Đại sứ EU tại Bắc Kinh: Mỹ và châu Âu cần nói “không” với ngoại giao kiểu Chiến Lang!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Ông Nicolas Chapuis, Đại sứ EU tại Trung Quốc hôm 10/12 phát biểu: EU và Mỹ cần hợp sức để chống lại chính sách ngoại giao ép buộc của Trung Quốc và nói không với ngoại giao kiểu "Sói chiến" (Chiến Lang). Cùng ngày, trước những chỉ trích của quốc tế về ngoại giao Chiến Lang của Trung Quốc; bà Hoa Xuân Oánh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả: "Chiến Lang thì đã sao?".

Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis: EU và Mỹ cần hợp sức để chống lại chính sách ngoại giao ép buộc của Trung Quốc và nói không với ngoại giao kiểu Chiến Lang (Ảnh: Wiki)
Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis: EU và Mỹ cần hợp sức để chống lại chính sách ngoại giao ép buộc của Trung Quốc và nói không với ngoại giao kiểu Chiến Lang (Ảnh: Wiki)

Theo Reuters, Đại sứ EU tại Trung Quốc, ông Nicolas Chapuis, khi phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Bắc Kinh hôm thứ Năm 10/12 đã bày tỏ EU hy vọng sẽ đạt được sự nhất trí với chính phủ mới của Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc. “Nếu chúng ta có thể, nếu Trung Quốc sẵn sàng hợp tác, thì chúng ta sẽ cố gắng hợp tác với Trung Quốc. Khi cần phải phản đối, chúng ta phải phản đối”. Ông Chapuis cũng nói: “Chúng ta cần đạt được sự đồng thuận về kiên quyết nói “không”với hành vi bắt nạt, đe dọa và ngoại giao kiểu cưỡng chế, ngoại giao Chiến Lang!”.

Học giả phương Tây: ngoại giao Chiến Lang dùng cách đe dọa, tuyên truyền và thông tin sai lệch để thay thế phương thức ngoại giao

Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 10/12 viết, vị đại sứ EU này không phải là người đầu tiên đánh đồng ngoại giao kiểu "Sói chiến" của Trung Quốc (nguyên văn Chiến Lang – chó Sói hung dữ, gọi theo tên một bộ phim hành động của Bắc Kinh nói về quân đội Trung Quốc dùng vũ lực giải cứu công dân ở nước ngoài) với kiểu ngoại giao bắt nạt, đe dọa và cưỡng ép. Bà Margarete Bause, nghị sĩ Đảng Xanh Liên bang Đức viết trên Twitter ngày 21/11 rằng Hạ viện và chính phủ Đức nên lên án rõ ràng "chính sách ngoại giao Chiến Lang" của Bắc Kinh và chính sách nhân quyền của Đức phải luôn đứng về phía các nạn nhân và bảo vệ nhân quyền.

Áp phích phim Chiến Lang 2 với dòng chữ "Kẻ nào phạm đến Trung Hoa ta, dù ở xa cũng phải hủy diệt" (Ảnh: Deutsche Welle).

Áp phích phim Chiến Lang 2 với dòng chữ "Kẻ nào phạm đến Trung Hoa ta, dù ở xa cũng phải hủy diệt" (Ảnh: Deutsche Welle).

Tờ Bild-Zeitung của Đức hồi giữa tháng 5 năm nay dẫn lời ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách công toàn cầu Berlin, viết: “Các nhà ngoại giao Chiến Lang đã đấu tranh cho lợi ích của Trung Quốc theo kiểu Rambo và sử dụng các lời đe dọa, tuyên truyền và thông tin sai lệch thay vì ngoại giao. Một ví dụ điển hình của ngoại giao Chiến Lang là Triệu Lập Kiên, Vụ phó Thông tin kiêm người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc”.

