Đằng sau sự thoái lui của nhóm GTNFoods tại Forimex

VietTimes -- Phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của Forimex đã đánh dấu bước ngoặt lớn tại doanh nghiệp này. Một mặt, nó giúp “cởi trói” cho nhà đầu tư chiến lược GTNFoods có thể thoái lui trước thời hạn. Mặt khác, cơ cấu HĐQT mới cũng phần nào đem đến những gợi ý về các ông chủ mới của công ty. Khá bất ngờ là danh sách HĐQT mới của Forimex có sự xuất hiện cả những cái tên vốn nổi bật ở các câu chuyện ngoài thương trường... 
Khá bất ngờ là cả bóng dáng của những "nhà báo quốc tế" đằng sau thương vụ thoái vốn của nhóm GTNFoods tại Forimex.
Khá bất ngờ là cả bóng dáng của những "nhà báo quốc tế" đằng sau thương vụ thoái vốn của nhóm GTNFoods tại Forimex.

Thâu tóm Forimex, GTNFoods hưởng lợi “kép”

Bên cạnh các thương vụ M&A tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và Tổng Công ty Chè Việt Nam, khoản đầu tư vào CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (khi đó là Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Sài Gòn - viết tắt: Forimex) được đánh giá là một trong những bước đi chiến lược của GTNFoods nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng đa ngành.

Chủ trương đầu tư vào Forimex - thành viên của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) - được Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư và xây dựng sản xuất Thống Nhất (tiền thân của GTNFoods) thông qua vào ngày 21/12/2015.

Cụ thể, trong giai đoạn I, công ty này dự kiến đăng ký mua 4,1 triệu cổ phần (tương đương 35,04% vốn điều lệ) của Forimex dưới hình thức bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo ghi nhận của VietTimes, GTNFoods đã được “chốt” trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty này từ trước khi HĐQT có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư tại Forimex.

Ngày 14/10/2015, UBND Tp. HCM có công văn số 6231/UBND-CNN cho hay GTNFoods là nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn khi cổ phần hóa Forimex. Tới ngày 10/11/2015, Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM khi đó là ông Tất Thành Cang đã ký, phê duyệt phương án cổ phần hóa Forimex tại Quyết định số 5910/QĐ-UBND.

Những diễn biến sau đó cho thấy, GTNFoods không chỉ dừng lại ở việc sở hữu 35,04% vốn điều lệ của Forimex, mà còn tiến tới thâu tóm vừa tròn 70% cổ phần của công ty này.

Tính đến ngày 31/12/2017, hơn 1 tháng sau khi cổ phiếu FRM của Forimex niêm yết trên UPCOM, cơ cấu cổ đông của công ty này vẫn khá cô đặc. Cụ thể, 4 cổ đông lớn đã chiếm tới 96,21% tổng số cổ phần, bao gồm: Sagri (26,21%), GTNFoods (35,04%), Nguyễn Thị Mai Lan (16,85%) và Trịnh Thị Hương (18,11%).

Bà Nguyễn Thị Mai Lan là mẹ của ông Trần Việt Thắng - khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT Forimex, đồng thời là Trưởng ban kiểm soát của GTNFoods.

Trong khi đó, bà Trịnh Thị Hương là vợ của ông Lê Chí Nam (sinh năm 1983) - Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của CTCP Sản xuất Ứng dụng Công nghệ cao Thái Sơn - nơi Phó Chủ tịch HĐQT GTNFoods Nghiêm Văn Thắng từng là cổ đông sáng lập, nắm giữ 33% vốn điều lệ.

Cơ cấu cổ đông của Forimex tính đến cuối năm 2017
Cơ cấu cổ đông của Forimex tính đến cuối năm 2017

Việc thâu tóm Forimex giúp GTNFoods tham gia vào lĩnh vực trồng rừng, nuôi cá sấu và kinh doanh xăng dầu tại khu vực thị trường phía Nam.

