Đánh khủng bố Syria, Nga có "hụt hơi" kinh tế?

Một quan chức cấp cao của Nga tuyên bố nước này đã ném bom hơn 380 mục tiêu Nhà nước Hồi giáo kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích Syria cuối tháng 9. 
Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến tại Syria
Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến tại Syria

"Kể từ khi bắt đầu chiến dịch, chúng tôi đã thực hiện hơn 600 lần xuất kích và ném bom hơn 380 mục tiêu Nhà nước Hồi giáo", Andrei Kartapolov, quan chức cấp cao Bộ Tổng Tham mưu Nga, nói với báo Komsomolskaya Pravda.

Ông Kartapolov chỉ trích liên minh do Mỹ dẫn đầu, cho rằng Washington không hồi đáp lời mời hợp tác chống Nhà nước Hồi giáo (IS) từ phía Nga. "Họ thấy hổ thẹn khi thừa nhận không thể hoàn thành nhiệm vụ đề ra cách đây một năm mà không có Nga", ông Kartapolov nói."Thực tế họ nhiều khả năng không có thông tin cần thiết về các mục tiêu IS, điều phản ánh kết quả các cuộc tấn công của họ".

Tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Kazakhstan hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin khen ngợi chiến dịch kéo dài hơn hai tuần, cho rằng các cuộc tấn công đã "phá hủy hàng chục cơ sở chỉ huy, kho đạn, diệt hàng trăm tên khủng bố và một lượng lớn thiết bị quân sự".

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc không kích của Nga đã tạo "điều kiện thuận lợi" cho cuộc nổi dậy của Syria trên bộ và phá huỷ hai cơ sở chỉ huy Nhà nước Hồi giáo tại tỉnh Aleppo cùng các mục tiêu khác. 

Nga bắt đầu chiến dịch không kích các lực lượng khủng bố ở Syria từ ngày 30/9 theo đề nghị của chính phủ Syria. Mục tiêu trong chiến dịch là giảm tình trạng bạo lực xuống mức có thể bắt đầu đối thoại chính trị. Trong khi đó, Mỹ muốn Tổng thống Syria Assad từ chức và hỗ trợ phe nổi dậy muốn lật đổ ông. Washington cáo buộc Nga ném bom lực lượng này thay vì nhằm vào IS nhưng Moscow bác bỏ.

Theo Stratfor, Nga phải mất ít nhất 500 triệu USD cho công tác hậu cần để thiết lập căn cứ tại Syria. Hơn nữa, khi tính thêm các cuộc không kích và hoạt động ngoài chiến đấu, thì chi phí phải vào khoảng hai triệu USD/ngày.

Thực chất, việc tính toán chi phí chiến dịch của Moscow khó chính xác hoàn toàn, do quân đội Nga rất kín tiếng về chi tiêu, vì vậy, các chuyên gia có một số tính toán khác nhau.

Igor Sutyagin, nghiên cứu viên cao cấp về Nga tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ước tính rằng các cuộc không kích bằng máy bay chiến đấu thông thường tiêu tốn ít nhất là 2,5 triệu USD/ngày. Con số đó đã bao gồm chi phí bảo dưỡng và triển khai 34 chiến đấu cơ, chi phí của khoảng 2.000 lính Nga viễn chinh và hỗ trợ hậu cần. 

Ông ước tính vụ phóng tên lửa hành trình "ngốn" của Nga 52 triệu USD và tổng số chi phí hai tuần đầu của chiến dịch không kích là 87 triệu USD, chưa tính chi phí vận chuyển máy bay và quân từ Nga tới Syria lúc ban đầu.

Các nhà phân tích nói tính toán này còn khá dè dặt và cho rằng Nga có thể tốn "1 - 4 triệu USD/ ngày, tùy thuộc vào số lượng thực tế các loại vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao mà họ sử dụng".

The Fiscal Times gọi con số 87 triệu USD trong hai tuần đầu không kích là "khoản đầu tư tương đối khiêm tốn", và cho rằng, so với lợi ích chính trị Moscow gặt hái được thì đây vẫn là một khoản hời.