Nhận xét nổi tiếng nhất của Triệu Lập Kiên bao gồm tuyên bố trên tài khoản Twitter cá nhân hồi tháng 3 năm nay, cho rằng quân đội Mỹ có thể đã mang đại dịch COVID-19 đến Vũ Hán; cũng như vào ngày 30/11, ông ta đã đăng trên Twitter bức ảnh chế, thực ra là bức tranh của một họa sĩ trên mạng Trung Quốc tên là "Urha Kirin" tự nhận là "Họa sĩ Chiến Lang". Bức tranh có tên "Đạo quân hòa bình" vẽ một người lính Australia đang đứng trên lá cờ Australia khổng lồ với một con dao đang kề cổ một thiếu niên Afghanistan đang ôm một con cừu; bên dưới là phụ đề tiếng Anh “Don't be afraid, we are coming to bring you peace!” (Đừng sợ, chúng tôi đến để mang lại hòa bình cho bạn!). Dòng tweet này đã gây ra sự tức giận và phản đối mạnh mẽ từ Thủ tướng Australia Morrison. Ông Morrison lên án bức hình này là giả mạo và lan truyền thông tin sai lệch, đồng thời yêu cầu Triệu Lập Kiên xóa bỏ hình ảnh liên quan và Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai xin lỗi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã thẳng thừng từ chối công khai xin lỗi Australia, trong khi Triệu Lập Kiên đưa bản tweet lên hàng đầu.

Triệu Lập Kiên, người được cho là đại diện cho chính sách ngoại giao Chiến Lang của Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Triệu Lập Kiên, người được cho là đại diện cho chính sách ngoại giao Chiến Lang của Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Lời chỉ trích chính sách ngoại giao Chiến Lang là một bản sao của thuyết “mối đe dọa của Trung Quốc"

Trước những lời phê phán của bên ngoài về ngoại giao Chiến Lang của Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã đáp trả vào thứ Năm (10/12): “Về cơ bản, những lời chỉ trích về ngoại giao Chiến Lang thực tế là một phiên bản khác của thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc. Mục đích là nhằm buộc Trung Quốc không được đánh trả, không được chửi trả, bắt Trung Quốc phải từ bỏ quyền được nói sự thật. Những người này cần phải hiểu rằng Trung Quốc hiện không phải là Trung Quốc của một trăm năm trước và các nhà ngoại giao là những đại diện và người bảo vệ quyền lợi và phẩm giá của 1,4 tỷ người Trung Quốc chiếm 1/5 dân số toàn thế giới. Người không phạm đến ta, ta sẽ không phạm đến người; Nếu ai xúc phạm ta, ta ắt sẽ xúc phạm người. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc cũng như bảo vệ lợi ích và phẩm giá quốc gia, để duy trì công bằng và công lý quốc tế, làm Chiến Lang thì đã sao?”.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành: "Việc gắn mác ngoại giao Chiến Lang cho Trung Quốc là phiên bản khác của thuyết mối đe dọa Trung Quốc (Ảnh: Apolo).

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành: "Việc gắn mác ngoại giao Chiến Lang cho Trung Quốc là phiên bản khác của thuyết mối đe dọa Trung Quốc (Ảnh: Apolo).

Cách đây vài ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cũng đã nói trong một bài phát biểu rằng: "Việc gán mác ngoại giao Chiến Lang cho chúng ta thực ra là một phiên bản khác của thuyết về mối đe dọa Trung Quốc". Ông ta còn nói rằng” “Trung Quốc chưa bao giờ chủ động khiêu khích người khác, cũng không chạy đến nhà người khác, càng không đến nhà người khác để gây sự. Bây giờ chính là những người đến cửa nhà chúng ta để diễu võ giương oai, can thiệp vào việc nhà của chúng ta và liên tục lảm nhảm nục mạ và bôi nhọ chúng ta. Chúng ta không còn đường lùi, đành phải phải vùng lên tự vệ, kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia và phẩm giá của mình”.

Deutsche Welle viết, “việc nhà" mà ông Lạc Ngọc Thành nói kiến người ta liên tưởng đến việc Trung Quốc đàn áp nghiêm trọng người Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ trong những năm gần đây. Trong tuyên bố của mình vào Ngày Nhân quyền Quốc tế được đưa ra hôm thứ Năm (10/12), phái đoàn EU tại Trung Quốc đã chỉ rõ, việc thực thi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông vào ngày 30/6 đã gây tổn hại nghiêm trọng các quyền cơ bản và tự do mà Trung Quốc đã hứa sẽ tôn trọng cho đến ít nhất là năm 2047. Ngoài ra, EU tiếp tục bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền đang xấu đi nghiêm trọng ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông.

