ĐBSCL cần 67.300 tỷ phát triển hạ tầng giao thông vận tải

VietTimes -- Trong giai đoạn 2017-2020, vùng ĐBSCL dự kiến sẽ cần khoảng 67.336 tỷ đồng để đầu tư 27 dự án quan trọng, cấp bách như cao tốc TPHCM đi Cần Thơ, dự án BOT Trung Lương-Mỹ Thuận... để tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông của vùng
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh Dân trí
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh Dân trí

Thông tin trên được nêu lên tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các bộ, ngành hữu quan và các địa phương trong vùng ĐBSCL về tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong thời gian qua, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của ĐBSCL đạt được những kết quả hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của khu vực ĐBSCL và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông của khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập. Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến các nội dung phát triển hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL và Thủ tướng sẽ trực tiếp nghe báo cáo thực trạng về phát triển giao thông của vùng để có các ý kiến chỉ đạo tháo gỡ.

Trên tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành hữu quan tập trung từ nay đến năm 2020 phải tháo gỡ được các nút thắt chính về hạ tầng giao thông của vùng.

Theo đó, nút thắt lớn nhất là nút thắt của cao tốc TPHCM đi Cần Thơ-dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định tháo gỡ nút thắt, kết nối giao thông giữa khu vực ĐBSCL và TPHCM, đồng thời tạo ra giao thông đối ngoại với bên ngoài, góp phần phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của khu vực ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn để sớm triển khai dự án BOT Trung Lương-Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, cố gắng phải hoàn thành dự án này vào năm 2019. Dự án thứ 2 là dự án Mỹ Thuận đi Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, Bộ GTVT đã chủ động thực hiện dự án này, yêu cầu phải sớm làm các thủ tục để tổ chức đấu thầu.

Nút thắt thứ hai, cụm dự án cầu Cao Lãnh và một đoạn tuyến tới Vàm Cống có tổng đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng cần thiết phải hoàn thành vào cuối năm 2017. Cụm dự án từ Vàm Cống đến Kiên Giang với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 6.000 tỷ phải hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2018.

Nút thắt thứ 3 là tuyến nối Quốc lộ 1 tại Sóc Trăng theo Quốc lộ 60 (qua Trà Vinh-Bến Tre) nối với Quốc lộ 1 và cao tốc TPHCM-Cần Thơ, trong đó phải làm sớm cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2, Bộ GTVT sớm tổ chức nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT chủ động làm việc, tổng hợp nhu cầu đầu tư của các địa phương, báo cáo Chính phủ, từ đó có kế hoạch phân bổ đầu tư hợp lý.

Liên quan đến hệ thống cảng biển trong vùng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ hữu quan để sớm báo cáo Chính phủ về dự án cảng than nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu dùng than cho các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL. Bộ GTVT chủ trì với các địa phương trong vùng tổ chức thực hiện việc nạo vét các cửa sông, cửa biển, luồng lạch, giao thông thủy nội địa.

Từ những nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp thực hiện, trong đó phải tập trung tháo gỡ các rào cản về pháp luật, điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng. Bộ GTVT tập trung xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về quản lý công tác nạo vét luồng hàng hải và đường thủy nội địa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân, tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án đang thực hiện hoặc đã được phê duyệt.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND các địa phương rà soát lại các quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, cửa sông, ở các luồng lạch, khu vực cảng biển; làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát sỏi theo quy hoạch gắn với việc bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở đất.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu ngay việc tìm vật liệu thay thế cát xây dựng truyền thống và cát san nền để đáp ứng nhu cầu cát cho nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Trong giai đoạn 2010-2015, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đã được đầu tư, hoàn thành 40 dự án với tổng vốn đầu tư 43.682 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng mức vốn đầu tư thực hiện của ngành giao thông cả nước. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai 16 dự án trong vùng.

Cũng tại buổi họp, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết tình trạng khan hiếm cát do bị ngừng cấp phép khai thác cát các mỏ cát mới, các dự án nạo vét sông luồng lạch. Vì vậy, giá cát tăng leo thang, từ 200 đến 300%, dẫn đến việc các công trình đầu tư của trung ương và địa phương ở khu vực bị đội tổng chi phí đầu tư.
Qua đó, ông Lâm mong muốn Chính phủ thực hiện ngay việc đưa các dự án thông luồng chuyển về địa phương. Đồng thời cho các địa phương tự chủ việc cấp phép khai thác cát, đảm bảo có đánh giá tác động môi trường thì mới cấp phép khai thác cát...