Dạy và học môn Sử ở cấp THPT: "Lựa chọn" hay "bắt buộc" và vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
"Tự chọn" hay "lựa chọn" đều có nghĩa là "không bắt buộc", theo giải thích từ ngữ của Chương trình GDPT 2018. Câu hỏi đặt ra là quy định Sử là môn học không bắt buộc ở cấp THPT thì có hợp lý hay không, và tại sao?

LTS: Tiếp tục chuyên đề Dạy và học môn Sử ở cấp Trung học phổ thông (THPT), VietTimes trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Văn phân tích vai trò môn sử đối với học sinh THPT và việc xếp nhóm môn Sử ở cấp học này.

Là một độc giả thường xuyên của Tạp chí điện tử VietTimes, tôi thấy gần đây, trong những ngày cuối tháng 5 năm 2022, VietTimes có đăng ý kiến của một số diễn giả trong buổi tọa đàm “Dạy và học sử ở cấp THPT” do Tạp chí tổ chức, một vấn đề nóng, thu hút được sự quan tâm chú ý của xã hội trong nhiều tháng qua.

Tôi đồng ý với nhiều nhận định, đánh giá, phân tích của các diễn giả nêu trong buổi tọa đàm, đặc biệt là các ý kiến về việc cần phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học môn Lịch sử ở các cấp học, khắc phục tình trạng khô cứng, nặng nề, quá tải, quá nhiều những sự kiện, số liệu làm mất đi sự hấp dẫn của môn Lịch sử, khiến học sinh không thích, ngại, xa lánh môn Lịch sử. Nếu không làm được điều này thì dù nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục của Nhà nước và cả cộng đồng xã hội có đề cao đến đâu vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy và học môn Lịch sử ở trong nhà trường các cấp, có gắn cho môn Lịch sử sứ mệnh, trách nhiệm cao cả gì thì môn Lịch sử cũng không thể thực hiện, đáp ứng được, mọi mục tiêu cũng chỉ là những mong muốn chủ quan.

Hội thảo khoa học quốc gia về Dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam ngày 18-19/8/2012 tại Đà Nẵng (Ảnh: Infonet)

Hội thảo khoa học quốc gia về Dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam ngày 18-19/8/2012 tại Đà Nẵng (Ảnh: Infonet)

So với việc chỉ đổi mới, sắp xếp lại chương trình dạy và học môn Lịch sử ở các cấp học, trong đó có việc xác định ở cấp THPT Lịch sử là môn học bắt buộc hay tự chọn (lựa chọn) đối với học sinh, việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học môn Lịch sử nói chung, ở tất cả các cấp học cơ bản và quan trọng hơn nhiều, cần được trao đổi, thảo luận nhiều hơn nữa.

Trừ những trường hợp cấp bách, có tính chất tình thế, chúng ta cần tránh việc đi vào giải quyết một vấn đề riêng, cụ thể trước khi hiểu và có phương án giải quyết cái chung, cái tổng thể vì cách làm này ắt sẽ tạo ra những mâu thuẫn, vướng mắc, phải làm đi làm lại nhiều lần.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, tôi thấy có một số vấn đề muốn trao đổi thêm với các diễn giả.

1. “Lựa chọn” hay “tự chọn” thì đều có nghĩa là không bắt buộc, tức sẽ có những học sinh không học môn Sử ở THPT

Có diễn giả cho rằng vừa qua dư luận xã hội nóng lên về vấn đề môn Lịch sử ở bậc Trung học phổ thông không phải là môn học bắt buộc mà là môn học lựa chọn theo quy định của chương trình mới, là “do hiểu lầm lựa chọn với tự chọn”.

Theo diễn giả, tự chọn là học sinh có thể chọn học hoặc có thể không học môn nào đấy mà không làm sao, còn lựa chọn là trong số các môn học, học sinh phải lựa chọn học một số môn, nhưng nhiều người do hiểu lầm giữa lựa chọn và tự chọn nên nhận định rằng cho phép lựa chọn đồng nghĩa với việc bỏ môn Lịch sử.

