“Đại gia” nào bơm hơn trăm triệu USD cho "be" để đối đầu Grab?

VietTimes -- Theo Reuters, ứng dụng gọi xe mới "be" đã nhận đượcb "trăm triệu USD" từ các nhà đầu tư, để cạnh tranh với Grab và Go-Jek.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Reuters cho biết, nhà sáng lập be Group, CEO Trần Thanh Hải ấn định ứng dụng “be” sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/12. Ban đầu, công ty chỉ cung cấp 2 loại hình dịch vụ chủ yếu là gọi xe 2 bánh beBike và gọi xe 4 bánh beCar. Trong tương lai, công ty sẽ mở rộng thêm lĩnh vực giao hàng, thực phẩm, thanh toán điện tử và tài chính số.

Mục tiêu hiện tại của công ty là đạt được 110.000 tài xế trên toàn quốc vào cuối năm 2019. Tại lễ ra mắt sáng 13/12, be Group tiết lộ đã nhận được hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư để phát triển ứng dụng gọi xe cạnh tranh với Grab và Go-Jek.

CEO Trần Thanh Hải cho biết khoản tài trợ khổng lồ nói trên phần lớn đến từ các nhà đầu tư nội địa. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) là đối tác chiến lược, hỗ trợ cho hoạt động của be Group.

Ông Hải từ chối cung cấp thông tin chi tiết về số tiền tài trợ và để ngỏ khả năng công ty sẽ triển khai dịch vụ của mình tại các quốc gia khác.

Cơ hội nào cho "be"?

Quay lại hồi tháng 3/2018, sự ra đi của Uber khiến thị trường 600 triệu người ở Đông Nam Á đã trở thành sân chơi cho Grab và Go-Jek. Trong đó, Việt Nam với dân số 95 triệu người và 75% sử dụng smartphone, là “mỏ dầu” cho các nhà cung cấp dịch vụ gọi xe.
Lễ ra mắt ứng dụng Be vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 13/12.
 Lễ ra mắt ứng dụng Be vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 13/12.

Tới nay, Grab đang nắm giữ miếng bánh thị phần lớn tại Việt Nam với đội ngũ 175.000 tài xế. Công ty có trụ sở tại Singapore sở hữu tiềm lực tài chính cực mạnh nhờ sự hậu thuẫn của hãng cho thuê xe Didi Chungxing của Trung Quốc và tập đoàn SoftBank Group đến từ Nhật Bản. Một đối thủ lớn khác của “be” là Go-Jek cũng đã đặt chân vào Việt Nam từ tháng 8, và giành được vị trí nhất định. Đó là chưa kể một loạt ứng dụng gọi xe Việt như Go-Viet, FastGo, VATO…Và mới nhất là sự xuất hiện của EMDDI, ứng dụng kết nối với liên minh bao gồm 17 hãng taxi.

Đại diện "be" khẳng định trên Reuters rằng đã tự coi bản thân là một công ty vận tải. Đây là một động thái khôn ngoan, trong bối cảnh vụ kiện kéo dài hơn 1 năm giữa Grab và Vinasun vẫn đang bị trì hoãn, và chính phủ cũng chưa thể phân loại mô hình của Grab là công ty công nghệ hay vận tải. Tất nhiên, công ty vận tải sẽ đòi hỏi nhiều điều kiện kinh doanh hơn, nhưng lại giúp "be" tránh những rủi ro pháp lý về sau.

Tại lễ ra mắt vừa diễn ra hôm 13/12 ở Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc be Group đã khẳng định: “Việc hợp tác chiến lược với VPBank, OPES và trong tương lai là các đối tác khác nhằm mục đích tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ các đối tác tài xế tối đa, để họ có thể yên tâm mang lại những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của be”.