Dân mạng Trung Quốc chế giễu cách đánh giá công dân gương mẫu của thành phố Tô Châu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cư dân mạng Trung Quốc đã chế giễu cách làm của chính quyền thành phố Tô Châu, so sánh nó với bộ phim truyền hình Black Mirror của Anh và triều đại nhà Thanh.
Một người đàn ông đi ngang qua Đường vành đai 2 ở Bắc Kinh với các làn xe cộ đông đúc ngày 24 tháng 3 (ảnh: AFP)
Một người đàn ông đi ngang qua Đường vành đai 2 ở Bắc Kinh với các làn xe cộ đông đúc ngày 24 tháng 3 (ảnh: AFP)

Nhà chức trách của thành phố Tô Châu (thuộc tỉnh Giang Tô) vừa đưa ra một chính sách mới để chấm điểm thành tích công dân theo thang điểm 1.000. Nhà chức trách gọi nó là “Mã công dân Tô Châu” nhằm khuyến khích mọi người tuân thủ luật lệ giao thông, tham gia các hoạt động tình nguyện, phân loại rác và làm những việc hữu ích khác để họ trở thành công dân kiểu mẫu theo đánh giá của chính quyền. Mã đánh giá này được truy cập qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Trong một thời gian ngắn thử nghiệm vào tuần trước, ứng dụng đã liên tục theo dõi quá trình tham gia giao thông của người dùng, Southern Metropolis Daily đưa tin. Đối với mỗi lần vi phạm, chẳng hạn như vượt đèn đỏ, người dùng sẽ bị trừ 50 điểm. Người vi phạm có thể lấy lại điểm số đã mất bằng cách tham gia vào các hoạt động quản lý giao thông tự nguyện.

Cách làm này cũng tương tự như một số chính sách đã được thực hiện ở một số thành phố khác của Trung Quốc. Ví dụ, cảnh sát ở Nam Kinh đã hạ cấp tín nhiệm xã hội của người vi phạm giao thông thường xuyên trong năm ngoái. Nhưng thay vì trừ điểm, những người vi phạm bị dán nhãn “không đáng tin cậy”.

Các quan chức nhấn mạnh rằng việc tham gia Mã công dân Tô Châu là tự nguyện, tuy nhiên kế hoạch này đã vấp phải sự hoài nghi và giễu cợt trên Internet.

“Loại kịch bản đáng sợ mà tôi đã thấy khi xem Black Mirror thực sự sẽ xảy ra trong đời thực? Thật kinh khủng!”; một người dùng Weibo đã viết, ngụ ý đề cập đến bộ phim giả tưởng nhiều tập của Anh về một tương lai đen tối do mặt trái của công nghệ mang lại.

Một tập phim có tựa đề Nosedive đã gây ấn tượng đặc biệt đối với một số cư dân mạng Trung Quốc vì nó mô tả một thế giới mà mọi người đánh giá lẫn nhau sau mỗi lần tương tác, ảnh hưởng đến vị thế xã hội của họ.

“Có một tập của Black Mirror mà người khác đánh giá bạn càng cao thì bạn càng được đối xử tốt hơn”; một người dùng Weibo bình luận bên dưới bản tin về Mã công dân Tô Châu. Bình luận đã được thích hơn 400 lần.

Một người khác nói về tập phim: “Người phụ nữ cố gắng đạt điểm cao nhưng cuối cùng điểm lại giảm quá thấp đến mức không thể cao lại được nữa. Cuối cùng, thông qua một phụ nữ tốt bụng có điểm số thấp, cô ấy biết rằng xếp hạng không có ý nghĩa gì và chúng hoàn toàn không đại diện cho bản chất của một người".

Một người dùng Weibo khác lại trích dẫn một meme nổi tiếng của Trung Quốc có nguồn gốc từ một bộ phim lịch sử về triều đại nhà Thanh do đài truyền hình nhà nước phát sóng năm 2003.

“Đế chế nhà Thanh của chúng tôi có hoàn cảnh quốc gia riêng” – đây là câu nói của một vị quan nhiếp chính ở triều đại cuối cùng của Trung Quốc – và nó được người ta sử dụng để mô tả những tệ nạn xã hội vẫn không thay đổi.

Bất chấp làn sóng chỉ trích, một số người vẫn ủng hộ việc sử dụng mã mới của Tô Châu như một cách để kiềm chế hành vi sai trái.

Một người dùng Weibo nói: “Nếu Mã công dân nhắm vào những người hút thuốc trên đường phố, những người không tôn trọng phụ nữ hoặc những người kém ý thức khi đi tàu điện ngầm, thì tôi thực sự khá thích nó”.

Hôm Chủ nhật vừa qua (13/9), các quan chức Tô Châu cho biết quá trình thử nghiệm Mã công dân đã kết thúc. Họ sẽ đợi cho đến khi các tình huống chín muồi trước khi đưa ra một thử nghiệm khác. Cuộc thử nghiệm vừa qua được cho là có hơn 5.800 người tham gia.

Mã công dân Tô Châu là một phần của ứng dụng Sucheng Ma (Mã Tô Châu) được tung ra vào tháng 5, bao gồm mã sức khỏe của thành phố và các chức năng khác như thẻ ID kỹ thuật số và giấy phép lái xe (ảnh: SCMP)
Mã công dân Tô Châu là một phần của ứng dụng Sucheng Ma (Mã Tô Châu) được tung ra vào tháng 5, bao gồm mã sức khỏe của thành phố và các chức năng khác như thẻ ID kỹ thuật số và giấy phép lái xe (ảnh: SCMP)

Các quan chức Tô Châu khẳng định rằng Mã công dân này sẽ không ảnh hưởng đến việc ghi danh vào trường học, xin việc làm và đăng ký hộ khẩu. Người vi phạm giao thông chỉ bị phạt theo luật hiện hành. Mặt khác, những người có điểm số cao có thể được hưởng các đặc quyền như được giảm giá khi mua vé tham gia các phương tiện giao thông công cộng và vé xem phim, cũng như được tặng cốc và khăn.

Các ý tưởng về hệ thống tín dụng xã hội ở Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên trong một tài liệu chính sách được xuất bản vào năm 2014. Các nhà làm chính sách dự định sử dụng cơ chế “cây gậy và củ cà rốt” để đưa ra các hình phạt và phần thưởng tùy theo hành vi của từng công dân.

Hình thức theo dõi người dân qua mã ứng dụng đã được triển khai lần đầu tiên khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở quốc gia này. Chính quyền đã đưa ra hệ thống Mã sức khỏe để kiểm soát sự đi lại của người dân. Những người bị gán mã màu đỏ hoặc vàng đều phải ở nhà. Chỉ những người có mã màu xanh mới được phép đi lại tự do.

Trong khi một số người bày tỏ lo ngại về việc thu thập quá nhiều dữ liệu nhân danh sức khỏe cộng đồng có thể khiến họ bị lộ bí mật cá nhân, những người khác đã nói họ không bị làm phiền bởi việc sử dụng Mã sức khỏe.

Tô Châu không phải là thành phố duy nhất của Trung Quốc đang cố gắng mở rộng việc sử dụng Mã y tế ra những lĩnh vực khác ngoài đại dịch. Thượng Hải mới gần đây sử dụng Mã sức khỏe để nhận dạng cá nhân.