Với chiến dịch không kích, Nga đang thể hiện mình là nước quyết đoán và đáng tin cậy để tăng cường vị thế ở Trung Đông, đối nghịch với Mỹ là bên vẫn còn do dự và hứa nhiều nhưng làm ít. Không chỉ vậy, việc Nga triển khai nhanh chóng, hiệu quả chiến dịch không kích tại Syria còn khiến giới chức phương Tây bất ngờ và thay đổi cách nhìn về sức mạnh quân sự nước này. Đồng thời, chiến trường Syria là nơi Moscow thử nghiệm những vũ khí mới trong môi trường thực chiến, để áp dụng cho các chiến dịch quân sự khác.

Bóng đen kinh tế

Tuy nhiên, chiến dịch Syria thực sự đã tăng thêm gánh nặng cho ngân sách của Bộ Quốc phòng, khi Nga đã chi nhiều tiền vào các cuộc tập trận quân sự trong bối cảnh căng thẳng với NATO.

Lực lượng vũ trang Nga tiến hành khoảng 4.000 cuộc tập trận trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều hơn 500 lần so với năm 2014. Cuộc tập trận lớn nhất trận diễn ra hồi tháng trước ở miền trung Nga, với sự tham gia của gần 100.000 quân từ các chi nhánh lực lượng vũ trang, cùng với quân đội từ các quốc gia từng thuộc Liên Xô. Các bài tập mô phỏng thực chiến còn có sự tham gia của tàu hải quân và khoảng 170 máy bay quân sự.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình Klub từ biển Caspian, đánh phá các mục tiêu IS ở Syria cách đó 1.500km
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình Klub từ biển Caspian, đánh phá các mục tiêu IS ở Syria cách đó 1.500km

"Trong 8 tháng đầu năm, quân đội đã chi 82% ngân sách", ông Sutyagin nói. Điều đó cho thấy quân đội có thể chi vượt quá ngân sách của mình, buộc chính phủ phải đào sâu vào quỹ dự trữ quốc gia để trang trải chi phí, vào thời điểm nền kinh tế Nga đang quay cuồng vì giá dầu thấp và lệnh trừng phạt của phương Tây.

Quỹ tiền tệ quốc tế dự đoán tăng trưởng kinh tế Nga năm nay sẽ giảm 3,8%. Tỷ lệ nghèo đói tại Nga tăng từ 13% lên 15% chỉ trong một năm. Timothy Ash, chuyên gia tại Nomura International nói rằng nền kinh tế Nga đã suy thoái và họ đang thâm hụt tài chính, tuy nhiên, quỹ dự trữ lớn vẫn có thể trang trải thâm hụt này.

Các nhà phân tích quân sự Nga nói rằng miễn là chiến dịch Syria vẫn ở mức hiện tại, Moscow sẽ có đủ khả năng xoay sở mà không gặp khó khăn. Chuyên gia Mỹ Reva Bhalla cũng cho rằng Nga có đủ tiền để duy trì chiến dịch này trong 4 tháng, nhưng vẫn có khả năng xoay sở qua mốc đó. Tuy nhiên, nếu chiến dịch leo thang, nó có thể gây ra khó khăn về ngân sách.

"Ngân sách quân sự có thể hỗ trợ tốt hoạt động này, miễn là nó có giới hạn", Aleksandr Goltz, một chuyên gia quân sự độc lập tại Moscow nói. "Chúng tôi có thể hỗ trợ một trung đoàn không quân trên đất Syria, nhưng tất nhiên, không thể trang trải cho hoạt động mặt đất quy mô lớn".

Các quan chức Nga đã tuyên bố họ sẽ không gửi bộ binh tới Syria và chiến dịch không quân sẽ chỉ kéo dài vài tháng.

Trong khi đó, dù tỷ lệ nghèo đói tăng lên, Tổng thống Putin vẫn có tỷ lệ ủng hộ trong nước trên 80%. "Người Nga hiện giờ giàu có hơn thời điểm một thập kỷ trước. Và tôi nghĩ rằng họ có khả năng chống chịu qua giai đoạn suy yếu kinh tế tốt hơn rất nhiều so với khi ông Putin không nắm quyền", ông Ash nhận xét.

Các chuyên gia nói rằng chính trị, chứ không phải kinh tế, mới là yếu tố định đoạt độ dài của chiến dịch tại Syria. Tuy nhiên, theo CNN, với nền kinh tế khó tăng trưởng cho đến năm 2017, nếu Nga lún sâu hơn vào xung đột Syria, thì hệ quả lâu dài sẽ rất khó đoán.

Theo VnE