy tín trong làng báo lại trở thành cơ quan báo chí bị giải thể. Gần 200 cán bộ, phóng viên, nhân viên đứng trước nguy cơ bị mất việc làm.

Bên cạnh lo ngại việc này dễ bị lợi dụng, gây hiểu sai về chủ trương Quy hoạch báo chí của Đảng và Nhà nước ta, nhiều ý kiến ủng hộ Bộ TT&TT đã vận dụng và đáp ứng yêu cầu của Hội khi ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động báo chí của TBKTVN và cấp phép hoạt động Tạp chí Kinh tế Việt Nam (KTVN) trên cơ sở kế thừa một phần TBKTVN.

Lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, cán bộ, phóng viên của Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ làm việc tại trụ sở của Hội  tại Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng – HN) thay vì tòa nhà V.E.T số 96-98 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy – HN) như thời kỳ hoạt động của Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Trao đổi về việc này, lãnh đạo Hội KHKTVN khẳng định không có chuyện Hội đang “mượn cớ” quy hoạch báo chí để thâu tóm tài sản bất động sản và các tài sản tích lũy trong gần 30 năm qua của TBKTVN.

Tôn chỉ mục đích của cơ quan ngôn luận của Hội là nghiên cứu, phổ biến các vấn đề khoa học kinh tế, không phải hoạt động kinh doanh trực tiếp. Nhìn lại hoạt động của TBKTVN, lãnh đạo Hội cho rằng, giai đoạn đầu thời báo cũng chỉ làm nhiệm vụ báo chí, nhưng sau đó có kết hợp một số hoạt động kinh doanh. Bởi thế, số người làm công việc chuyên môn báo chí rất ít so với số người phi chuyên môn trong đơn vị. Do đặc thù của mô hình tạp chí, cơ quan báo chí mới không thể tiếp nhận hết được số lao động cũ, mà chỉ có thể sử dụng các nhân sự đáp ứng về chuyên môn.

Vì thế, quan điểm của Hội là giải thể TBKTVN và Hội KHKTVN bảo lưu Quyết định số 109-2020/QĐ-HKT (đồng thời mang số hiệu 41/2020/QĐ-HKT) ngày 1/7/2020 về việc chấm dứt hoạt động báo chí và giải thể TBKTVN.

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo Hội KHKTVN, ông Dương Đình Giám - Phó TBT Thường trực Tạp chí KTVN - cho rằng không thể lấy mẫu hình của hơn 20 tổ chức Hội chuyển đổi đơn thuần từ báo sang tạp chí để áp dụng với TBKTVN. Với mục tiêu sản xuất 2 dòng sản phẩm là tạp chí khoa học và tạp chí kinh tế ứng dụng, đều đòi hỏi cao về chất lượng đội ngũ, nên tạp chí phải lựa chọn người đáp ứng yêu cầu.

Tồn tại nhiều điểm bất hợp lý

Ngược lại với trao đổi của Ban lãnh đạo Hội KHKTVN, đại diện Bộ Biên tập và đại diện Công đoàn, người lao động TBKTVN cho rằng quyết định giải thể TBKTVN chỉ đề cập đến vấn đề tài sản và giải thể, thu hồi tài sản. Thêm vào đó, động thái tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng lao động đối với toàn bộ người lao động đã khiến sự hoảng loạn bao trùm lên gần 200 người lao động và gia đình họ.

Tài sản, bất động sản được cho là một trong những vấn đề chính làm chậm tiến trình quy hoạch báo chí của TBKTVN.
Tài sản, bất động sản được cho là một trong những vấn đề chính làm chậm tiến trình quy hoạch báo chí của TBKTVN.

“Điều đáng nói hơn là, trong khi hơn 20 cơ quan báo chí thuộc các Hội nghề nghiệp khác thuộc diện quy hoạch như TBKTVN, không có cơ quan nào bị giải thể. Các cơ quan đó đều thực hiện chuyển đổi và kế thừa từ báo sang tạp chí và hầu hết các cơ quan này không có thời gian gián đoạn vì quy hoạch như TBKTVN” - đại diện Công đoàn, người lao động TBKTVN bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm của Công đoàn và người lao động của TBKTVN về việc quyết định giải thể này không đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về quy hoạch báo chí, ông Nguyễn Thế Hào – Phó TBT Thường trực TBKTVN – đánh giá, uy tín và thương hiệu của TBKTVN bị ảnh hưởng đồng nghĩa với việc gây tác động không thuận lợi cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam – ấn phẩm kế thừa của TBKTVN.

