Dân mạng ca ngợi “người hùng”, dùng cả vật lý và toán học để tính lực rơi của cháu bé 3 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Vụ việc cháu bé 2 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư tại Hà Nội chiều 28/2 đã khiến dư luận không khỏi “thót tim”. Theo đó, hành động dũng cảm cứu bé gái của anh Nguyễn Ngọc Mạnh được cư dân mạng hết lời ca ngợi.
Chân dung anh Nguyễn Ngọc Mạnh (ảnh: aFamily)
Chân dung anh Nguyễn Ngọc Mạnh (ảnh: aFamily)

Sau khi thông tin vụ việc cháu bé bị rơi lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đã áp dụng công thức vật lý và tính toán sức nặng thực tế khi cháu bé rơi. Cư dân mạng sửng sốt và thán phục khi biết được anh Mạnh đã phải chịu lực tác động tương đương hơn 300 kg khi đỡ cháu bé.

Trang fanpage của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tính toán, độ cao của 12 tầng nhà vào khoảng 36m, g (gia tốc trọng trường) 9.8, khối lượng em bé ước tính khoảng 10kg. Với số liệu trên, chủ tài khoản tính thế năng Wt bằng 3.528J, khối lượng của người đỡ rơi vào khoảng 352,7kg. Nếu trừ đi lực cản của mái tôn thì người này đỡ vật khoảng 250kg.

Phân tích của cư dân mạng.

Phân tích của cư dân mạng.

Một tài khoản facebook khác phân tích: “Khi em bé ở tầng 12 rơi xuống, thế năng là max, động năng bằng 0. Khi người đàn ông đỡ được em bé thì động năng max, thế năng bằng 0. Lúc này lấy động năng chia cho đoạn được mà người đàn ông và em bé bị “đi tiếp”, ở đâu là đoạn tôn bị lún xuống 1 đoạn khi va chạm thì mới ra lực va chạm.

Trong khi đó, một tài khoản khác lại tính toán vận tốc khi em bé chạm tay anh Mạnh: “Trong trường hợp em bé rơi từ tầng 12 tức là độ cao 36m thì vị trí ban đầu s0 = 36 (m), vận tốc ban đầu v0 = 0 (m/s), gia tốc a = g = -9.81 (m/s2) (là số âm vì chọn trục tọa độ từ thấp lên cao, trong khi gia tốc có hướng từ cao xuống thấp). Lúc được người đàn ông đỡ thì cho là s(t) = 5 (m). Vì lúc đó người đàn ông cách mặt đặt cỡ 4-5m.

Ta có phương trình tổng quát:

s(t) = ½×a×t2 + v0×t + s0

v(t) = a×t + v0

s(t) = 5 = ½×(-9.81) × t2 + 0×t + 36

hay

4.905t2 = 31

t2 = 31 / 4.905

t2 = 6.32

t = 2.514 (giây)

Thế t vào phương trình v(t) ở trên, ta có:

v(2.514) = (-9.81)×2.514 + 0 = -24,66 (m/s)

Như vậy, độ lớn của vận tốc lúc người đàn ông đỡ được là 24,66m/s hay 88,776km/h”.

Một số bình luận chỉ ra rằng, các công thức trên chỉ áp dụng để tính toán trong điều kiện tuyệt đối và hoàn toàn không chịu tác động của ngoại lực. Trên thực tế, để tính toán chính xác lực rơi trong trường hợp cụ thể, cần xét thêm các yếu tố khác như vị trí điểm rơi, lực cản không khí và các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến vận tốc rơi…

Mặc dù vậy, cư dân mạng đều đồng loạt cho rằng, lòng tốt của “anh hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh đã bất chấp tất cả các định luật vật lý và toán học. Sự dũng cảm của anh đã cứu sống một mạng người, chạm đến hàng triệu trái tim.

Cộng đồng mạng thiết kế tranh tôn vinh "anh hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh.

Cộng đồng mạng thiết kế tranh tôn vinh "anh hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh.

Công nhận hành động cao đẹp của anh, sáng 1/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định khen thưởng anh Nguyễn Ngọc Mạnh, gấp 3 lần mức lương cơ sở được trích từ Quỹ Thi đua khen thưởng của Thành phố. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng gửi thư tuyên dương đến “người hùng ngoài đời thực” này.

Trước đó, khoảng 17h30 ngày 28/2, bé gái tên N.P.H. (sinh năm 2018) ở tầng 12A chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ trèo qua lan can căn hộ và treo lơ lửng giữa tòa nhà. Chỉ vài giây sau, cháu bé đã tuột tay rơi xuống.

Thời điểm này, anh Nguyễn Ngọc Mạnh - lái xe tải chuyên nhận chuyển nhà trọn gói - đang đợi chuyển hàng cho khách ở tòa nhà đối diện đã phát hiện sự việc. Anh nhanh chóng trèo lên mái che của sảnh và đỡ được bé H. khi bé rơi xuống. Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa cháu bé vào Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu. Hiện tại, các bác sĩ tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của cháu bé. Vụ việc trên cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ có con nhỏ sinh sống tại các chung cư cao tầng.