“Đại gia” Tài chính Điện lực có mua… hớ cổ phiếu OCH?

Đại diện cổ đông công ty CP Tài chính điện lực (EVN Finance) xuất hiện khá lặng lẽ tại Đại hội cổ đông năm 2015 của công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (mã:OCH). Khi ấy, EVN Finance chỉ có tư cách "người được ủy quyền" do mua lại 19,95 triệu cổ phiếu OCH mà chưa được sang tên !
Ocean Group đã bán 19,95 triệu cổ phiếu OCH cho EVN Finance để trả nợ
Ocean Group đã bán 19,95 triệu cổ phiếu OCH cho EVN Finance để trả nợ

Năm 2014, EVN Finance ứng trước 240 tỷ đồng cho công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã: OGC) để được nhận chuyển nhượng 19,95 triệu cổ phiếu OCH. Thế nhưng, việc chuyển nhượng này đã bị trì hoãn và đến tận ngày 17/7/2015 vừa qua, giao dịch này mới hoàn thành.

Mua cổ phiếu "lao dốc"

Công ty OCH là một trong các công ty chủ lực của Ocean Group, và sở hữu một số dự án bất động sản, khách sạn, resort rất lớn. Năm 2013, OCH đã tăng vốn thành công lên 2.000 tỷ đồng và từng là công ty có vốn hóa lớn trên thị trường (đạt hơn 5.140 tỷ đồng, tương ứng giá cổ phiếu 25.700 đồng/CP).

Sau biến cố các lãnh đạo OceanBank - bên liên kết của Ocean Group - bị bắt giữ, OCH và nhiều đơn vị thành viên đã bị ảnh hưởng đáng kể. Năm 2014, OCH báo lỗ lớn tới 218 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, công ty này báo lỗ tiếp 79,1 tỷ đồng. Để chống đỡ tình thế căng thẳng về tài chính, Ocean Group đã phải bán bớt cổ phiếu OCH, trang trải nợ nần.

Trên thị trường, sau biến cố các lãnh đạo OceanBank bị bắt, giá cổ phiếu OCH vẫn cố bám trụ mốc 25.000 đồng/CP liên tục trong suốt 6 tháng. Đến giữa tháng 5/2015, khi OCH có dấu hiện "chểnh mảng" công bố thông tin, liên tục bị Ủy ban chứng khoán nhắc nhở, đưa vào diện cảnh báo, báo lỗ… thì giá cổ phiếu bắt đầu những chuỗi ngày lao dốc không phanh.

Từ mức 25.000 đồng/CP, giá cổ phiếu OCH giảm xuống còn 11.000 đồng, rồi 9.000 đồng và hiện tại chỉ còn vỏn vẹn… 6.000 đồng/CP. Chỉ sau hơn 3 tháng, cổ phiếu OCH đã mất tới 76% thị giá, tài sản vốn hóa tương ứng bị "bốc hơi" tới 3.940 tỷ đồng.

Cuối năm 2014, Ocean Group đã quyết định bán bớt 19,95 triệu cổ phiếu OCH (tỷ lệ 9,975% vốn) cho EVN Finance, song vẫn chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng. Thậm chí, đến Đại hội cổ đông của OCH ngày 19/6 vừa qua, EVN Finance cũng chỉ xuất hiện lặng lẽ trong tư cách "người được ủy quyền" của cổ đông lớn Ocean Group.

Chia sẻ về việc "Có bán lại cổ phiếu OCH không?", khi ấy, đại diện EVN Finance tham dự họp tỏ ra do dự, băn khoăn vấn đề số lượng và giá cả. Vì giá trị cổ phiếu OCH đã giảm rất sâu so với thời điểm EVN Finance thỏa thuận chuyển nhượng (cuối năm 2014).

Ngày 17/7/2015, Ocean Group đã hoàn thành chuyển quyền sở hữu 19,95 triệu cổ phiếu OCH cho EVN Finance. Chưa rõ mức giá chuyển nhượng tại thời điểm kí hợp đồng là bao nhiêu nhưng trên thị trường, ngày 17/7, giá cổ phiếu OCH chỉ còn giao dịch quanh mức 9.000 đồng/CP, tương ứng giá trị thương vụ là hơn 179,55 tỷ đồng.

Trong khi trước đó, EVN Finance đã chi tạm ứng 240 tỷ đồng cho việc nhận chuyển nhượng cổ phiếu OCH (từ cuối năm 2014), tương ứng giá tối thiểu 12.030 đồng/CP. Còn giá thị trường khi ấy là 25.000 đồng/CP.

Do vậy, câu hỏi EVN Finance liệu đã mua cổ phiếu OCH với giá rẻ chỉ bằng 50% thị giá, hay dự tính giá sẽ lao dốc đến thời điểm hoàn thành chuyển nhượng, thì vẫn còn bỏ ngỏ ?

Trường hợp EVN Finance mua cổ phiếu OCH với giá thấp nhất, có thể thấy sau khi đối trừ công nợ thì Ocean Group sẽ phải trả lại cho EVN Finance khoảng 60 tỷ đồng. EVN Finance có thể tiếp tục chịu thiệt thòi khi cổ phiếu OCH giảm sâu thêm 3.000 đồng, tức mất thêm gần 59,9 tỷ đồng trên số cổ phiếu nắm giữ.

Mỏi mắt chờ tin tốt

Dù Ocean Group và OCH liên tục công bố thông tin về kết quả kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu giảm giá… nhưng điều kỳ lạ là không hề có động thái nào để "đỡ giá" như trước đây. Lãnh đạo công ty cũng không hề lên tiếng trấn an nhà đầu tư, cổ đông như một số công ty niêm yết đã làm (JVC, SHN).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2015, OCH chỉ đạt gần 277 tỷ đồng doanh thu, giảm 14% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu từ khách sạn đạt 141 tỷ đồng, doanh thu từ mảng bánh kẹo và đồ uống đạt 120 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế bị âm 79,1 tỷ đồng và lỗ của công ty mẹ- Ocean Group, là 78,4 tỷ đồng.

Gần đây, OCH quyết định bán đi 4,17 triệu cổ phiếu tại công ty CP Ngôi Sao Xanh (được tách ra) cho Vincom Retail để cơ cấu lại dòng tiền, giảm áp lực tài chính căng thẳng… Số tiền thu được khoảng 195,9 tỷ đồng, được sử dụng để góp vốn và công ty Sao Hôm Nha Trang, dùng để trả nợ cho Công ty OTL sau khi tách ra.

Được biết, công ty OTL đã tách thành hai pháp nhân độc lập là OTL và Ngôi Sao Xanh, nhưng Ngôi Sao Xanh lại sở hữu tài sản là dự án Starcity Center nằm trên khu đất vàng HH Trần Duy Hưng (Hà Nội).

Không chỉ bán cổ phần, tài sản, Ocean Group còn đang thế chấp 31 triệu cổ phiếu OCH (tổng sở hữu 111,5 triệu CP, tỷ lệ 55,5%) cho khoản vay 450 tỷ đồng tại Ngân hàng NCB, 7 triệu cổ phiếu để đảm bảo tiền góp vốn vào dự án Công viên hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội. Do giá cổ phiếu giảm sâu xuống còn 6.000 đồng/CP, nên giá trị các tài sản bảo đảm này thực tế đã bị hao hụt đáng kể.

Theo TBKD