Song tôi thấy những người bức xúc không hiểu lầm như vậy (mà có lẽ có sự hiểu lầm của chính diễn giả). Đúng là có sự khác nhau giữa lựa chọn và tự chọn (nếu không đã không cần đến 2 khái niệm). Cơ quan quản lý có thẩm quyền lựa chọn ra một số môn học (không bắt buộc học sinh phải học) để mỗi học sinh tự mình lựa chọn ra những môn mình sẽ học trong những môn được đưa ra lựa chọn đó. Tự chọn là lựa chọn của một chủ thể xác định (nên nếu có nhầm lẫn giữa hai khái niệm này cũng dễ hiểu và không có vấn đề gì nghiêm trọng).

Vấn đề quan trọng là ở chỗ cả tự chọn và lựa chọn đều có nghĩa là không bắt buộc.

Khi môn Lịch sử không phải là môn học bắt buộc mà được đưa vào các môn lựa chọn để học sinh THPT trong nhóm định hướng nghề nghiệp Khoa học xã hội tự chọn ra những môn sẽ học, thì ngay trong nhóm định hướng Khoa học xã hội này, nhất định sẽ có học sinh không chọn học môn Lịch sử và nhất định có nhiều học sinh trong các nhóm theo định hướng nghề nghiệp Khoa học tự nhiên hay Khoa học công nghệ, cũng sẽ không chọn học môn Lịch sử.

Như vậy, mặc dù trong chương trình dạy và học ở bậc THPT không hoàn toàn bỏ môn Lịch sử, nhưng với việc đưa môn Lịch sử vào danh mục các môn lựa chọn để học sinh tự chọn, thì nhất định sẽ có một số không nhỏ học sinh THPT sẽ không học môn Lịch sử. Đây chính là vấn đề làm nhiều người trong xã hội bức xúc, hoàn toàn không phải họ hiểu lầm giữa lựa chọn với tự chọn như có người lầm tưởng.

2. Đề cao môn Sử là quan điểm của nhiều tầng lớp nhân dân, không phải xuất phát từ góc nhìn “quan phương”

Có diễn giả cho rằng những người muốn môn Lịch sử được trọng thị là môn học chính (tức bắt buộc), là họ đã đề cao môn Lịch sử theo cách nhìn quan phương (nhìn theo góc độ quản lý của chính quyền). Không biết ở đây diễn giả có nhầm lẫn không hay do VietTimes đã diễn đạt sai ý của diễn giả. Bởi thực tế hiện nay, theo góc độ quản lý của cơ quan Nhà nước (mà cụ thể là của Bộ GD&ĐT) thì môn Lịch sử không được đề cao, trọng thị, không được xác định là môn học chính mà được đưa vào nhóm môn học để học sinh tự chọn ở các trường THPT; còn những người trọng thị, đề cao môn Lịch sử, muốn môn Lịch sử là môn học chính, bắt buộc đối với học sinh THPT lại không phải là những người trong cơ quan quản lý Nhà nước về GD&ĐT, không “theo cách nhìn quan phương”, mà là những người trong các tầng lớp nhân dân (trong đó có những người là trí thức, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý Nhà nước, những người gắn bó với ngành GD&ĐT), nhìn nhận vấn đề từ lợi ích của đất nước, của xã hội.

