Có thể đề cập, phân tích ở nhiều góc độ khác nhau, song sửa luật thế nào để “dân kiện quan” được thuận lợi hơn là vấn đề được nhiều đại biểu góp ý tại phiên thảo luận sáng 23/6 của Quốc hội về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
Theo đại biểu Trần Văn Độ, với các vụ án hành chính – các vụ án "dân kiện quan" thì địa vị người dân ở thế yếu. Các trường hợp này thông thường người dân không vi phạm mà khả năng vi phạm từ phía người có thẩm quyền nên người dân khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
“Vì vậy, cho nên khác với các tố tụng tư pháp khác, chúng ta làm thế nào nghiên cứu để có một thủ tục tố tụng ủng hộ những người yếu thế trong xã hội”, đại biểu Trần Văn Độ nhấn mạnh.
Về huyện kiện thì chỉ có mất công
Vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn là phân định thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo luật hiện hành các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện do tòa án cấp huyện giải quyết. Dự thảo sửa đổi theo hướng giao thẩm quyền này cho tòa án cấp tỉnh giải quyết.
Một số vị đại biểu cho rằng không cần thiết sửa đổi quy định này, trong khi một số vị khác cho rằng cần sửa.
Dẫn con số án hành chính bị hủy, sửa hàng năm lên đến 45% và không giảm, đại biểu Trần Văn Độ cho rằng nguyên nhân không phải thuộc năng lực của thẩm phán cấp huyện mà việc quan trọng ở đây là áp lực cho thẩm phán khi giải quyết các vụ án đối với khiếu kiện, đối với người lãnh đạo các cấp của cấp huyện, của cấp tỉnh.
Đại biểu Độ đề nghị nên quy định thẩm quyền chéo, tức là án của huyện này thì có thể khởi kiện ở huyện khác, của tỉnh này có thể khởi kiện ở tỉnh khác. Có như vậy thì thẩm phán mới tránh được áp lực và đảm bảo được khách quan, đảm bảo sự độc lập của mình trong phán quyết của mình.
Đồng ý với đề nghị này, đại biểu Trần Du Lịch nêu thực tế, dân kiện tới Chủ tịch huyện có nghĩa là cấp ủy đã quyết rồi, đã bàn rồi và đây là vấn đề tế nhị.
Người dân gặp tôi nói "ông Lịch ơi ông đừng xúi tôi về huyện kiện vì nó mất công", đại biểu Lịch nói.
Ông Lịch đề nghị không nên đem việc khó giao cho ông thẩm phán huyện, vì "đó là vấn đề tế nhị trong thể chế của ta".
Cố gắng đi xa
Không đồng ý với quy đinh mới về phân định thẩm quyền giữa tòa án cấp huyện và cấp tỉnh, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận xét, hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có bản lĩnh, lập trường rõ ràng, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nên không ngại xét xử các vụ án hành chính của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp khi có vi phạm.
Đồng ý với đại biểu Nghĩa, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng bây giờ tòa án nhân dân cấp huyện được xét xử đến 15 năm tù thì không có một lý do gì nói là trình độ cán bộ cấp huyện yếu.
Hơn nữa, đại biểu Thuyền còn lo ngại nếu cứ dồn lên cấp tỉnh, người dân muốn kiện một vụ án hành chính phải đi rất xa.
“Ví dụ ở Lâm Đồng từ cấp huyện lên cấp tỉnh gần 300 cây số để đi kiện thì việc này rõ ràng trở ngại cho dân mà người dân người ta muốn gần để tiếp cận công lý thuận hơn, bây giờ chúng ta lại dồn về cấp tỉnh, tôi cho việc đó không thuận lợi cho dân mà gây khó khăn cho dân”, ông Thuyền phân tích.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng: “tôi không dám đánh giá đội ngũ thẩm phán của cấp huyện hay cấp tỉnh yếu kém, nhưng dù có đảm bảo đủ tất cả trình độ năng lực, kể cả bản lĩnh nữa nhưng dù có bản lĩnh trời đi nữa mà một "a lô" tới là thôi rồi, khó lắm”.
Vì thế, đại biểu Minh tán thành quy định như dự thảo luật. Dù dân có đi xa hơn một tý nhưng niềm tin vào công lý tốt hơn thì dân cố gắng đi xa. Để công lý khách quan một tý thì cố gắng động viên dân đi xa để độ an toàn pháp lý tốt hơn, ông Minh nói.
Theo VnEconomy