Đây là lý do khiến Trung Quốc khiếp sợ "sát thủ" BrahMos

VietTimes -- Ấn Độ đang chuẩn bị thử nghiệm một phiên bản tầm xa mới của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos trong năm 2018, các phương tiện truyền thông nước này cho biết. Các nguồn tin đều nói rằng, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc mua tên lửa hành trình chống hạm và là đối tác được ưu tiên...
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất. Ảnh: National Interest
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất. Ảnh: National Interest

Vào ngày 20/1, tờ thời báo Hindustan đưa tin Ấn Độ hiện đang "đặt nền móng" để thử nghiệm một phiên bản mới có tầm bắn xa tới 800 km của tên lửa hành trình BrahMos. Cuộc thử nghiệm dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2018. "Đây sẽ là một bước nhảy vọt quan trọng đối với dự án BrahMos. Các chiến đấu cơ của không quân Ấn Độ sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn", Hindustan dẫn lời một nguồn tin thân cận với dự án cho biết.

Cuộc thử nghiệm rất được mong đợi sau khi Tổ chức Nghiên cứu phát triển Quốc phòng (DRDO), cơ quan công nghệ quốc phòng hàng đầu Ấn Độ, tuyên bố họ đang phát triển một biến thể tên lửa có tầm bắn 800 km hồi tháng 2/2017. Một tháng sau, vào tháng 3/2017, Ấn Độ đã phóng thử nghiệm phiên bản tầm bắn 400km của tên lửa BrahMos.

Thời báo Hindustan cho biết, do Ấn Độ đã tham gia Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) vào tháng 6/2016 nên nước này mới có thể hợp tác với Nga để phát triển phiên bản tên lửa BrahMos có tầm bắn xa hơn. MTRC có quy định hạn chế các thành viên chia sẻ các loại tên lửa có tầm bắn trên 300 km với một nước không phải là thành viên của hiệp ước.

BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh hai tầng do DRDO và công ty NPO Mashinostroyenia của Nga hợp tác phát triển. Công ty Hàng không vũ trụ BrahMos, một liên doanh được thành lập để phát triển tên lửa, đã giải thích đây là “một tên lửa hai tầng với một động cơ đẩy nhiên liệu rắn ở tầng thứ nhất để tên lửa đạt đến vận tốc siêu thanh rồi sau đó tầng này sẽ tách ra. Động cơ phản lực nhiên liệu lỏng ở tầng thứ 2 sẽ cho phép tên lửa tăng tốc đạt tới gần tốc độ Mach 3 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh) trong giai đoạn bay bằng.

Công nghệ tàng hình và các hệ thống dẫn đường tích hợp phần mềm tiên tiến cung cấp cho tên lửa các tính năng đặc biệt”. Một trong số các tính năng đặc biệt đó là khả năng bay cực sát mặt đất để tránh thoát các hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo liên doanh BrahMos, ở giai đoạn cuối, tên lửa có thể bay rất thấp, cách mặt đất chỉ 10 mét.

Đáng chú ý, mặc dù sở hữu tốc độ cực nhanh, nhưng BrahMos có trọng lượng nặng gấp 2 lần tên lửa Tomahawk của Mỹ. Tỷ lệ giữa tốc độ và trọng lượng khiến BrahMos trở nên cực kỳ nguy hiểm. Nhà báo Sebastien Roblin từng lưu ý, "Sự kết hợp giữa trọng lượng gấp 2 lần và tốc độ nhanh gấp 4 lần tên lửa Tomahawk đã tạo cho BrahMos động năng rất lớn khi đánh trúng mục tiêu. Mặc dù có đầu đạn nhỏ hơn Tomahawk, nhưng sức công phá của BrahMos lại khủng khiếp hơn".

