Đằng sau cuộc "đại phẫu" của Alibaba

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc cải tổ ở Alibaba được coi là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể nới lỏng sự giám sát chặt chẽ đối với lĩnh vực công nghệ trong nước.
Jack Ma, người sáng lập Alibaba, xuất hiện trở lại trước công chúng ở Trung Quốc lần đầu tiên sau nhiều tháng (Ảnh: Bloomberg)

Jack Ma, người sáng lập Alibaba, xuất hiện trở lại trước công chúng ở Trung Quốc lần đầu tiên sau nhiều tháng (Ảnh: Bloomberg)

Tín hiệu từ cuộc cải tổ ở Alibaba

Những biện pháp kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ vào cuối năm 2020 đã 'thổi bay' hơn 1.000 tỉ USD ở các công ty lớn nhất của quốc gia này, theo CNBC.

Thời gian gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc dường như đang “nới lỏng” những hạn chế của mình đối với những gã khổng lồ internet như Alibaba.

Hôm 28/3, Alibaba đã công bố một cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này, chia tách toàn bộ tập đoàn thành 6 bộ phận kinh doanh, trong một sáng kiến ​​“được thiết kế để giúp tăng trưởng giá trị cho cổ đông và thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường".

Trong hai năm qua, chính phủ Trung Quốc thường lên án việc “mở rộng vốn không theo khuôn khổ” của các công ty công nghệ đã phát triển thành các tập đoàn lớn.

Trong khi đó, một phần trong thông báo của Alibaba lưu ý, các doanh nghiệp bị chia cắt này có thể huy động vốn từ bên ngoài và thậm chí niêm yết cổ phiếu, dường như đang đi ngược lại với những lo ngại của Bắc Kinh.

Theo ông George Efstathopoulos, Giám đốc danh mục đầu tư tại Fidelity International, động thái này có thể coi như một cú bật đèn xanh từ chính phủ Trung Quốc.

Jack Ma trở lại

Việc tái cơ cấu của Alibaba không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy Bắc Kinh có thể nới lỏng việc giám sát lĩnh vực công nghệ. Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng ở Trung Quốc sau nhiều tháng .

Một số người cho rằng vị tỷ phú này đã châm ngòi cho loạt động thái kiểm soát các tập đoàn công nghệ của giới chức Trung Quốc, sau khi ông đưa ra những bình luận chỉ trích hệ thống tài chính ở nước này.

Ít ngày sau, Ant Group, chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba do Jack Ma kiểm soát, đã buộc phải hủy niêm yết kép tại Hồng Kông và Thượng Hải , sau khi các nhà quản lý cho biết họ không đáp ứng các yêu cầu để niêm yết cổ phiếu.

Sau đó, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các khoản tiền phạt chống độc quyền khổng lồ cho Alibaba và gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan, đưa ra một loạt quy định trong các lĩnh vực từ bảo vệ dữ liệu đến cách thức tổ chức vận hành công ty.

Sự xuất hiện trở lại của Jack Ma ở Hàng Châu, nơi đặt trụ sở chính của Alibaba, được coi là một dấu hiệu khác cho thấy quan điểm tích cực hơn của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ và doanh nhân.

“Jack xuất hiện ở Hàng Châu không phải vì ông ấy đã đi khắp nơi đủ rồi. Tôi nghĩ rằng nó đã được "dàn dựng" tốt và phù hợp với chiến dịch của chính phủ để chứng minh rằng, họ đang giảm bớt áp lực lên khu vực tư nhân và đang chào đón phần còn lại của thế giới,” Stephen Roach, một thành viên cao cấp tại Đại học Yale, chia sẻ với CNBC.

Trọng tâm tăng trưởng kinh tế

Đã có thêm những dấu hiệu nới lỏng quy định trong vài tuần qua.

Lĩnh vực trò chơi bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2021 khi các nhà chức trách ngày càng lo ngại về tình trạng nghiện ngập trong giới trẻ ở Trung Quốc. Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã đóng băng việc phê duyệt các bản phát hành trò chơi mới trong vài tháng.

Tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng bắt đầu bật đèn xanh cho những cuộc chơi mới , chủ yếu của các hãng trong nước. Trong tháng này, cơ quan quản lý cấp phép trò chơi điện tử đã đóng dấu chấp thuận cho một loạt tựa game nước ngoài được phát hành tại Trung Quốc.

Trong khi đó, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi - một trong những công ty bị cuốn vào cuộc đại tu - đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Didi đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ vào tháng 6 năm 2021, nhưng đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc xem xét về an ninh mạng trong vòng vài ngày sau khi niêm yết. Cuối cùng nền tảng này đã bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York và có kế hoạch niêm yết ở Hồng Kông.

Trong vài ngày qua, các giám đốc điều hành công nghệ nước ngoài bao gồm CEO của Apple Tim Cook và Giám đốc điều hành của Qualcomm Cristiano Amon đã đến thăm Trung Quốc và gặp gỡ các giới chức chính phủ .

Bên cạnh động thái hâm nóng lĩnh vực công nghệ trong nước, Trung Quốc cũng đang thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Nền kinh tế của quốc gia tỷ dân đã bị vùi dập trong hai năm qua, một phần là do các chính sách nghiêm ngặt về Covid và các biện pháp thắt chặt đối với lĩnh vực công nghệ của chính phủ. Chính phủ nước này hiện đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023.

Để đạt được điều đó, Trung Quốc sẽ cần sự giúp đỡ của các doanh nghiệp tư nhân - bao gồm lĩnh vực công nghệ.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với cả tăng trưởng kinh tế yếu và cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng từ Mỹ. Đó là một vị thế khá khó khăn. Vì vậy, họ cần nền kinh tế hoạt động hết công suất”, theo Linghao Bao, nhà phân tích công nghệ tại Trivium China.

Giới công nghệ Trung Quốc đã hết khó?

Xin Sun, giảng viên cao cấp về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại Đại học King’s College London, cảnh báo, mặc dù có những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư, nhưng cũng có lý do để thận trọng.

Ông cho rằng, không nên lạc quan quá mức với những gì đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Mặc dù những động thái mới nhất mang lại một số sự chắc chắn về quy định, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về việc những gã khổng lồ công nghệ khác có thể phát triển như thế nào.

“Trong ngắn hạn, quá trình tái cấu trúc của Alibaba có thể được coi là thông lệ hóa các hành động quản lý của chính phủ và mang lại một số quy định chắc chắn cho lĩnh vực này,” Sun nói.

“Tuy nhiên, về lâu dài, nó đặt ra nhiều câu hỏi hơn về số phận của những gã khổng lồ công nghệ khác. Những tập đoàn tương tự như Tencent, Meituan và ByteDance cũng sẽ có những cuộc cải tổ chia tách như vậy? Họ sẽ tự quyết định hay chỉ chờ yêu cầu từ chính phủ? Sự không chắc chắn như vậy sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nhân và nhà đầu tư, làm xói mòn niềm tin của họ.”

Nguồn tham khảo: CNBC