"Dắt" Skoda - ông lớn ô tô Séc - vào Việt Nam, TC Group xây nhà máy 120.000 xe/năm ở Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những lãnh đạo chủ chốt nhất của Skoda Auto xem Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển. Để thâm nhập thị trường này, hãng xe lớn nhất của Séc đã tìm đến đối tác nội địa danh tiếng: TC Group.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala mới đây đã tới thăm Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Škoda Auto (Skoda) tại Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, tọa lạc tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda do Tập đoàn Thành Công (TC Group) làm chủ đầu tư, tọa lạc trên khu đất rộng 36,5ha, có công suất 120.000 xe năm. Toàn bộ dây chuyền sản xuất, lắp ráp áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu của Skoda, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao.

Hình ảnh ghi lại sự kiện cho thấy, đồng hành cùng đoàn công tác còn có sự hiện diện của ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch TC Group.

Các hạng mục của Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Skoda Auto tại Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Các hạng mục của Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Skoda Auto tại Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Mối hợp tác Skoda - TC Group

Trước đó, vào tháng 10/2022, thành viên của TC Group, cụ thể là TC Motor (Thanh Cong Motor), đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Skoda.

Theo thỏa thuận hợp tác, 2 mẫu xe Kodiaq và Karoq của Skoda sẽ được nhập khẩu trực tiếp từ Cộng hòa Séc về Việt Nam.

Đến năm 2024, hãng sẽ có thêm mẫu hai mẫu xe Superb và Octavia; và sau năm 2025 sẽ là mẫu xe ENYAQ iV - mẫu xe gia đình chạy hoàn toàn bằng điện được nhập khẩu về Việt Nam. Dự kiến, hai mẫu xe Kushaq và Slavia được sản xuất, lắp ráp tại Khu công nghiệp Việt Hưng, từ cuối năm 2024 và sẽ cho ra mắt thị trường vào năm 2025.

"Skoda cụ thể hóa chiến lược vươn ra quốc tế bằng cách gia nhập thị trường Việt Nam. Với sự hợp tác của đối tác địa phương Thanh Cong Motor Vietnam, chúng tôi sẽ bắt đầu bán các mẫu xe tại thị trường Việt Nam vào năm 2023", báo cáo thường niên năm 2022 của Skoda viết.

Cũng theo báo cáo này, với nền kinh tế ngày càng phát triển và tiềm năng to lớn ở mảng xe hơi, Việt Nam là thị trường khả dĩ để Skoda tăng cường vị thế trong khu vực.

Ông Klaus Zellmer - Chủ tịch hội đồng đồng quản trị Skoda - gọi Việt Nam là "thị trường tăng trưởng mạnh mẽ" (dynamic growth market). Trong khi đó, ông Thomas Schafer - người đứng đầu ban kiểm soát (Supervisory Board) của Skoda - cho biết việc tham gia vào thị trường Việt Nam của hãng nằm trong tầm nhìn của Volkswagen Group.

Theo tìm hiểu, Skoda được thành lập vào năm 1859, là hãng xe lớn nhất của Cộng hòa Séc. Hãng xe này trở thành thành viên của Volkswagen vào năm 1991.

Tính đến nay, Skoda đã có mặt tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, phát triển các dòng xe Sedan, SUV. Bên cạnh các nhà máy sản xuất tại Séc, Skoda Auto còn đầu tư sản xuất tại một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Slovakia, Ấn Độ và Việt Nam. Hãng xe này cũng đã tham gia vào lĩnh vực xe điện.

Một mẫu xe điện của Skoda (Ảnh: Skoda)

Một mẫu xe điện của Skoda (Ảnh: Skoda)

Trong năm tài khoá 2022, bất chấp tình trạng gián đoạn nguồn cung, đại dịch COVID-19, Skoda vẫn đạt được nhiều bước tiến đáng kể, bao gồm thúc đẩy kế hoạch sản xuất xe điện, tăng tính bền vững, và quốc tế hoá.

Cụ thể, nhà sản xuất xe hơi này ghi nhận doanh thu ở mức 444 tỉ CZK (20,79 tỉ USD), và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ở mức 4%. Skoda cho biết đã bàn giao tổng cộng 731.262 xe cho khách hàng, trong đó bao gồm 54.000 xe chạy hoàn toàn bằng điện – tăng 9,3% so với năm trước đó.

TC Group - đối tác chiến lược của Skoda - được xem là ông lớn trong ngành sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tập đoàn này nổi danh với vai trò là nhà phân phối độc quyền xe Huyndai tại Việt Nam.

Năm ngoái, TC Group bán ra thị trường hơn 81.500 ô tô Huyndai các loại, tăng 15,6% so với năm 2021. Lượng xe bán ra của TC Group chiếm khoảng 16% doanh số toàn thị trường Việt Nam năm 2022.

Thắng lớn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, năm 2022, doanh thu của TC Group ước đạt 118.000 tỉ đồng, tương đương gần 5 tỉ USD. Với nguồn thu khủng và đều đặn, TC Group cũng lấn sân sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.

Họ cũng không giấu tham vọng trong lĩnh vực ngân hàng. Nhóm này - thông qua các SPCs - từng sở hữu một lượng đáng kể cổ phần Eximbank, đủ để đưa ít nhất 2 đại diện tham gia HĐQT của nhà băng này.

Thoái lui khỏi 'game' Eximbank, giới chủ TC Group được cho đang dành sự quan tâm lớn với một nhà băng khác, cụ thể là PG Bank.

Như VietTimes đã phân tích, nhiều dấu hiệu cho thấy các tân cổ đông lớn ở PG Bank - là những nhà đầu tư tổ chức đã nhận lại lô cổ phần PGB từ Petrolimex - có mối liên hệ với TC Group./.