Hơn nữa, thương vụ còn đem lại cho GTNFoods quyền sở hữu quỹ đất lớn của thành viên Sagri, trong đó có khu “đất vàng” rộng 36.617,6 m2 (3,6 ha) tại Ấp 2, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Sự thoái lui của GTNFoods

“Cuộc hôn nhân” giữa GTNFoods và Forimex không kéo dài lâu, ít nhất là đến khi hết thời hạn nắm giữ bắt buộc theo hợp đồng mua bán cổ phần.

Ngày 3/11/2017, sau chưa đầy 2 năm nắm giữ, HĐQT GTNFoods đã thông qua việc thoái vốn tại Forimex nhằm mục tiêu tái cấu trúc và hướng tới chiến lược phát triển dài hạn của GTNFoods là lĩnh vực sữa và trà.

Mặc dù vậy, phải tới giữa tháng 6/2019, GTNFoods mới tiến hành bán ra toàn bộ 4,1 triệu cổ phần Forimex trực tiếp sở hữu.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của Forimex, GTNFoods đã được “cởi trói” khỏi điều khoản phải nắm giữ cổ phần FRM “trong vòng 5 năm” theo quy định trong hợp đồng mua bán cổ phần số 28/2016/HĐMB-LNSG-TN ngày 27/1/2016.

Việc GTNFoods thoái vốn tại Forimex diễn ra khi chính công ty này trở thành mục tiêu M&A của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sữa trong nước. Trong khi đó, nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối tại GTNFoods cũng rục rịch thoái bớt vốn.

Mặt khác, việc chuyển hóa một phần quỹ đất của Forimex thành những dự án bất động sản tiềm năng dường như cũng là thách thức không nhỏ đối với “giới chủ” của GTNFoods. Đơn cử như việc Forimex vướng phải lùm xùm xung quanh chuyện bán đất Phú Quốc với “giá bèo”. (Đọc thêm: Forimex: Thành viên Sagri để “tuột” khu đất hơn 3,6 ha tại Phú Quốc ra sao?)

Ai là chủ mới của Forimex?

Những diễn biến và nội dung được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Forimex, tổ chức ngày 23/4/2019, đã mang lại nhiều gợi ý.

Sự phân hóa giữa các cổ đông thể hiện rõ nét khi đại hội tiến hành bỏ phiếu thông qua kết thúc nhiệm kỳ HĐQT 2016-2020 trước thời hạn và bầu các thành viên cho nhiệm kỳ HĐQT mới 2019-2024, tương tự đối với Ban kiểm soát Forimex.

Các kết quả biểu quyết cho thấy, có 3.066.500 cổ phần (tương đương với 26,94% vốn điều lệ Forimex), đúng bằng số cổ phần mà Sagri đang nắm giữ tại Forimex, đã bỏ phiếu không tán thành.

Những nỗ lực của cổ đông Sagri (nếu có) tại Forimex không ảnh hưởng đến kết quả sau cùng, bởi các cổ đông tư nhân còn lại, với tỷ lệ cổ phần sở hữu chi phối đều bỏ phiếu tán thành thông qua các nội dung trên.

Kết quả bỏ phiếu thông qua nội dung thay mới HĐQT của Forimex trước thời hạn
Kết quả bỏ phiếu thông qua nội dung thay mới HĐQT của Forimex trước thời hạn

Sau cùng, HĐQT mới nhiệm kỳ 2019 - 2024 của Forimex đã được bầu ra với 5 cái tên: Phạm Viết Dương, Trần Đức Hoàng, Lương Thanh Huyền, Trần Minh Thuyết và Nguyễn Công Tuấn.

Trong số các thành viên mới, chỉ có bà Lương Thanh Huyền (sinh năm 1969) hiện là Phó Giám đốc Tài chính - Kế toán Sagri đại diện cho một phần vốn của cổ đông Nhà nước này tại Forimex.

Các thành viên còn lại đều không sở hữu, hoặc sở hữu rất ít lượng cổ phần tại Forimex.

Cụ thể, tân Chủ tịch HĐQT Phạm Viết Dương (sinh năm 1964 tại Kiến Xương - Thái Bình) không sở hữu bất kỳ cổ phiếu Forimex nào. Tương tự là với trường hợp của các Thành viên HĐQT Nguyễn Công Tuấn (sinh năm 1978 tại Hà Nam) và Trần Đức Hoàng (sinh năm 1984 tại Nam Định).

