ĐBQH Lê Thanh Vân: “Cần cơ chế ít rườm rà để cá nhân cứu trợ mà không vi phạm Nghị định 64”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc huy động tiền cứu trợ cho người dân vùng lũ của một số cá nhân thời gian qua dường như vi phạm Nghị định 64. Có nên rạch ròi giữa tính pháp lý và tính nhân đạo của hoạt động cứu trợ?
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Tuần qua người dân chịu thiệt hại nặng nề từ các vùng lũ lụt ở Huế, Quảng Bình, Quảng Trị đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cá nhân. Chẳng hạn như ca sĩ Thủy Tiên đã huy động được hơn 105 tỷ, xuống tận vùng lũ trao tận tay số tiền ủng hộ cho từng người dân. Ngoài Thủy Tiên còn có nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng khác như diễn viên Đại Nghĩa, ca sĩ Thái Thùy Linh, danh hài Hoài Linh cũng kêu gọi đóng góp của cộng đồng để ủng hộ người dân khu vực thiên tai. Tuy nhiên, một số người đã thắc mắc về tính hợp pháp của những hoạt động cứu trợ tự phát nói trên.

Được biết, năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định 64 quy định chỉ có 3 nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ: đó là Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, báo đài trung ương, địa phương và các quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. Sau đó Bộ Tài chính ban hành Thông tư 72 hướng dẫn Nghị định này, với quy định chặt chẽ hơn là báo đài chỉ được huy động tiền, hàng cứu trợ mà không được phân phối tiền, hàng cứu trợ đó.

Như vậy căn cứ theo những quy định trên thì các cá nhân như ca sĩ Thủy Tiên và nhiều nghệ sĩ, doanh nghiệp đã vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội xung quanh tính pháp lý của các hoạt động thiện nguyện của các cá nhân trong thời gian qua.

PV: Đã có những ý kiến cho rằng hành động kêu gọi và mang tiền ủng hộ của một số cá nhân cho người dân vùng lũ là vi phạm Nghị định 64. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Nói về mặt pháp lý thì hành vi tặng cho, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn so với hành vi huy động tài chính, huy động nguồn lực có những điểm khó phân biệt. Cho nên, để rạch ròi hành vi này trong bối cảnh cụ thể thì phải phân tích những tình huống cụ thể. Trên thực tế, hành vi hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng tiền, bằng của cải vật chất giữa người này với người khác, đấy là lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dân sự.

Còn hành vi mà định nghĩa như trong Nghị định 64/2008 NĐ-CP là huy động nguồn lực cho một mục đích nào đó, nó lại là một nhóm hành vi khác, có quy trình, hệ quả pháp lý của nó.

Vì vậy, trên thực tế thì hoạt động tài trợ, thiện nguyện những năm qua mà các cá nhân vẫn thực hiện dường như không bị các cơ quan quản lý nhà nước rờ đến và lại không hề bị dư luận xã hội phản ứng. Trái lại, dư luận xã hội rất đồng tình. Điều đó chứng tỏ văn bản pháp lý ở cấp độ Nghị định đã không còn phù hợp với bối cảnh tình hình hiện tại.

Hơn nữa, đây là một văn bản ở tầm Nghị định chứ không phải là một Đạo luật. Ở mức độ Đạo luật thì sẽ ghi danh, định nghĩa các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc mà thẩm quyền của nó là Quốc hội ban hành. Trong bối cảnh đó thì vẫn phải căn cứ vào Luật Dân sự là đạo luật do Quốc hội ban hành để xem xét các dấu hiệu, hành vi thiện nguyện, giúp đỡ lẫn nhau.

Đấy là tôi nói về mặt pháp lý. Về mặt đạo lý thì người Việt Nam có truyền thống đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái và hễ một khi có tai nạn do thiên tai, địch họa, khó khăn thì người Việt ở đâu cũng tự nguyện nhường cơm, sẻ áo và quyên góp đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Đây là một truyền thống tốt đẹp của người Việt, cho nên hành vi tự phát của cá nhân - những cá nhân mà bắt đầu từ lòng thiện nguyện, bằng nghĩa cử cao đẹp ấy - người ta thiên về cái đạo lý. Còn nếu như mà bắt bẻ về mặt pháp luật thì phải dựa vào dấu hiệu tặng cho trong Bộ luật Dân sự.

Còn nếu cá nhân không nhân danh một mục đích nào đó để huy động, để lập quỹ thì không thể căn cứ vào dấu hiệu đấy để suy đoán họ vi phạm Nghị định 64 được. Cho nên phải xem xét.

Tôi muốn nhắc lại là, ở đây cái gì mà thực tiễn đòi hỏi, thực tiễn đặt ra thì pháp luật phải phải quy định, phải quy phạm hóa thành các quy tắc xử sự. Vì qua thực tiễn những năm gần đây một số cá nhân người ta xuất phát từ lòng thiện nguyện của mình và phù hợp với đạo lý truyền thống của người Việt. Họ đã chia sẻ bằng việc quyên góp với mục đích giúp đỡ đồng bào ở những nơi khó khăn do thiên tai, bão lũ, thì đó chính là một nghĩa cử cao đẹp cần phải ủng hộ.

