Đầu tư ngoài ngành và “thử nghiệm” tốn nghìn tỷ ở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

VietTimes – Đầu tư ngoài ngành tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng và hiện tại, đây vẫn là nỗi ám ảnh đối với Tập đoàn này.
Đầu tư ngoài ngành tại VRG tiềm ẩn nguy cơ mất vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng
Đầu tư ngoài ngành tại VRG tiềm ẩn nguy cơ mất vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng

Trồng cao su … nhưng đầu tư Thủy sản, Du lịch

“VRG cũng như các đơn vị thành viên đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với giá trị rất lớn, tỷ suất lợi nhuận đã đạt được là rất thấp, lỗ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn’

Đây là một trong những kết luận về thiếu sót, vi phạm của Thanh tra Chính phủ (số 3173/TB-TTCP ngày 27/12/2014) đưa ra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại VRG.

Trong kết luận này, nguyên nhân cũng được nêu rõ: “Đầu tư dàn trải; thiếu sự tính toán, nghiên cứu kỹ càng từ khâu khảo sát, lập, trình, duyệt dự án; đầu tư vào quá nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính, dẫn đến khó khăn, thậm chí không quản lý được”

Đơn cử, việc VRG đầu tư góp vốn và hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy Sản Đồng Tháp (viết tắt là DSEC) có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của công ty liên tục lỗ, đến nay đã mất hết vốn điều lệ khoảng 144.000 triệu đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán 253.453 triệu đồng

Đáng chú ý; nhiều khoản vay đã bị DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn của Công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu công nghiệp Cao su bằng việc ký kết hợp đồng nhưng không thực hiện.

Hay việc đầu tư góp vốn của VRG vào CTCP Thương mại dịch vụ và Du lịch Cao Su (RUTRATOCO) cũng có nhiều vấn đề nổi cộm. VRG và RUTRATOCO đã không tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư khi điều chỉnh, không đánh giá được những yếu tố mang lại hiệu quả đầu tư cho dự án khi thay đổi. Đáng lưu ý, hầu hết việc quyết định điều chỉnh dự án khả thi đều thực hiện sau khi hạng mục hoặc công trình đã thi công… thanh toán sai tại một số gói thầu 14.235 triệu đồng.
Hậu quả là, Công ty hoạt động liên tục lỗ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng, không có khả năng trả nợ vay.

Nhưng nỗi ám ảnh của VRG chưa dừng tại đó…

Phát biểu kết luận bế mạc Hội nghị TW 3, Khóa XI, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc đầu tư ngoài ngành vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với rất nhiều Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Đơn cử, trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Mất trắng 599,5 tỷ đồng tại Agribank – ALCII

Cuối năm 2014,  Công ty TNHH MTV Tài chính cao su Việt Nam (RFC) đã thua lỗ tới 1.775 tỷ đồng, âm cả vốn chủ sở hữu. Công ty này buộc phải sát nhập và xóa tên khỏi thị trường sau khi hoạt động thua lỗ và xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Toàn bộ số công nợ , số lỗ của đơn vị này được “chuyển khẩu” cho VRG.

Thanh tra Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý nhiều nội dung sai phạm về công tác quản lý, sử dụng vốn của RFC. Bộ Công an đã khởi tố điều tra, bắt tạm giam 09 đối tượng để điều tra, làm rõ những nội dung sai phạm về công tác huy động và cho vay vốn.

Hoạt động repo của RFC không được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh mua, bán kỳ hạn chứng khoán (repo), hoạt động chỉ theo sự cho phép của HĐQT RFC. Tuy nhiên, vẫn có 43 hợp đồng trị giá 23.852 triệu đồng đã thực hiện trước khi HĐQT RFC cho phép. Tổng dư nợ chưa thu hồi được 356.980 triệu đồng.” Đây là các khoản khó xử lý , tính thanh khoản thấp, nhiều DN đã và đang trong tình trạng hết sức khó khăn, kinh doanh thu lỗ, thậm chí không còn khả năng tài chính để trả nợ” - theo Thanh tra Chính phủ

“Về hoạt động tín dụng của RFC có nhiều thiếu sót và vi phạm trong hầu hết các khâu từ thẩm định năng lực pháp lý, năng lực hoạt động và uy tín của DN xin vay vốn, không đánh giá phương án sản xuất kinh doanh, thẩm định tài sản bảo đảm nợ vay không có quy trình chặt chẽ, theo dõi và giám sát vốn vay không tuân thủ đầy đủ thủ tục theo quy định”, Thanh tra chính phủ nhấn mạnh.

Có thể thấy, từ lúc sát nhập đến nay, VRG vẫn đang loay hoay xử lý những khoản nợ xấu của RFC. Cho dù, chính VRG cũng không dư dả gì, chưa kể nếu VRG “giơ lưng trả nợ” thay RFC thì thực chất là lấy tiền nhà nước trong Tập đoàn ra xử lý cho những sai phạm trước đây tại RFC.

 Trích Thuyết minh Báo cáo tài chính riêng 2015 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Theo báo cáo tài chính riêng năm 2015 của VRG, việc thu lại 559,5 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Công ty Cho thuê tài chính II – Agribank là bất khả thi bởi đại án tham nhũng của lãnh đạo khiến ACLII rơi vào tình trạng phá sản, các chủ nợ không thu hồi được vốn. Hiện, VFR cũng xác định “Giá trị có thể thu hồi” bằng 0. Chưa kể, những khoản cho vay tại RFC trước đây sau khi sát nhập thuộc đối tượng KH nợ nhóm 5 – Dư nợ vay có khả năng mất vốn.

Cũng trong thuyết minh BCTC của mình, VRG cũng cho biết, “giá trị có thể thu hồi” thấp hơn nhiều lần “giá gốc”; Cụ thể, các khoản cho khách hàng vay, giá gốc là 3.383 tỷ đồng nhưng “Giá trị có thể thu hồi” chỉ là 603 tỷ,  Các khoản cho vay theo hình thức Repo cổ phiếu có giá gốc là 52 tỷ nhưng “Giá trị có thể thu hồi” chỉ vỏn vẹn 5,4 tỷ đồng.

Không chỉ mắc kẹt với các KH phát sinh từ sát nhập Công ty Tài chính Cao su, các khoản đầu tư của VFG cũng đang “gặp hạn”, như 8 tỷ đầu tư vào Công ty CP Thể thao Ngôi Sao Geru, hay 41,5 tỷ đầu tư vào Công ty Xây dựng Miền Trung (Giá trị có thể thu hồi là 3,9 tỷ)…

Tính chung đến 31/12/2015, tổng các khoản nợ xấu của VRG đã lên tới 2,007 tỷ đồng trong khi giá trị có thể thu hồi chỉ đạt 655 tỷ đồng. Trong đó, hàng nghìn tỷ có thể bốc hơi sau những quyết định đầu tư ngoài ngành của đơn vị này.

Và cho dù VRG đã rất quyết tâm, nhưng việc xử lý và thu hồi những khoản đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn và các đơn vị thành viên vẫn hết sức nan giải.

 Việc này rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, theo dõi, giám sát thường xuyên, tránh trường hợp vốn nhà nước lại một lần nữa đem ra sửa sai cho các khoản đầu tư ngoài ngành đó. Bởi, chính VRG và các công ty con của Tập đoàn này lại là “chủ nợ” chính của RFC trước đây.

Đón đọc Kỳ 2: Tái cơ cấu kiểu … Tập đoàn Cao Su Việt Nam