Một giờ học môn Lịch sử (Ảnh: GettyImages)
Một giờ học môn Lịch sử (Ảnh: GettyImages)

3. Những quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao giờ cũng đúng đắn, đáng tin cậy?

Có diễn giả đã bác bỏ ý kiến của một học giả (có tên tuổi trong lĩnh vực Sử học), vốn cho rằng mặc dù môn Lịch sử đã được dạy và học ở các bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, nhưng ở bậc Trung học phổ thông học sinh vẫn cần phải học môn Lịch sử bởi ở lứa tuổi đó mới có thể hiểu sâu sắc hơn các sự kiện lịch sử, chỉ bằng lập luận rất đơn giản là “cần phải tin Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì con người phát triển qua các giai đoạn nhận thức, tâm lý, v.v., nhưng chuyên gia sâu nhất về những vấn đề đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải các ngành khác, mà cần phải tin vào chuyên môn của cơ quan mà người ta giỏi nhất về vấn đề đó!” Nhưng sự thật có phải đúng như thế không, có phải Bộ GD & ĐT hiện nay đang có những chuyên gia giỏi nhất, sâu nhất về những vấn đề nhận thức, tâm lý của học sinh không, để những quyết định do Bộ đưa ra bao giờ cũng đúng đắn, đáng tin cậy, không cần bàn cãi nữa hay không? Nếu được vậy thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu được như vậy thì lĩnh vực giáo dục và đào tạo của nước ta chắc không có nhiều vấn đề phức tạp, gây bức xúc xã hội như hiện nay.

Mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương đổi mới toàn diện GD&ĐT từ nhiều năm nay, việc thực hiện vẫn rất chậm, lúng túng, kết quả đạt được rất hạn chế, nhiều vấn đề phức tạp, bức xúc kéo dài đã nhiều năm mà chưa có cách khắc phục, thậm chí còn tăng lên, trầm trọng hơn; không ít những văn bản, quyết định của Bộ GD&ĐT đưa ra bị xã hội phê phán, phải thu hồi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của xã hội với Bộ GD&ĐT.

4. Tầm quan trọng của môn Sử trong tương quan với những môn học khác

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo quốc gia về dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông Việt Nam ngày 18-19/8/2012 (Ảnh: Baonghean.vn)

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo quốc gia về dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông Việt Nam ngày 18-19/8/2012 (Ảnh: Baonghean.vn)

Cơ sở, căn cứ quan trọng để các diễn giả ủng hộ phương án đưa môn Lịch sử vào các môn lựa chọn ở THPT là vấn đề định hướng nghề nghiệp, một yêu cầu cần thiết, đúng đắn phải đặt ra đối với giáo dục ở cấp THPT.

Để thực hiện yêu cầu (hay mục tiêu) định hướng nghề nghiệp, cần phải có sự lựa chọn, phân chia các môn học thành những môn bắt buộc, chung cho mọi học sinh và những môn không bắt buộc, để học sinh tự chọn phục vụ cho định hướng nghề nghiệp của mình sau này. Điều này thì chắc không có ai phản đối.

Song vấn đề là lựa chọn thế nào, vì sao lại chọn như vậy?

Vì sao môn này phải là môn học bắt buộc, còn môn kia phải là môn lựa chọn của học sinh THPT?

Đây là điều cần cân nhắc đầy đủ, cẩn thận xuất phát từ chức năng, từ mục tiêu của GD&ĐT.

GD&ĐT vừa dạy chữ, vừa dạy người, vừa trang bị cho người học những tri thức, kỹ năng để làm việc, trở thành người có tài năng, vừa trang bị cho người học những tri thức, phẩm chất để sống, trở thành những người có đạo đức, để người học trở thành người vừa có tài, vừa có đức, mà đức là gốc.

Vì vậy, nếu chỉ xuất phát từ mục tiêu hướng nghiệp, từ tính toán sẽ có bao nhiêu học sinh học xong bậc THPT sẽ làm nghề Sử học để ủng hộ việc đưa môn Lịch sử vào những môn tự chọn thì thật là đơn giản, phiến diện.

Sử học (Khoa học lịch sử) nghiên cứu và cung cấp cho con người những tri thức, hiểu biết về quá trình hình thành, hoạt động và phát triển của con người và xã hội loài người, của các quốc gia, dân tộc qua các thời đại; những kinh nghiệm, những bài học quý giá để con người, xã hội loài người tồn tại, phát triển, hun đúc, làm hình thành nên những phẩm chất cao quý của con người, những truyền thống vẻ vang của các quốc gia, dân tộc.

