Chủ tịch UBND TP. Hà Nội:

Đề nghị Bộ Y tế công bố ca bệnh ngay, để không ảnh hưởng đến việc phòng dịch.

VietTimes -- Sáng nay (13/4), tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Khi có xét nghiệm khẳng định, đề nghị Bộ Y tế cập nhật và công bố thông tin ngay lập tức, bởi độ trễ của thông tin sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch. 

Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND TP. Hà Nội sáng nay (13/4). Ảnh: UBND TP. Hà Nội.
Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND TP. Hà Nội sáng nay (13/4). Ảnh: UBND TP. Hà Nội.

Tránh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cần thay đổi cách làm, bởi thông tin về dịch bệnh không không đồng bộ, không nhất quán sẽ làm người dân phân tâm.

Ông Chung đặc biệt nhấn mạnh: Không có chuyện Hà Nội "tranh việc" để thông tin về các ca bệnh mắc COVID-19.

Trong giai đoạn 1 của dịch, Bộ Y tế cho phép Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) được xét nghiệm loại trừ; giai đoạn 2, CDC Hà Nội được xét nghiệm khẳng định ca bệnh mắc COVID-19. Vì thế, Hà Nội chỉ đề nghị khi có xét nghiệm khẳng định thì Bộ Y tế cập nhật và công bố thông tin ngay lập tức, bởi độ trễ của thông tin sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch.

“Điển hình là ca bệnh Bộ Y tế công bố chiều 12/4 chẳng hạn. Hà Nội đã thông báo từ chiều 11/4, đáng lẽ, trong sáng 12/4 Bộ Y tế cần công bố luôn, nhưng lại để đến buổi chiều hôm qua mới công bố. Nhân dân không thấy thông tin, rồi báo chí đưa tin sáng sáng thứ nhất không có gì, sáng thứ 2 không có ca bệnh. Như vậy sẽ dẫn đến chủ quan, không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng" – ông Chung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Ảnh: UBND TP. Hà Nội
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Ảnh: UBND TP. Hà Nội 

Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị tổ công tác của Bộ Y tế cần nghiên cứu, đánh giá để có cảnh báo về các đối tượng, độ tuổi dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.  CDC Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cần phối hợp với các chuyên gia để nghiên cứu kỹ về vấn đề này. Từ đó, đưa ra nhận định thống nhất, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Kiến nghị cách ly xã hội thêm 1 tuần 

Theo PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - khẳng định: Hà Nội được xác định là điểm nóng của dịch COVID-19 cùng với TP. Hồ Chí Minh.

Thông tin về tình hình ở thôn Hạ Lôi, PGS.TS. Trần Như Dương cũng cho biết, việc cách ly y tế trong thôn Hạ Lôi, Mê Linh đang được thực hiện rất tốt. Bà con trong thôn Hạ Lôi không thiếu thốn gì trong những ngày cách ly. Nhà ai trong thôn cũng đảm bảo “cửa đóng, then cài”, cách ly tại nhà”. Nếu việc khoanh vùng ổ dịch được thực hiện nghiêm túc như hiện nay thì cộng đồng sẽ “trong sạch” trở lại.

PGS.TS. Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Thủy Tiên
PGS.TS. Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Thủy Tiên

PGS.TS. Trần Như Dương nhấn mạnh Hà Nội cần tiếp tục cách ly xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. “Tôi thấy những ngày gần đây người dân bắt đầu ra đường rất đông, thậm chí có nơi chật cả đường. Thành phố cần quyết liệt hơn nữa, cần có chế tài để xử lý.” - ông Dương nói.

Ngoài ra, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho rằng dựa vào tình hình hiện nay, thành phố có thể kéo dài hơn nữa việc cách ly xã hội để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch, chứ không chỉ kéo dài cách ly đến hết ngày 15/4.

“Theo tôi, ít nhất phải kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa” - ông Dương bày tỏ.