Đại sứ EU Nicolas Chapuis và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Ảnh: China Daily).

Đại sứ EU Nicolas Chapuis và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Ảnh: China Daily).

Đại sứ EU tại Trung Quốc, Nicolas Chapuis, hôm 10/12 cũng nêu rõ "Biển Đông không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, mà cũng là vấn đề quốc tế." Ông kêu gọi các nước châu Âu, Australia, New Zealand và ASEAN “tìm ra tiếng nói chung” trong vấn đề Biển Đông, đồng thời chỉ ra rằng “tự do hàng hải là điều cần thiết không thể thiếu”.

Ông Joe Biden, Tổng thống được cho là đắc cử của Mỹ trước đây đã bày tỏ cần khôi phục quan hệ đồng minh với các nền dân chủ có cùng quan điểm và biến nó trở thành lực lượng nòng cốt ứng phó với Trung Quốc. Tuyên bố của Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis hôm thứ Năm tuần này cho thấy, trong vấn đề ứng phó Trung Quốc, thái độ và mục tiêu của EU và chính phủ sắp tới của Mỹ ngày càng gần gũi hơn. Chính sách ngoại giao Chiến Lang của Trung Quốc có thể thúc đẩy các chính thể Mỹ, Châu Âu, Australia càng đoàn kết nhất trí hơn.

Nhân vật Chiến Lang trong bộ phim cùng tên (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhân vật Chiến Lang trong bộ phim cùng tên (Ảnh: Deutsche Welle).

Ngoại giao Chiến Lang của Trung Quốc trước và nay

Năm 2015, bộ phim hành động quân sự Wolf Warriors (Chiến Lang) do Ngô Kinh làm đạo diễn và diễn xuất sau khi được công chiếu rất được công chúng Trung Quốc hoan nghênh. Trang tin Trung Quốc Sohu News đưa tin, doanh thu phòng vé của phim đạt 545 triệu NDT. Sau đó, Ngô Kinh đã ra mắt phần tiếp theo Wolf Warrior 2 vào năm 2017, và bộ phim cũng rất ăn khách. Một số câu thoại trong đó mang đậm sắc thái chủ nghĩa dân tộc cực đoan như "Kẻ xúc phạm Trung Quốc ta sẽ bị trừng phạt dù chúng ở xa"; "Hộ chiếu Trung Quốc không thể cho phép bạn đến mọi nơi trên thế giới, nhưng nó có thể cho phép bạn trở về từ bất kỳ nơi nào trên thế giới”...được lưu truyền rộng rãi. Gần như cùng lúc đó, ông Trump trở thành tổng thống Mỹ và một cuộc chiến tranh thương mại nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Phong cách ngoại giao của Trung Quốc dần trở nên cứng rắn và phong cách ngoại giao mới này bắt đầu được mô tả là “ngoại giao kiểu Chiến Lang”.

Thay đổi phong cách ngoại giao

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thay đổi giọng điệu ngoại giao cơ bản “Thao quang dưỡng hối” (ẩn náu chờ thời) do Đặng Tiểu Bình đề ra. Hãng CNN của Mỹ chỉ ra rằng so với các nhà ngoại giao ôn hòa của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, "ngoại giao Chiến Lang" là một kiểu hoàn toàn khác. Các nhà ngoại giao Trung Quốc này sẽ không đưa ra những tuyên bố dài dòng, mà là trực tiếp đáp trả bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Trung Quốc hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc trên Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác.

Bà Margarete Bause, nghị sĩ Đảng Xanh Liên bang Đức viết trên Twitter ngày 21/11: Hạ viện và chính phủ Đức cần lên án rõ ràng chính sách ngoại giao Chiến Lang của Bắc Kinh (Ảnh chụp màn hình),

Bà Margarete Bause, nghị sĩ Đảng Xanh Liên bang Đức viết trên Twitter ngày 21/11: Hạ viện và chính phủ Đức cần lên án rõ ràng chính sách ngoại giao Chiến Lang của Bắc Kinh (Ảnh chụp màn hình),

Có Sói (Lang) mới có Sói chiến (Chiến Lang)?

