Đại sứ Trung Quốc tại Nga hứng “gạch đá” vì chửi người về nước

VietTimes -- Ngày 17/4, đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy khi giao lưu trực tuyến với đại diện lưu học sinh và các thương nhân Trung Quốc ở Nga thông qua đài CCTV đã kịch liệt chỉ trích những người tự bỏ về nước. Ý kiến của ông Trương đã gây rúng động dư luận.
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy, người đang hứng chịu búa rìu dư luận vì những phát ngôn xúc phạm những người Trung Quốc từ Nga về nước (Ảnh: NDNB)
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy, người đang hứng chịu búa rìu dư luận vì những phát ngôn xúc phạm những người Trung Quốc từ Nga về nước (Ảnh: NDNB)

Theo trang Deutsche Welle, vị đại sứ Trung Quốc tại Nga này chỉ trích một số người Trung Quốc đã “sấm quan” (xông qua cửa khẩu) trở về nước, thực tế là mang virus về”, “Điều này phải bị lên án về mặt đạo đức”. Ông còn nói: “Hiện giờ dịch bệnh ở Nga không chỉ hỗn loạn, mà còn nguy hiểm”. Theo ông Trương Hán Huy, phán đoán của Nga về tình hình dịch bệnh không thật chính xác, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch trên chặt dưới lỏng, việc xét nghiệm virus chưa đạt đến quy mô cần có. Nhận thức của người dân về phòng dịch bệnh rất yếu, ông phán đoán đỉnh dịch có khả năng xảy ra vào tháng 5.

Tiếp đó, Trương Hán Huy quay sang chĩa mũi dùi vào người Trung Quốc trở về từ Nga để tránh dịch bệnh. Ông nói: “Một số người Trung Quốc thông qua một số con đường để “sấm quan” trở về nước và gây ra việc nhập khẩu virus. Điều này phải bị lên án về mặt đạo đức. Nhưng để trốn tránh trách nhiệm, họ lại nói dối ‘Nga không cho chúng tôi ở lại’, ‘Không có cách nào để sống’, ‘Chúng tôi thực sự không còn cách nào khác, chúng tôi đã bị đuổi về’. Cách tiếp cận này thực sự đáng kinh tởm! Họ ăn cơm hợp tác Trung-Nga nhưng đập tan quan hệ Trung-Nga. Đó là những kẻ vô đạo đức”.

Ông Trương Hán Huy (giữa, hàng trên) phát biểu trong buổi giao lưu trực tuyến trên CCTV ngày 17/4 (Ảnh: Creader).
Ông Trương Hán Huy (giữa, hàng trên) phát biểu trong buổi giao lưu trực tuyến trên CCTV ngày 17/4 (Ảnh: Creader).

Ông nói: “Trước khi dịch bệnh hoàn toàn chấm dứt, cổng kiểm tra du lịch của cửa khẩu Trung Quốc - Nga sẽ không bao giờ được mở lại”, “Công dân Trung Quốc bị mắc kẹt ở Viễn Đông nên chấp nhận cách ly tại địa phương, đồng thời chuẩn bị sống cho đến khi dịch bệnh kết thúc”.

Theo các cơ quan truyền thông, trước khi cửa khẩu Tuy Phần Hà ở Hắc Long Giang bị đóng cửa, một số nhóm người Hoa ở Nga đã tìm đường đến Vladivostok, sau đó bắt xe đến Tuy Phần Hà để nhập cảnh. Trong số những người này đã tìm thấy một số lượng lớn các ca nhiễm bệnh COVID-19.

Trương Hán Huy cho biết, theo phân tích dịch tễ và truy dấu, đã phát hiện một bộ phận thực sự bị nhiễm bệnh ở Moscow, nhưng một số lượng đáng kể khác đã bị nhiễm trong hành trình về nước. Mặc dù ăn mặc sang trọng, nhưng đã lây nhiễm qua việc ăn uống và giao tiếp trong suốt hành trình. Đại sứ quán đã vận động, thuyết phục nhiều thương nhân Trung Quốc ở Nga với hy vọng rằng họ sẽ ở lại địa phương và chống dịch tại chỗ.

