Đang "nội chiến", cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ áp dụng thu phí “không dừng”

Bắt đầu từ hôm qua (15.5), đơn vị quản lý và vận hành tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã thí điểm áp dụng một cách thức thu phí hoàn toàn mới có tên “thu phí không dừng” trên cao tốc này. Theo tính toán sơ bộ, sẽ có khoảng 150 vị trí việc làm bị ảnh hưởng.
Một nhân viên đang thu phí theo phương pháp xe vé thủ công tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Một nhân viên đang thu phí theo phương pháp xe vé thủ công tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Liên quan đến câu chuyện “lùm xùm” tại tại tuyến cao tốc huyết mạch phía nam Hà Nội, ngày 15.5, ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT Công ty  Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC) - cho biết, kể từ 0h cùng ngày, đơn vị ông đã áp dụng thí điểm cách thức thu phí không dừng, và coi đó như một trong các biện pháp hòng làm an lòng các cổ đông cùng dư luận. “Chúng tôi cũng rất nỗ lực trong việc minh bạch và sẽ tiến hành theo đúng trình tự” - ông Khôi nói.

Theo lời ông Khôi, “thu phí không dừng” là một biện pháp còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Theo đó, mỗi xe tham gia giao thông sẽ có một tài khoản lưu sẵn, giống kiểu tài khoản trả trước của điện thoại di động. Mỗi lần đi qua trạm thu phí, hệ thống máy tính sẽ tự nhận dạng, tính toán quãng đường và trừ thẳng tiền vào tài khoản của chiếc xe đó. 

“Đã có khoảng 1000 phương tiện mua thẻ để áp dụng hình thức thu phí mới. Do là ngày đầu áp dụng nên chúng tôi lẫn các lái xe vẫn còn lúng túng. Chủ yếu là khâu tuyên truyền, phân làn cho người ta hiểu...”, ông Khôi cho biết.

Cũng theo lời vị Chủ tịch HĐQT Cty MPC, trên toàn tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hiện có 4 trạm thu phí và 17 cửa ra. Việc áp dụng thí điểm diễn ra ở cả 4 trạm nhưng chỉ ở một số cửa nhất định. “Trạm lớn thì 2 cửa, trạm bé thì có một cửa, còn các cửa khác thì vẫn tiến hành thu phí qua công tác xé vé như thông thường”, ông Khôi biết thêm.

Đang "nội chiến", cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ áp dụng thu phí “không dừng”  ảnh 1
Một trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Cũng trong cuộc trao đổi lần này, ông Khôi đã tỏ ra “mở” hơn với các giải pháp của Cienco1 – đơn vị góp 18% trong liên danh. Theo đó, ngay khi nhận được phản ánh, MPC đã không còn ngăn trở công tác tự kiểm đếm lượng xe của đơn vị này nữa.  Ông nói: “Việc làm của Cienco1 người ta cứ làm. Miễn là không ảnh hưởng đến pháp luật, đừng ảnh hưởng đến công ty là được”.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo cũng không quên bày tỏ lo lắng với công tác nhân sự trong trường hợp toàn bộ tuyến đường được chuyển sang thu phí không dừng. “Nói chung là hết sức lo ngại. Sẽ có khoảng 150 người bị ảnh hưởng trực tiếp. Trước mắt chúng tôi sẽ chuyển một phần sang công tác duy tu bảo dưỡng. Một phần nữa các nhà đầu tư buộc phải nghiên cứu có các dự án mới, để điều chuyển sao cho phù hợp...”.

Ở một diễn biến khác, cũng trong buổi sáng cùng ngày, ông Đinh Ngọc Đàn - Phó Tổng giám đốc Cienco1 – bình luận với PV báo Lao Động rằng việc MPC cho thí điểm thu phí không dừng từ ngày 15.5 là “dấu hiệu tốt” trong quá trình minh bạch hóa thu chi. 

Ông cũng cho biết, kể từ khi không còn bị ngăn cản kiểm đếm số lượng xe lưu thông trên đường, đơn vị ông ngày nào cũng cho các hệ thống máy móc họat động. Tuy nhiên, ông này từ chối đưa ra con số thống kê cụ cụ thể cũng như bản so sánh, đối chứng với các báo cáo trước đó của MPC.

Dán thẻ Etag miễn phí phục vụ thu phí không dừng

Tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, kể từ hôm nay 16.5, đơn vị này sẽ bắt đầu triển khai dán thẻ định danh Etag miễn phí trên ô tô để phục vụ cho việc thu phí tự động không dừng.

Theo đó, thẻ định danh Etag là thẻ điện tử định danh phương tiện, được dán trên kính trước của xe ô tô. Thẻ có gắn chip điện tử và sẽ được dán lên kính trước hoặc đèn xe ô tô. Cùng với thẻ Etag, chủ xe sẽ được cung cấp một tài khoản giao thông, đây là các tiền đề để tham gia sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Theo đó, khi đi qua các cửa thu phí không dừng, phần mềm sẽ tự động quét mã thẻ, nhận diện chủng loại xe để tính ra số tiền và tự động trừ trong tài khoản.

Theo Lao Động