Đầu cơ, “chặt chém” giá khẩu trang là cách kinh doanh kém thông minh!

VietTimes -- Những phát ngôn, chia sẻ trên các hội nhóm của các nhà thuốc để kêu gọi ngừng phục vụ các mặt hàng phòng dịch trong bối cảnh dịch do virus Conrona có nguy cơ bùng phát hiện nay, đã thể hiện sự xuống cấp rất lớn trong đạo đức kinh doanh. Chưa kể, uy tín xây dựng nhiều năm, mất trong vài giờ. Đầu cơ, "chặt chém" không phải là cách kinh doanh thông minh.

Đó là trao đổi của dược sĩ Phan Văn Hiệu với VietTimes trước tình trạng một số cơ sở kinh doanh thuốc "chặt chém" giá khẩu trang và nhiều quầy bán thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico bất ngờ đồng loạt treo biển với nội dung không bán khẩu trang và nước rửa tay để phản ứng việc bị cộng đồng lên án, cơ quan quản lý thị trường xử phạt.

Con sâu làm rầu nồi canh

- Khi đọc được những thông tin về việc "chặt chém" giá khẩu trang, nước rửa tay trong "cơn bão" virus Corona mới, anh có suy nghĩ như thế nào?

Dược sĩ Phan Văn Hiệu. Ảnh: T.X.
Dược sĩ Phan Văn Hiệu. Ảnh: T.X.

- Ở góc độ một dược sĩ, một người trong ngành, tôi rất buồn lòng khi những ngày qua có tình trạng một số nhà thuốc đẩy giá khẩu trang, bán khẩu trang một cách nhỏ giọt.

Thậm chí, khi bị dư luận và báo chí phản ánh, bị cơ quan quản lý thị trường xử lý, họ lại kêu gọi nhau không bán và có những phát ngôn, những chia sẻ trên các hội nhóm của các nhà thuốc để rủ nhau ngừng phục vụ, kêu gọi không bán hoặc thông báo hết hàng đối với các mặt hàng phòng dịch trong bối cảnh hiện nay thì thực sự đó là vấn đề xuống cấp rất lớn trong đạo đức kinh doanh.

- Việc đầu cơ, "chặt chém" giá các mặt hàng phòng dịch đã khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Anh là người trong ngành, anh hiểu cặn kẽ về quy trình cũng như lợi nhuận của các mặt hàng này, quan điểm của anh thế nào về việc này?

- Những ngày vừa qua, người dân hết sức bức xúc. Việc ấy là đúng thôi. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là một nhóm nhỏ những nhà thuốc làm ăn chộp giật chứ không đại diện cho đa số các nhà thuốc, các cơ sở kinh doanh dược phẩm.

Tuy vậy, những “con sâu làm rầu nồi canh” này sẽ tạo ra hình ảnh phản cảm của giới kinh doanh dược phẩm trong mắt người dân và phải bị những người kinh doanh chân chính lên án, bởi lẽ, chính kiểu kinh doanh chụp giật này đã làm mất giá trị của nhà thuốc, gây hoài nghi về đạo đức và lương tâm của người bán hàng.

Hiệu thuốc nhỏ trên phố Tô Hiến Thành tăng giá bán khẩu trang y tế gấp 5 lần so với 3 ngày trước đó.
Hiệu thuốc nhỏ trên phố Tô Hiến Thành tăng giá bán khẩu trang y tế gấp 5 lần so với 3 ngày trước đó.

Uy tín xây dựng nhiều năm, mất trong vài giờ

- Các cơ sở kinh doanh thuốc “chặt chém” sẽ được gì và mất gì khi "cơn bão" dịch Corona đi qua, thưa anh?

- Họ không được gì nhưng họ mất nhiều thứ!

Thực tế, đa số các nhà thuốc đều có lượng khách hàng đều đặn là chính những người dân, những bệnh nhân ở khu phố, ở ngay địa bàn họ phục vụ. Và không phải chỉ trong một sớm một chiều mà họ xây dựng được uy tín cá nhân trong lòng khách hàng như vậy. 

Họ thiếu triết lý kinh doanh vì khách hàng và vì mục tiêu dài hạn. Vì vậy, họ mất khách hàng, mất uy tín và mất luôn tương lai.

Các nhà thuốc dù tăng giá lên 5 - 7 lần, thậm chí 10 lần thì lợi nhuận mà họ thu được cũng không đáng là bao trong khi chỉ vì những cái nhỏ lẻ và đã làm mất đi uy tín, những hình ảnh đẹp họ đã phải dày công tạo dựng trong nhiều năm trên địa bàn. Đây thực sự là điều đáng tiếc rất lớn cho chính các nhà thuốc có thái độ kinh doanh chộp giật đó.

Nhiều cơ sở kinh doanh thuốc phân trần rằng họ phải nhập các mặt hàng phòng dịch với giá đầu vào cao hơn nhiều so với trước đây. Vì thế họ buộc phải đấy giá bán lên cao, anh có chia sẻ ý kiến này?