Phó TBT Thường trực của TBKTVN cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều đối tác lớn của cơ quan báo chí này đã liên hệ, đề nghị chấm dứt các hợp đồng đã ký, gây thiệt hại cho báo nhiều tỷ đồng. Đó là chưa kể, việc thu hồi công nợ lên đến chục tỷ đồng từ các đối tác, khách hàng cũng không thể thực hiện được.

Cùng với đó, ông Hào chỉ ra điểm bất hợp lý: Khi giải thể, TBKTVN phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả cán bộ, nhân viên đang làm việc và chi trả cho họ tiền trợ cấp mất việc với tổng số tiền không phải nhỏ. Trong khi đó, hàng chục người trong số họ rồi đây lại được tuyển dụng vào làm việc tại Tạp chí KTVN. Như vậy sẽ lãng phí nhiều tỷ đồng so với việc thực hiện chuyển đổi TBKTVN thành Tạp chí KTVN.

Lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhìn nhận những vướng mắc mà TBKTVN đang gặp phải đều là những vấn đề liên quan nội tại trong việc thực hiện, quản lý, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cũng như việc xây dựng hoàn thiện các đề án để thực hiện quy hoạch.

Các thông tin từ tập thể người lao động của TBKTVN đều thể hiện nguyện vọng tha thiết được tiếp tục làm nghề, được làm báo, được cống hiến cho tờ tạp chí mới – mà qua đó là cống hiến cho Hội.

“Trong số các cán bộ, phóng viên này, có những người đã gắn bó với TBKTVN nhiều năm, thậm chí đến hơn 20 năm. Đó chính là vốn quý. Hội đi tìm đâu rồi cũng phải tìm những người lao động sẵn sàng phụng sự cho tổ chức của mình”, Lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản nói thêm.

Trong khi đó, trước việc chậm thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động cơ quan ngôn luận của Hội KHKTVN, đại diện Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – tiền thân là TBKTVN – nếu Tạp chí không triển khai hoạt động trong vòng 3 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực (ngày 15/7/2020).

Cho đến thời điểm này, quan điểm giải quyết vấn đề của Hội KHKTVN và tập thể phóng viên, CBNV TBKTVN vẫn còn là một khoảng cách lớn. Tuy nhiên nếu các bên thật sự thiện chí và đều cùng mong muốn tạp chí KTVN sớm ổn định bộ máy để đi vào hoạt động thì cách tốt nhất là Hội KTVN tiếp nhận lại toàn bộ giá trị tinh thần cũng như cơ sở vật chất, đội ngũ phóng viên, CBNV của TBKTVN. Sau khi ổn định tổ chức, tạp chí KTVN từng bước đi vào hoạt động, khi ấy Ban Biên tập tạp chí sẽ tái cấu trúc lại cơ cấu tổ chức, bộ máy cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phù hợp với hoạt động của Hội KHKTVN. Chẳng phải đó cũng là mong muốn của Hội KHKTVN hiện nay đó sao?

Thời gian không chờ đợi bất cứ ai, kể cả tạp chí KTVN. Thời điểm 15/10, nếu tính từ hôm nay (04/8), chỉ còn 71 ngày (hoặc 2 tháng 11 ngày),  –  Nếu Tạp chí không triển khai hoạt động trong vòng 3 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực (ngày 15/7/2020 sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – tiền thân là TBKTVN", như tuyên bố của đại diện Cục báo chí Bộ TT&TT.

Về Quyết định giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam, GS. Đào Nguyên Cát – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam – đã có ý kiến: “Nhiều người cho rằng Hội đã lập lờ nhằm tìm cách thâu tóm các tài sản của báo như 1.700m2 đất ở số 96-98 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cùng các bất động sản khác mà Thời báo đã và đang sở hữu. Thêm vào đó, những tiêu cực ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (thành viên trực thuộc Hội) trong các mặt tổ chức, tài chính, sử dụng sai mục đích ở các dự án của Trường ở Bắc Ninh (…), đã tác động mạnh đến uy tín của Hội và cá nhân người đứng đầu, đặc biệt là GS. Trần Phương, TS. Nguyễn Quang Thái, Vũ Tuấn Anh và cả tôi”.