PV: Do nguyên nhân khách quan, chủ quan vào thời điểm đó mà Nghị định 64 dường như muốn chú trọng vào vai trò nòng cốt của các tổ chức pháp nhân mà chưa để ý đến việc phát huy sức mạnh xã hội. Phải chăng bây giờ Chính phủ cần ban hành một Nghị định mới thay thế cho Nghị định 64 vốn đã bộc lộ hạn chế?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Bây giờ Chính phủ phải đánh giá lại thời gian thực hiện Nghị định 64 xem tác động của nó đến xã hội như thế nào, mặt được, mặt chưa được, thậm chí phải xem xét lại tính tương thích, phù hợp của nó đối với thực tiễn cuộc sống.

Vì sao Nghị định 64 vẫn đang tồn tại, chưa hết hiệu lực mà các hoạt động của cá nhân trong việc kêu gọi tài trợ để hướng về miền Trung bão lũ như thời gian qua hay những năm trước lại không bị xã hội phản ứng, không bị xử lý vì vi phạm pháp luật, mà trái lại, lại được xã hội thừa nhận và đánh giá cao. Rõ ràng một văn bản pháp luật ra đời phải phù hợp với cuộc sống, không thể quy định lạc hậu hơn cuộc sống và cũng không thể đi trước cuộc sống được, luôn luôn phải phù hợp. Nó chính là động lực thúc đẩy cho các quan hệ xã hội phát triển tốt đẹp hơn.

Chính phủ cần đánh giá lại. Một là tuyên bố cái thời hiệu của Nghị định. Hai là bổ sung cho phù hợp để thích nghi với cuộc sống hiện tại.

PV: Năm nào miền Trung cũng chịu thiệt hại từ thiên tai, lũ lụt. Chắc chắn sẽ lại có những cuộc vận động cứu trợ từ các cá nhân. Theo ông, việc ban hành một Nghị định mới có là công việc cấp thiết cần làm ngay không?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi nghĩ là sau đợt này thì Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 64 trong thời gian qua. Nghị định đã lạc hậu, không còn phù hợp với sự thay đổi của những quan hệ xã hội gần đây. Từ đó sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản cho phù hợp.

Trong lúc này người dân vùng lũ không chỉ cần sự hỗ trợ của Nhà nước, vai trò quản lý của Nhà nước mà còn có cả sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các cá nhân có điều kiện. Đây chính là nguồn lực tổng hợp để giúp cho chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức, cụ thể đây là giúp cho đồng bào các tỉnh miền Trung đang bị lũ lụt hoành hành. Đó là việc làm cấp thiết.

PV: Nhiều cá nhân không muốn thông qua các tổ chức hợp pháp để gửi tiền từ thiện? Theo ông, có phải họ không tin tưởng ở sự minh bạch của các tổ chức này? Khi có một Nghị định mới, theo ông cần phải làm thế nào để không ai có thể trục lợi từ hoạt động từ thiện?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Trước những vấn đề mà dư luận đặt ra, để cho tường minh việc này thì tôi nghĩ rằng pháp luật cũng nên quy định một khung pháp lý để cho họ đường hoàng thực hiện nghĩa cử đó.

Ví dụ việc huy động nguồn lực từ xã hội để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, thì không nhất thiết phải tập trung vào cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, mà có thể để cho các cá nhân họ cũng có quyền, nhất là những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội, có uy tín trong xã hội. Họ có quyền làm điều đó thay cho các cơ quan, tổ chức. Nó làm giảm đi gánh nặng cho các tổ chức đó.

Thủ tục thì các cá nhân chỉ cần đăng ký thôi, không cần bắt buộc họ phải qua một quy trình hành chính xét duyệt rườm rà làm gì. Việc đăng ký sẽ nhân danh tư cách cá nhân của họ. Họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân phối tiền hàng cứu trợ cho mục đích từ thiện, giúp đỡ chia sẻ khó khăn... thì nên tạo điều kiện cho họ.

Cái thứ hai là pháp luật phải bảo vệ họ khi họ đã làm đúng tiêu chí, tôn chỉ mục đích đặt ra. Phải bảo vệ họ ngay cả khi họ tiến hành các phương thức cứu trợ. Khi họ đi vào vùng thiên tai đang hoành hành, có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng, tài sản mà họ mang theo. Quan sát những ngày qua khi nhóm của Thủy Tiên đi cứu trợ, tôi thấy đôi khi họ gặp nguy hiểm. Chẳng hạn họ không được hướng dẫn, cảnh báo những vùng sạt lở, nguy hiểm nước dâng, hay là đi qua những vùng có chướng ngại vật có thể làm thủng thuyền, nguy cơ chìm, đắm.

Rõ ràng trong trường hợp đấy pháp luật phải có biện pháp bảo vệ, đặc biệt là có hướng dẫn về nghiệp vụ cứu hộ trong những tình huống để họ tự xử lý, có kỹ năng vượt qua các chướng ngại. Rồi phải có định hướng về mặt nghiệp vụ chuyên môn để họ thống kê, phân loại và minh bạch tài sản khi cần giải trình trước các nhà tài trợ.

Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh hiện nay khi mà ngân sách nhà nước có hạn thì cần huy động xã hội để cùng chung tay chia sẻ. Nó phản ánh đạo lý tốt đẹp của dân tộc, cần được khuyến khích.