Ông Trần Đức Hoàng cho biết đang nắm giữ các chức vụ cấp cao tại một loạt công ty như: CTCP Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh (Giám đốc đối ngoại Miền Bắc); CTCP Vigro (Người sáng lập, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc); CTCP xử lý rác thải và năng lượng EU (Người sáng lập, Thành viên HĐQT); CTCP Sonat (Người sáng lập, Thành viên HĐQT, Giám đốc đối ngoại) và CTCP Giáo dục Kidstime (Người sáng lập, Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT).

Có lẽ do bản cung cấp thông tin đã lâu (ký ngày 25/4/2019), nên ông Trần Đức Hoàng đã không cập nhật CTCP Năng lượng Đông Hải (Dong Hai Energy) - một doanh nghiệp mới thành lập vào ngày 30/8/2019 - do ông là cổ đông sáng lập (góp 5% vốn), đồng thời đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc.

Bên cạnh đó, cũng có vẻ như ông Trần Đức Hoàng chỉ tập trung cung cấp thông tin về chức vụ nắm giữ tại khối doanh nghiệp mà quên đi chức danh ở một số tổ chức khác của mình.

"Ngày trở về" gây xôn xao dư luận của "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn. (Ảnh: Internet)
"Ngày trở về" gây xôn xao dư luận của "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn. (Ảnh: Internet)

Cách đây chưa lâu, tai một sự kiện gây xôn xao dư luận - là "lễ chào mừng Nhà báo Quốc tế, Thạc sĩ Luật học, Tiến sĩ, Lê Hoàng Anh Tuấn, cựu học sinh khóa 1995 – 1998, Tiến sĩ Triết học danh dự từ Vương Quốc Anh 2018, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác Quốc tế" mang tên "Ngày trở về" diễn ra sáng 27/2/2019 tại Trường THPT Nghi Lộc III (tỉnh Nghệ An), ông Trần Đức Hoàng cũng là một trong những quan khách đáng chú ý, khi được giới thiệu với chức danh: Phó Chánh Văn phòng Viện Báo chí và Truyền thông Xã hội.

Một "nhà báo quốc tế" khác cũng hiện diện trong sự kiện này, "TS. Bùi Mạnh Hùng - Chánh văn phòng Viện pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu", theo tìm hiểu của VietTimes, chính là người đã sáng lập nên Công ty TNHH MTV Thương mại & Đầu tư Đông Hải (Dong Hai Trading & Investment) - công ty mẹ của Dong Hai Energy, nơi ông Trần Đức Hoàng giữ ghế Tổng Giám đốc.

"Nhà báo quốc tế" kiêm doanh nhân Bùi Mạnh Hùng này sinh năm 1988, đăng ký thường trú tại Tập thể Viện Kiểm soát, Phường Giảng Võ, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Phó Chủ tịch HĐQT GTNFoods Nghiêm Xuân Thắng tại "Ngày trở về".
Phó Chủ tịch HĐQT GTNFoods Nghiêm Xuân Thắng tại "Ngày trở về".

Tại thời điểm diễn ra sự kiện "Ngày trở về" này, ban lãnh đạo GTNFoods khả năng đã có sẵn quan hệ với nhóm "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn và Bùi Mạnh Hùng. Bởi lẽ hôm ấy, ông Nghiêm Văn Thắng – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần GTNFoods - cũng xuất hiện và thực hiện trao tặng 20 triệu đồng cho quỹ khuyến học của trường Nghi Lộc III.

Trở lại với câu chuyện sang tay cổ phần chi phối Forimex, thương vụ này đến nay vẫn bỏ ngỏ khả năng hoàn tất. Bởi lẽ theo các thông tin công bố gần đây của công ty này, bà Trịnh Thị Hương hiện vẫn duy trì 18,1%, trong khi tỷ lệ sở hữu của bà Nguyễn Thị Mai Lan giảm về còn 4,1% vốn cổ phần./.