Các nhà ngoại giao Trung Quốc ban đầu không phủ nhận tuyên bố này. Theo cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, Đài Truyền hình Trung ương (CCTV), Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh Lưu Hiểu Minh hồi tháng 5 năm nay từng bày tỏ, Trung Quốc kiên trì theo đuổi con đường hòa bình, nhưng vì trên thế giới có “Sói” (Lang), nên Trung Quốc cần có “Sói chiến” (Chiến Lang) để bảo vệ phẩm giá quốc gia của mình.

Nhà ngoại giao Chiến Lang

Một trong những đại diện của "ngoại giao Chiến Lang" là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, người đã nhiều lần phát ngôn gây ra tranh cãi. Ví dụ, vào tháng 3, ông viết trên Twitter rằng quân đội Mỹ có thể đã đưa dịch bệnh COVID-19 đến Vũ Hán. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thuộc "Liên minh tình báo Five Eyes" đưa ra tuyên bố về vấn đề Hồng Kông, ông Triệu Lập Kiên đã đáp trả trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Bất kể họ có "năm mắt" hay "mười mắt", chỉ cần họ dám gây hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, cẩn thận họ sẽ bị chọc mù mắt. Cuộc tranh cãi mới đây nhất là một tweet của Triệu Lập Kiên chỉ trích tội ác chiến tranh của quân đội Australia ở Afghanistan cùng hình ảnh chế liên quan. Thủ tướng Australia Morrison nói rằng chính phủ Trung Quốc nên thấy hổ thẹn về bản tweet này.

Các đại sứ Chiến Lang

Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp hồi tháng 4 đã đe dọa rằng, nếu chính phủ Australia tiếp tục điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, người dân Trung Quốc có thể tẩy chay các hàng hóa hoặc du lịch Australia. Đại sứ Trung Quốc tại Brazil, Dương Vạn Minh đã viết trên Twitter rằng chỉ ra rằng con trai của Tổng thống Brazil Bolsonaro đã "nhiễm một loại vi rút ý thức hệ" sau khi đến thăm Miami vì anh này đã phê phán Trung Quốc là "chế độ độc tài".

Học giả Kim Sán Vinh: Trung Quốc đã vững mạnh và không cần tiếp tục “ẩn mình chờ thời” nữa.(Ảnh: Deutsche Welle).

Học giả Kim Sán Vinh: Trung Quốc đã vững mạnh và không cần tiếp tục “ẩn mình chờ thời” nữa.(Ảnh: Deutsche Welle).

Học giả Chiến Lang

Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Thời báo Hoàn cầu gần đây đã "phát ra tiếng tru của Chiến Lang", tuyên bố rằng nếu các quan chức Mỹ từ Pompeo trở lên thăm Đài Loan, Trung Quốc nên cho máy bay chiến đấu tới Đài Bắc bay cực thấp thể hiện chủ quyền của Trung Quốc. Học giả Kim Sán Vinh, Giáo sư, Phó viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc từng nói, Trung Quốc đã vững mạnh và không cần tiếp tục “thao quang dưỡng hối” (ẩn mình chờ thời) nữa. Trong một bài phát biểu vào tháng 11/2018, ông này nói rằng GDP của Trung Quốc đã gấp 2,5 lần Nhật Bản và hiện nếu ngồi cũng vẫn cao hơn Nhật Bản; cần gì phải “ẩn mình chờ thời” nữa!

Hiệu ứng "Chiến Lang" phản tác dụng

Nhưng “ngoại giao Chiến Lang” của Bắc Kinh không giúp cải thiện được tình hình quốc tế của Trung Quốc, ngược lại, địa chính trị của họ càng thêm xấu đi. Fergus Hanson, một học giả tại Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), chỉ ra rằng do Trung Quốc bắt đầu thể hiện ngày càng "hung hăng", hình ảnh của họ trong dư luận Australia "đã nhanh chóng xuống thấp." Ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu đứng lên chống lại chính sách ngoại giao Chiến Lang của Trung Quốc, bày tỏ phản đối các trại cải tạo ở Tân Cương và hạn chế quyền tự do của Hồng Kông.