Kiến thức lịch sử do Sử học cung cấp là cơ sở quan trọng cho hoạt động, phát triển của nhiều ngành khoa học xã hội và lĩnh vực hoạt động xã hội, như: chính trị, nhà nước, pháp luật, văn hóa, đối ngoại, quân sự, v.v.

Vì vậy, mặc dù không phải là cơ sở duy nhất, nhưng chắc chắn môn Lịch sử có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, hình thành đạo đức, nhân cách, lòng yêu nước của con người, đặc biệt là đối với học sinh, thế hệ trẻ, đạo đức, nhân cách đang trong quá trình hình thành.

Cũng không thể cho rằng chỉ có môn Toán mới giúp học sinh, giúp con người phát triển tư duy logic còn Lịch sử thì không. Như một nhà triết học lớn của thế giới đã nói: Logic của tư duy chẳng qua là chỉ logic của đời sống hiện thực được uốn nắn lại.

Năng lực tư duy luôn gắn liền với tri thức, phụ thuộc vào nền tảng tri thức. Nền tảng tri thức lịch sử do Sử học cung cấp cũng có vai trò, ý nghĩa lớn không kém trong phát triển năng lực tư duy của con người.

Cũng không thể cho rằng thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế thì chỉ cần học ngoại ngữ. Ngoại ngữ là cần thiết, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi quốc gia, dân tộc để không bị “hòa tan”, giữ vững được độc lập, tự chủ, giữ vững được bản sắc riêng của mình và để hội nhập thành công thì phải hiểu rõ, tự hào về truyền thống bản sắc của dân tộc mình, đất nước mình, đồng thời phải hiểu bản sắc, truyền thống của các dân tộc khác, đất nước khác. Điều này quan trọng không kém, thậm chí còn hơn ngoại ngữ.

5. Cần nhận thức đúng về vai trò của môn Sử trong nhà trường và ở cấp THPT trong thời đại bùng nổ thông tin đại chúng

Có diễn giả còn cho rằng thế hệ cha mẹ chúng ta có được học Lịch sử đâu mà vẫn yêu nước nồng nàn. Tôi không phản đối điều này, mà tự hào về điều này.

Nhưng diễn giả vô tình hay cố ý quên mất rằng mặc dù chỉ cách nhau mấy chục năm, nhưng thời của thế hệ cha mẹ chúng ta và ngày nay đã khác nhau rất xa.

Thời cha mẹ chúng ta báo chí còn rất ít, hầu như chưa có truyền hình, hoàn toàn chưa có Internet, các mạng xã hội. Lòng yêu nước của cha mẹ chúng ta được hình thành từ sự dạy dỗ của thế hệ ông bà chúng ta, từ ca dao, tục ngữ, những câu chuyện cổ tích, từ truyền thống của gia đình, quê hương.

Ngày nay, các phương tiện truyền thông, Internet, các mạng xã hội thao túng thông tin, dư luận xã hội, thật giả, đúng sai lẫn lộn, khó phân biệt, ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tình cảm, niềm tin của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, lấn át các hình thức giáo dục truyền thống của gia đình, xã hội trước kia.

Nguy hại hơn, có những thế lực thù địch tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông, Internet, các mạng xã hội xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ, vu cáo, bóp méo sự thật để tẩy não thế hệ trẻ, tạo ra một thế hệ quay lưng lại với truyền thống của dân tộc, phục vụ cho mục tiêu, lợi ích của họ.

Thách thức này không còn là chuyện giả tưởng, mà thật sự đã và đang xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, có thể gây nên những hiểm hoạ khôn lường.

Vậy nên vấn đề dạy và học môn Sử ở cấp THPT tuyệt đối không thể bàn qua loa theo kiểu "đoàn kết xuôi chiều", trái lại phải xem xét, phân tích, quyết sách một cách hết sức cẩn trọng./.