Những người Trung Quốc từ Nga qua cửa khẩu Tuy Phần Hà trở về đều bị cách ly tại bệnh viện cabin (phải). (Ảnh: Creader)
Những người Trung Quốc từ Nga qua cửa khẩu Tuy Phần Hà trở về đều bị cách ly tại bệnh viện cabin (phải). (Ảnh: Creader)

Những lời lẽ ông Trương Hán Huy sử dụng để chỉ trích nặng nề những “người Trung Quốc cá biệt” đã từ Nga “sấm quan” về nước, họ bị lên án về mặt đạo đức như: “thật đáng kinh tởm”, “không có chút đạo đức”, “những người mắc kẹt ở Viễn Đông phải cách ly tại chỗ, đồng thời chuẩn bị sống đến khi đại dịch kết thúc” được đăng tải khiến dư luận rúng động.

Một bài bình luận có tựa đề “Xem xét lại mối quan hệ giữa nhà nước và dân chúng từ tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Nga” cho rằng ông Trương Hán Huy đã phạm phải một số sai lầm có tính nguyên tắc; trong đó nghiêm trọng nhất là không hiểu được mối quan hệ giữa nhà nước và quốc dân.

Bài báo viết: “Tại sao chúng ta phải xây dựng một nhà nước? Tất nhiên để bảo vệ công dân, nếu không thì cần nhà nước làm gì?”, “Nếu có xảy ra dịch bệnh ở nước ngoài và người Trung Quốc ở đó muốn trở về nước, thì có vấn đề gì mà không được? Dù với bất cứ lý do gì thì họ đều có thể được về. (Đây là điều mà Đại sứ Trương gọi là “Nga không cho chúng tôi ở lại, chúng tôi không có cách nào để sống ở đó”). Tất cả họ đều có thể quay về! Tổ quốc nên mở rộng cánh cửa đón họ vô điều kiện! Phải mở cửa cho công dân của mình! ... Sau khi về nước họ có thể bị cách ly trong 14 ngày, nếu măc bệnh phải được điều trị; nhưng trước hết, phải cho phép họ trở về! Trong xã hội hiện đại, một quốc gia không cho phép công dân của mình trở về thực sự là một trò cười trong thiên hạ. Chỉ kẻ ngu xuẩn mới nói ra những lời như vậy!”.

Người Trung Quốc ở Nga tự ý tìm đường ra biên giới với Trung Quốc để về nước tránh dịch (Ảnh: Heilongjiang Daily).
Người Trung Quốc ở Nga tự ý tìm đường ra biên giới với Trung Quốc để về nước tránh dịch (Ảnh: Heilongjiang Daily).

Bài bình luận này được lưu truyền rộng rãi trên mạng WeChat, nhưng ít lâu sau. khi nhấp chuột vào bài viết, thì hiện ra thông báo “Nội dung này không thể xem được do vi phạm”.

Ông Tổng biên tập của “Tạp chí bình luận kinh tế Nga” bằng tiếng Trung Quốc đã gửi thư ngỏ tới Đại sứ Trương Hán Huy, với tựa đề “Công dân Trung Quốc trở về vòng tay Tổ quốc là quyền hợp pháp của họ”. Bức thư ngỏ viết: “Tôi cho rằng các công dân Trung Quốc ở Moscow vượt chặng đường dài tới Viễn Đông để  qua cửa khẩu về Trung Quốc không phải là hành vi của cá biệt cá nhân, mà là một sự kiện tập thể của cả một cộng đồng. Dù dao, cũng có mấy trăm người qua được cửa khẩu từ đầu tháng 4 đến khi bị đóng cửa vào ngày 8/4. Ngoài ra, nói xông qua cửa khẩu không phải là hành vi của một quần thể. Trước ngày 8/4, mặc dù chính phủ Nga tuyên bố đóng cửa khẩu, nhưng chính phủ Nga đã cho công dân Trung Quốc kênh một chiều ở biên giới Trung-Nga để họ trở về nước; đồng thời, các cửa khẩu phía Trung Quốc cũng hoạt động bình thường. Thế thì, trong tình hình các cửa khẩu của cả hai nước đều thông suốt, công dân Trung Quốc theo kênh kiểm tra du lịch để qua biên giới bình thường, lại gán cho họ tội danh “sấm quan” liệu có cần thiết?!”.

