Đáp trả Nga, phương Tây phát triển robot diệt tăng với tên lửa Javelin

VietTimes -- Các nhà quân sự Israel khẳng định, không có xe tăng không có chiến tranh. Trong chiến đấu, các xe tăng thiết giáp luôn là mục tiêu tiến công của rất nhiều loại vũ khí, từ tên lửa chống tăng, pháo chống tăng, mìn chống tăng IDE. Phương Tây cũng bắt đầu phát triển các robot chiến đấu chống tăng.
Xe săn tăng không người lái Titan, phát triển bởi công ty Milrem và Kongsberg.
Xe săn tăng không người lái Titan, phát triển bởi công ty Milrem và Kongsberg.

Trang The National Interest đăng tải một bài viết của nhà bình luận quân sự Michael Peck cho biết, phương Tây đang nghiên cứu một biến thể nguyên mẫu của xe không người lái Titan (UGV), được lắp đặt một tổ hợp tên lửa chống tăng thông minh Javelin và một khẩu súng máy cỡ nòng cỡ .50 cal.

Công ty Milrem Robotics của Estonia phát triển UGV Titan - một loại xe vận tải bánh xích không người lái nặng 1,6 tấn, với 2,4m chiều dài, rộng khoảng 1,2 m. Robot vận tải có thể đạt vận tốc khoảng 20km/h khi chở đến một tấn hàng hóa. UGV Titan được trang bị các mô-đun tự động hóa khác nhau như rà phá bom mìn và vũ khí nổ tự chế IED, cứu thương nạn nhân  và vận chuyển hàng hóa. Quân đội Mỹ hiện đang nghiên cứu UGV này để vận chuyển thiết bị cho một tiểu đội bộ binh.

Cùng thời điểm này, công ty quốc phòng Na Uy Kongsberg thiết kế thành công một hệ thống điều khiển hỏa lực từ xa Protector, lắp đặt trên các phương tiện chiến đấu để các kíp xe có thể sử dụng các loại vũ khí bên ngoài khu vực bảo vệ, như xạ thủ có thể khai hỏa súng máy, lắp đặt trên tháp pháo xe tăng trong khi vẫn ngồi trong xe. Quân đội Mỹ sử dụng khoảng 15.000 hệ thống điều khiển vũ khí từ xa (CROWS) của công ty Kongsberg trên các phương tiện cơ giới khác nhau như Humvee và Stryker.

Các nhà kỹ sư quân sự đặt câu hỏi: "Tại sao không đặt một vũ khí điều khiển từ xa gắn trên một robot vận tải cũng được điều khiển từ xa?" Các xạ thủ săn tăng trên chiến trường luôn gặp nguy hiểm và bị săn đuổi. Vấn đề này có thể được xử lý bằng robot trí tuệ nhân tạo do một quân nhân điều khiển, binh sĩ hoàn toàn an toàn ngoài vùng nguy hiểm của lửa đạn.

Milrem và Kongsberg đã tiến hành một cuộc thử nghiệm, trình diễn khả năng điều khiển hỏa lực gần trụ sở chính công ty Na Uy Kongsberg. Công ty Milrem cho biết: "Những cuộc thử nghiệm khác, bao gồm cả việc phóng tên lửa chống tăng Javelin, sẽ được lên kế hoạch trong tương lai gần".

"Trước đó, UGV được tiến hành thử nghiệm điều khiển hỏa lực với các hệ thống điều khiển vũ khí FN Herstal's deFNder Medium RWS, ST Kinetics ADDER và ASELSAN's SARP", Milrem cho biết. “Công ty đang phát triển một hệ thống vũ khí chống tăng với MBDA’s IMPACT - Tích hợp MMP (hệ thống điều khiển) với hệ thống tháp pháo giá đỡ ổn định tầm hướng”.

Công ty Milrem nhấn mạnh hệ thống robot vũ khí sẽ luôn có một trắc thủ điều khiển để kiểm soát hỏa lực. Giám đốc điều hành công ty Milrem Kuldar Väärsi cho biết trong một tuyên bố chính thức với báo giới: "Trang bị các phương tiện mang không người lái và robot với hệ thống vũ khí, làm tăng sự an toàn trong khai thác sử dụng và binh sĩ không phải đối mặt với nguy hiểm... Những hệ thống này sẽ luôn luôn có một trắc thủ kiểm soát vũ khí, ra lệnh nổ súng hoặc không, loại bỏ mối lo ngại về 'robot tự động giết người'”.

Nhưng những tuyên bố bảo đảm của Väärsi không đủ khả năng giảm bớt sự sợ hãi, cho rằng robot vũ trang là chiếc hộp Pandora. Chúng sẽ quay lại tấn công con người, đặc biệt khi trí tuệ nhân tạo AI tiên tiến cho phép các robot ngày càng tự chủ hơn. Israel và Hàn Quốc đã sử dụng các robot vũ trang tuần tra biên giới, Nga đã thử nghiệm thực chiến robot Uran-9 - một chiếc xe tăng nhỏ trang bị pháo 30mm và tên lửa chống tăng ở Syria. Mỹ hiện nay cũng đẩy mạnh tiến trình robot hóa vũ khí trang bị, phát triển các bộ công cụ có thể biến một xe thiết giáp bình thường thành một chiếc xe không người lái độc lập, tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo). Các nhà khoa học quân sự Mỹ đang thực hiện biến chiếc xe thiết giáp từ thời chiến tranh Việt Nam M113 có vũ trang thành xe thử nghiệm điều khiển từ xa.