Đây là lý do khiến Trung Quốc khiếp sợ "sát thủ" BrahMos  ảnh 1Tên lửa BrahMos có cả phiên bản phóng từ trên không, trang bị trên chiến đấu cơ Su-30

Vào năm 1998, Nga và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận để bắt đầu phát triển tên lửa BrahMos, trên cơ sở tên lửa hành trình chống hạm siêu âm do Nga sản xuất là P-800 Oniks/Yakhont. Tên lửa BrahMos thế hệ đầu được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2001. Kể từ đó, Ấn Độ đã phát triển dòng tên lửa này thành một mối đe dọa nguy hiểm có thể triển khai tấn công từ mặt đất, trên không lẫn trên biển (cũng như từ tàu ngầm). Lúc đầu, nó được phát triển để trở thành một tên lửa chống hạm tương tự như P-800 Oniks. Thời báo Kinh tế của Ấn Độ cho biết phiên bản chống hạm "đủ khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên biển ngoài tầm nhìn radar".

Sau đó, Ấn Độ đã cố gắng phát triển một phiên bản phóng từ mặt đất. Mẫu đầu tiên được quân đội Ấn Độ phóng thử nghiệm từ bệ phóng cơ động vào năm 2004, và khoảng 5 năm sau phiên bản này được đưa vào hoạt động. Theo tờ Thời báo Kinh tế, "cấu hình phiên bản phóng từ mặt đất của BrahMos đã đạt được một số tiến bộ trong những năm qua dưới dạng các biến thể Block I, Block II và Block III, trong đó mỗi biến thể đều có năng lực riêng để có thể đánh trúng và tiêu diệt các mục tiêu địch".

Kể từ đầu năm 2017, tên lửa BrahMos đã có một số phát triển quan trọng. Thứ nhất, Ấn Độ đã phóng tên lửa BrahMos có tầm bắn 400km vào tháng 3/2017. Sau đó, trong tháng 4/2017, Hải quân Ấn Độ đã lần đầu tiên thực hiện phóng thử tên lửa BrahMos phiên bản đối đất từ một tàu hộ vệ. "Một biến thể tấn công mặt đất của BrahMos sẽ trao cho chiến hạm Ấn Độ khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở sâu trong đất liền, cách xa bờ biển, nằm ngoài tầm hỏa lực trên biển", một nguồn tin của Hải quân Ấn Độ cho biết.

Sau cùng, vào ngày 22/11, cơ quan phát ngôn báo chí của Ấn Độ đã tuyên bố lần đầu tiên nước này phóng thử thành công tên lửa hành trình BrahMos phiên bản phóng từ trên không (ALCM) từ chiến đấu cơ Su-30MKI. Hiện Delhi đang có mục tiêu trang bị cho 50 chiến đấu cơ Su-30 khả năng mang tên lửa do Ấn-Nga chế tạo. Ấn Độ cũng hy vọng toàn bộ 200 máy bay sẽ được trang bị tên lửa BrahMos.

Đây là lý do khiến Trung Quốc khiếp sợ "sát thủ" BrahMos  ảnh 2Ngày 22/11/2017, lần đầu tiên chiến đấu cơ Su-30 MKI Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa BrahMos. Ảnh: Guancha.

Tên lửa BrahMos sẽ có tương lai sáng sủa nếu Ấn Độ và Nga có tiếng nói trong vấn đề này, và không chỉ đối với các lực lượng vũ trang Ấn Độ. Sau khi Ấn Độ trở thành một thành viên của MTCR, hai bên đã bắt đầu chú ý đến việc xuất khẩu tên lửa. Lúc đầu, liên doanh BrahMos cho biết các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Chi-lê, Nam Phi và Việt Nam là những khách hàng tiềm năng.

Các tin tức đều nói rằng, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc mua tên lửa hành trình chống hạm, mặc dù chưa có vụ mua bán nào được hoàn thành và hiện vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán cấp cao diễn ra như thế nào (hoặc thậm chí có diễn ra hay không). Gần đây, tại Triển lãm Hàng không Dubai tháng 11/2017, các nhân viên công ty Hàng không vũ trụ BrahMos đã cho biết Brazil, Indonesia và Kazakhstan cũng quan tâm đến việc mua sắm tên lửa, trong đó mối quan tâm chính của 3 nước này là phiên bản phóng từ trên không.