Khách sạn nơi lưu trú của người buôn bán Trung Quốc tại Moscow bị phong tỏa (Ảnh: HK01).
Khách sạn nơi lưu trú của người buôn bán Trung Quốc tại Moscow bị phong tỏa (Ảnh: HK01).

Bức thư ngỏ cũng chỉ rõ: “Chính phủ Nga đã không ban hành bất cứ lệnh hành chính nào để trục xuất tất cả hoặc một bộ phận công dân Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có một số thực tế có phần giống với mô tả trong “tin đồn”. Đó là vào ngày 3/4, khách sạn “Hồng Lâu” ở chợ Sadawa Moscow đã bị khám xét, ban quản lý chợ nói rằng khách sạn cần được khử trùng và yêu cầu những người cư ngụ di chuyển ngay lập tức. Có ít nhất vài trăm người trong khách sạn này trong lúc dịch bệnh, rất khó để thuê nhà trong một thời gian ngắn; cho nên đã thúc đẩy thêm nhiều người gia nhập đội ngũ trở về”.

Bức thư ngỏ viết, “phòng thủ ngoại nhập, trong ngăn tái phát” là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh quốc gia của Trung Quốc và củng cố kết quả phòng chống dịch bệnh hiện có là mong muốn chung của tất cả mọi người Trung Quốc, đó cũng là mong muốn của người Trung Quốc ở Nga. Thuật ngữ "phòng thủ ngoại nhập" không phải là "ngăn cản nhập cảnh”. Điều đó có nghĩa là, có nhiều cách để ngăn chặn các trường hợp người bệnh từ nước ngoài nhập cảnh. Đương nhiên, phương pháp đơn giản và thô sơ nhất là đóng cửa đất nước và cấm người dân di chuyển. Nhưng Trung Quốc hiện chưa áp dụng các biện pháp cực đoan như vậy. Công dân vẫn có thể quay trở về đất mẹ.

Cho phép công dân trở về nước và thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt cũng có thể ngăn chặn sự xâm nhập của virus từ nước ngoài. Sau khi dịch bệnh ở Trung Quốc được kiểm soát, nhiều tỉnh có bệnh viện cabin nhàn rỗi, điều kiện và đầy đủ dịch vụ phòng chống dịch bệnh. Không thể hạn chế các công dân ở nước ngoài trở về để duy trì số liệu tốt đẹp về tình hình dịch bệnh. Phòng chống dịch bệnh là ván cờ toàn cầu. Chỉ cần có một bệnh nhân mới bị COVID-19 ở bất kỳ quốc gia nào, thì việc phòng chống dịch bệnh sẽ chưa thể kết thúc. Do đó, ngăn cản người bị bệnh ở cửa ngõ quốc gia không phải là biện pháp có thể giải quyết vấn đề một cách cơ bản”.

Hiện có khoảng 160 ngàn người Trung Quốc du học và làm ăn ở Nga, phần lớn tập trung ở Moscow (Ảnh: Sina).
Hiện có khoảng 160 ngàn người Trung Quốc du học và làm ăn ở Nga, phần lớn tập trung ở Moscow (Ảnh: Sina).

Trong cuộc giao lưu trực tiếp với đại biểu lưu học sinh và thương gia người Hoa ngày 17/4, Trương Hán Huy nói rằng, trước khi dịch bệnh kết thúc, cổng dành cho khách du lịch tại các cửa khẩu đường bộ Trung-Nga sẽ không được mở. Người dân Trung Quốc ở Nga nên từ bỏ “tâm lý cầu xin” và cần nhận rõ là không thể trở về Trung Quốc.

Văn phòng đối ngoại tỉnh Hắc Long Giang đã đưa ra một thông báo vào ngày 7/4: “Trung Quốc và Nga đã đồng ý đóng cổng kiểm tra du lịch của cửa khẩu Tuy Phần Hà - Pogranici. Trong thời gian này không được tùy tiện đến Biên khu Primorsky Krai của Nga để về nước qua cửa khẩu Tuy Phần Hà”.