- Những ngày qua, không thể phủ nhận hiện tượng khan hiếm nguồn cung đối với các mặt hàng phòng dịch, như khẩu trang và nước rửa tay khô. Với nhu cầu tăng lên đột biến trong một thời gian rất ngắn như vậy, việc cung cấp đủ lượng khẩu trang, nước rửa tay hoặc các dung dịch sát khuẩn là rất khó.

Bên cạnh nhiều cá nhân đầu cơ trục lợi, một số tổ chức, cửa hàng tại Hà Nội đã phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Ảnh chụp tại số nhà 266 Bà Triệu (Hà Nội).
Bên cạnh nhiều cá nhân đầu cơ trục lợi, một số tổ chức, cửa hàng tại Hà Nội đã phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Ảnh chụp tại số nhà 266 Bà Triệu (Hà Nội).

Thậm chí, trong vòng xoáy đó, một số các sản phẩm nâng cao thể trạng cũng có thể trở nên khan hiếm. Việc các nhà thuốc bán giá bình thường trong những ngày đầu nhưng sau đó phải tăng giá vì giá hàng nhập mới cũng đã tăng cao là điều thực tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu có cách thể hiện phù hợp, như niêm yết rõ giá mua vào và giá bán ra, tạo chính sách kinh doanh công khai, minh bạch, chắc chắn các nhà thuốc sẽ được cộng đồng ủng hộ.

Thể hiện ý thức cộng đồng không chỉ bằng lời nói, dược sĩ Phan Văn Hiệu cùng các đồng nghiệp đang sản xuất và sẽ tặng ít nhất 20.000 chai Gel rửa tay sát khuẩn DryAnti-V 50ml và 100ml theo tiêu chuẩn của WHO vào cuối tuần này với mong muốn được đóng góp một phần công sức, chung tay cùng cộng đồng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới gây ra. Quỹ sản phẩm này được ưu tiên phân phối theo các nhóm, các tổ chức thiện nguyện.

Gần đây, một số nhà thuốc phản ứng khi bị cộng đồng phản ánh, cơ quan chức năng xử lý bằng cách ngừng cung cấp sản phẩm chính là thể hiện trách nhiệm xã hội của họ trong lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm liên quan đến chăm sóc sức khỏe phục vụ đời sống nhân dân. Đó không những là cách kinh doanh chưa thông minh mà còn là điều rất đáng buồn.

Cộng đồng những người làm nghề dược như chúng tôi đều hết sức lên án và đã có những trao đổi, phản hồi trên các hội nhóm để bày tỏ ý kiến phản đối những việc làm này.

- Anh vừa nhắc đến cách kinh doanh thông minh đối với các cơ sở kinh doanh thuốc? Anh có thể nói chi tiết hơn?

- Khi khách hàng là những người tiêu dùng thông minh thì người bán hàng cũng nên trở thành người kinh doanh thông minh. Với những người kinh doanh thông minh, họ sẽ vì lợi ích lâu dài của cộng đồng, từ đó tạo được khách hàng trung thành trong tương lai. Đã có rất nhiều nhà thuốc bán giảm giá, thậm chí tìm mọi cách để có hàng cung ứng cho khách, thậm chí họ tổ chức phát miễn phí khẩu trang.

Tôi cho rằng việc tổ chức phát miễn phí khẩu trang không chỉ là việc làm mang lại giá trị cho cộng đồng mà còn là cách kinh doanh thông minh nhất. Các nhà thuốc đang đầu cơ, tăng giá nên xem lại, chỉ khi nào đặt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân, đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết thì mới có thể đi được đường dài và phát triển ổn định.

Cũng trong những ngày vừa qua, cộng đồng đã ghi nhận một loạt cá nhân, tổ chức bỏ tiền riêng mua khẩu trang rồi phát miễn phí cho người dân

Trong đó phải kể tới Chuỗi cửa hàng 66 Chùa Láng, 70 Thái Hà, 226 Bà Triệu, Phòng khám đa khoa Viet Care Clinic (Hà Nội), Công an TP. Hà Nội, chị Đặng Thị Kim Phương (Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhà thuốc Đông Giang (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng), hệ thống Nhà Thuốc Việt (TP.HCM), nhà thuốc Hưng Thịnh (TP.HCM),…

Nhà thuốc Hưng Thịnh (TP.HCM) tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân đã vài ngày nay.
Nhà thuốc Hưng Thịnh (TP.HCM) tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân đã vài ngày nay.

Trao đổi với VietTimes, anh Nguyễn Hữu Việt – chủ nhà thuốc Hưng Thịnh (TP.HCM) bày tỏ: “Nếu dịch kéo dài, số lượng khẩu trang đã chuẩn bị không đủ, tôi sẽ kêu gọi anh em bạn bè quyên góp để mua khẩu trang phát thêm cho bà con. Kinh tế của chúng tôi cũng có hạn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng. Mỗi lần được tặng khẩu trang tận tay cho bà con, tôi vui. Bà con mỗi lần qua nhà thuốc được tặng khẩu trang cũng bất ngờ và quý lắm”.