Đảm an toàn thông tin mạng cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ

VietTimes -- Giao thông, năng lượng, tài nguyên - môi trường, thông tin, y tế, tài chính, ngân hàng, quốc phòng, an ninh - trật tự an toàn xã hội, đô thị và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 632 ban hành Danh mục lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên đảm bảo an toàn thông tin mạng và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Theo Quyết định này, có 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng và cơ quan chủ trì từng lĩnh vực, bao gồm: Lĩnh vực giao thông (Bộ Giao thông Vận tải); Lĩnh vực năng lượng (Bộ Công Thương); Lĩnh vực tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Lĩnh vực thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Lĩnh vực y tế (Bộ Y tế); Lĩnh vực tài chính (Bộ Tài chính); Lĩnh vực ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước); Lĩnh vực quốc phòng (Bộ Quốc phòng); Lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an); Lĩnh vực đô thị (UBND TP.Hà Nội, TP.HCM); Lĩnh vực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ (Văn phòng Chính phủ).

Cũng tại Quyết định 632, Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục 7 hệ thống thông tin quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực thông tin và lĩnh vực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Cụ thể, lĩnh vực thông tin có 5 hệ thống thông tin quan trọng quốc gia gồm: Hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; Hệ thống quản lý, điều khiển, khai thác, vận hành vệ tinh viễn thông; Hệ thống quản lý, điều khiển, khai thác, vận hành mạng đường trục băng rộng; Hệ thống quản lý chuyển mạch quốc tế; Hệ thống truyền dẫn và cáp quang biển quốc tế, cáp quang đất liền quốc tế.

Hai hệ thống thông tin quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước; và Hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền.

Đảm an toàn thông tin mạng cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ảnh 1

Danh mục các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực thông tin và lĩnh vực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì từng lĩnh vực phải phối hợp với các Bộ TT&TT, Công an, Quốc phòng xây dựng tiêu chí cụ thể xác định hệ thống thông tin quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý, trên cơ sở đó xây dựng danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia gửi Bộ TT&TT để thẩm định theo quy định; chủ trì hoặc phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, đánh giá, xác định hệ thống thông tin quan trọng quốc gia thuộc phạm vi quản lý; đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trước ngày 30/11 hàng năm.

Bộ TT&TT có trách nhiệm định kỳ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, cập nhật Danh mục lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an  toàn thông tin mạng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức khảo sát, trực tiếp làm việc, hướng dẫn, đôn đốc cơ quan chủ trì quy định tại Điều 1 Quyết định này trong việc xác định hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan liên quan thẩm định tiêu chí xác định hệ thống htoong tin quan trọng quốc gia và Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia của các cơ quan chủ trì quy định tại Điều 1 Quyết định này; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sửa đổi, bổ sung, cập nhật Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội trong việc rà soát, xác định các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an  chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, bố trí kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động khảo sát thực trạng; xây dựng, cập nhật bộ tiêu chí, văn bản hướng dẫn cụ thể; rà soát, đánh giá về an toàn thông tin; thẩm định xác định hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.