Ngày 8/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga đã ra thông báo rằng tất cả các cổng đi của người nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới đất liền Trung Quốc với Nga đã tạm thời đóng cửa.

Nhân viên y tế Nga kiểm tra nhiệt độ của thương gia Trung Quốc (Ảnh: AP).
Nhân viên y tế Nga kiểm tra nhiệt độ của thương gia Trung Quốc (Ảnh: AP).

Trên diễn đàn Sina Weibo, các cư dân mạng cũng đưa ra nhiều bình luận về phát biểu của Trương Hán Huy. Có người viết: “Người Trung Quốc muốn về nhà, làm sao bây giờ? Xin hãy tái hiện bộ phim Chiến Lang!”.

Trong phim này, nhân vật chính có một câu thoại kinh điển: “Có thể hộ chiếu Trung Quốc không thể đưa bạn đi bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng hộ chiếu Trung Quốc có thể đưa bạn trở về từ bất cứ đâu trên thế giới”.

Các cư dân mạng viết: “Một nước lớn có trách nhiệm trước hết phải có trách nhiệm với công dân của mình, sau đó hãy nói về cộng đồng vận mệnh của nhân loại!"; “Đóng cửa khẩu quốc gia, để công dân không thể trở về nước, bất kể ở cấp độ pháp lý hay cấp độ đạo đức, thực sự đều không thể biện minh. Là đại sứ mà nói ra được những điều này, thì ngay đến người nước ngoài cũng coi thường. Những lời nói và hành động của nhà ngoại giao có liên quan đến hình ảnh của đất nước đó!”.

Một số cư dân mạng cho rằng: “Sấm quan” là không đúng, nhưng chúng ta phải hiểu được khó khăn của những người “sấm quan”. Tình hình ở Nga tồi tệ như thế nào mới khiến họ mạo hiểm. Là một đại sứ của một quốc gia, nói những điều này khiến người ta thấy ớn lạnh. Một cư dân mạng viết: “Đã rời khỏi đất nước, thì sẽ không phải là người Trung Quốc nữa sao? Các nước tư bản khác đều khuyến khích công dân quay trở về nước. Ta thì khác, đã ra ngoài là thành người khác sao? Chỉ cần xây dựng một khu vực cách ly ở khu vực biên giới rồi hướng dẫn mọi người, sao phải sử dụng biện pháp chặn cửa, hàng chục nghìn km đường biên giới có nhiều biến số, được không bằng mất!”.

Trung Quốc bất ngờ đóng cửa cổng dành cho khách du lịch ở cửa khẩu Tuy Phần Hà để ngăn chặn người Trung Quốc từ Nga về nước tránh dịch, gây tranh cãi (Ảnh: 6park).
Trung Quốc bất ngờ đóng cửa cổng dành cho khách du lịch ở cửa khẩu Tuy Phần Hà để ngăn chặn người Trung Quốc từ Nga về nước tránh dịch, gây tranh cãi (Ảnh: 6park).

Một số cư dân mạng giận dữ: “Cắt tất cả các chuyến bay để ngăn chặn người Trung Quốc về nhà. Có phải chúng ta hy sinh người Trung Quốc ở nước ngoài vì lợi ích đại cục? Vẫn chưa đủ lại còn trói buộc họ bằng đạo đức dư luận. Nếu họ vi phạm luật pháp quay trở lại đất nước, thì sẽ phán xử họ thế nào đây?”.

Tuy nhiên, cũng có một số ít cư dân mạng cho rằng ông đại sứ chỉ phê phán những cá nhân đã mang virus về nước bất hợp pháp, còn nhà nước Trung Quốc vẫn chào đón công dân trở về.

Một cư dân mạng yêu cầu Đại sứ Trương Hán Huy hãy thẳng thắn trả lời mấy câu hỏi: 1. Người Trung Quốc ở Nga nay có thể được trở về Trung Quốc không? 2. Có thể sử dụng những cách thích hợp nào để trở về Trung Quốc? 3. Nếu không thể trở về nước, người Trung Quốc có được bảo hiểm y tế ở Nga không?