Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa của Việt Nam hiện nay ra sao?

VietTimes -- Xung quanh khu vực có quân đội và người Trung Quốc cư ngụ trái phép trên đảo Phú Lâm có 1 công trình tháp hình vuông, 2 ngôi đền, 1 trạm khí tượng thủy văn và một số công trình tòa nhà cỡ lớn.
J-11 - loại máy bay tiêm kích chiến đấu mà Trung Quốc vừa triển khai phi pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa.
J-11 - loại máy bay tiêm kích chiến đấu mà Trung Quốc vừa triển khai phi pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa.

Theo dữ liệu của Cục tình báo vệ tinh quốc gia của Mỹ xuất bản năm 2011, đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện đang do Trung Quốc chiếm đóng trái phép nằm ở tọa độ 16°50' vĩ Bắc, 112°19' kinh Đông. 

Đảo Phú Lâm (tên quốc tế là Woody Island) nằm bên đảo Hòn/Đá Tháp (Rocky Island), diện tích lớn hơn Hòn Đá nhưng cao độ thấp hơn.

Đảo Phú Lâm là một trong hai đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group), thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. 

Đảo có nhiều cây cối tươi tốt nên mang tên Phú Lâm (Woody Island có nghĩa là đảo nhiều cây). Phú Lâm là đảo quan trọng nhất của nhóm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa. 

Về diện tích Đảo có chiều dài đến 1,7km, chiều ngang 1,2 km. Trên đảo có nhiều chim biển cư trú nên có khá nhiều phân chim có thể được khai thác.

Đảo Phú Lâm nhìn từ vệ tinh tình báo của Mỹ.
Đảo Phú Lâm nhìn từ vệ tinh tình báo của Mỹ.

Đảo Phú Lâm hiện nay đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1956. Theo dữ liệu vệ tinh tinh báo Mỹ, Trung Quốc đã bố trí trên đảo Phú Lâm từ năm 2011 2 công trình phao neo nằm ở phía Bắc của đảo.

Xung quanh khu vực có quân đội và người Trung Quốc cư ngụ trái phép trên đảo Phú Lâm có 1 công trình tháp hình vuông, 2 ngôi đền, 1 trạm khí tượng thủy văn và một số công trình tòa nhà cỡ lớn.

Ở phía Nam đảo Phú Lâm Trung Quốc đã bố trí 1 đài quan sát và 4 hệ thống anten roi nằm cách tháp canh khoảng 400 mét về phía Bắc.

Trên đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng từ lâu 1 ngọn hải đăng hình tháp tròn, có hai màu nổi bật là trắng và đen.

Tàu thuyền quân sự của Trung Quốc hiện nay có thể ra vào khá thoải mái ở khu vực phía Tây Nam của đảo Phú Lâm.

Để kết nối giữa hai đảo Phú Lâm và đảo Hòn Đá (Rocky Island) cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng trái phép một hệ thống dây cáp hạng nặng, nối Phú Lâm với đảo Hòn Đá ở phía Bắc.

Xung quanh đảo Phú Lâm cơ bản là các vùng nước nông nhưng cũng có những nơi sâu đến gần 15 mét nước, đặc biệt một số điểm ở hướng Nam và Đông Nam - đây cũng là nơi TQ cơ động tàu thuyền ra vào đảo như đề cập phía trên.

Đảo Phú Lâm nhìn từ trên cao (ảnh do vệ tinh tình báo Mỹ chụp)
Đảo Phú Lâm nhìn từ trên cao (ảnh do vệ tinh tình báo Mỹ chụp)

Quanh đảo Phú Lâm, khi có gió Nam, tàu thuyền cỡ lớn của Trung Quốc có thể neo đậu (trái phép) ở cách rạn đá viền ở phía Bắc đảo Phú Lâm khoảng 0,5 hải lý (khoảng > 800 mét) bởi đến mùa gió Nam nơi này sâu đến 24 mét nước, tàu bè cỡ lớn có thể neo đậu.

Khi có gió mùa Đông Bắc, chỗ neo đậu tốt nhất gần đảo Phú Lâm là khu vực cách đảo 0,5 hải lý về phía Tây Nam bởi nơi này có độ sâu vào mùa Đông là từ 33 đến 37 mét nước. Khu vực này có đáy cát nên khá an toàn cho tàu bè cỡ lớn.

Như từng đề cập, Trung Quốc cũng đã bố trí đường băng sân bay quân sự để triển khai các máy bay chiến đấu phi pháp ở nơ này.

Hoạt động phi pháp của TQ vẫn tiếp diễn

Gần đây, theo thông tin của tình báo và truyền thông Mỹ, Trung Quốc lại một lần nữa triển khai J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có phản ứng chính thức yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động có thể leo thang căng thẳng, gây quan ngại sâu sắc cho Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.

Tàu Hải quân TQ tập trận bắn tên lửa ở Biển Đông để thị uy, phô trương sức mạnh, yểm hộ tham vọng bành trướng lãnh thổ.
Tàu Hải quân TQ tập trận bắn tên lửa ở Biển Đông để thị uy, phô trương sức mạnh, yểm hộ tham vọng bành trướng lãnh thổ.

Việt Nam cũng lặp lại lập trường về chủ quyền không thể tranh cãi của mình với đảo Phú Lâm nói riêng và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói chung trên Biển Đông.

J-11 - loại máy bay Trung Quốc vừa triển khai phi pháp ở Phú Lâm là máy bay tiêm kích hiện đại nhất do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.

Việc Trung Quốc đưa J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành vi vi phạm hàng loạt các hệ thống luật pháp hiện hành, bao gồm cả Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Cụ thể, hành động của TQ đã vi phạm khoản 3, 4 trong điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970, 7 điều trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982.

Việc triển khai máy bay chiến đấu ra Phú Lâm còn đi ngược lại những cam kết giữa các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong đó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường với người đồng cấp Việt Nam về vấn đề giải quyết mâu thuẫn trên Biển Đông.

Hôm 15/4/2015, nói trên báo điện tử VTC News,  Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an cho biết:

Hiện nay, trên đảo Phú Lâm TQ đã lắp đặt (thêm) trạm radar tần số cao, đưa tên lửa phòng không HQ-9 và mới đây nhất là chiến cơ J-11. Bắc Kinh đang từng bước quân sự hóa Biển Đông. 

Theo Tướng Cương, không chỉ ở Hoàng Sa, Trung Quốc còn xây dựng trạm radar trên Đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với công trình này, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng khống chế các phương tiện di chuyển vào Biển Đông.

 Trung Quốc có khả năng sẽ (hoặc đã) triển khai thêm các loại tên lửa chống hạm đến Phú Lâm và một số đảo đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Ông Lê Văn Cương cho rằng ý đồ sâu xa của Trung Quốc là tạo nên mối liên kết từ Hải Nam xuống Phú Lâm và một số đảo ở Trường Sa và việc đưa chiến cơ J-11 ra Phú Lâm là một hành động nhằm trong chiến lược đã định sẵn của Bắc Kinh.

* VietTimes sẽ từng bước cập nhật các thông tin mới nhất về hiện trạng các đảo, đá thuộc chủ quyền bất di bất dịch của Việt Nam ở Biển Đông hiện đang do Trung Quốc và nước ngoài chiếm đóng, kiểm soát trái phép đến độc giả, dư luận có thêm dữ liệu phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu nhằm mở rộng các hoạt động, lĩnh vực phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. VietTimes cũng luôn trông đợi nhận được những phản hồi, đóng góp của quý vị độc giả về chủ đề liên quan.

Lê Dũng