Đại gia địa ốc “mê” Cty In Sách Giáo khoa Hòa Phát vì điều gì?

VietTimes -- Có quy mô vốn điều lệ tính đến cuối năm 2019 chỉ hơn 18 tỷ đồng, kết quả kinh doanh không quá nổi bật, song CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát lại gây được sự chú ý khi muốn nâng quy mô vốn lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2020. Quá trình đổi chủ của HTInvest phần nào cho thấy sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp bất động sản tới công ty này.

Theo tìm hiểu của VietTimes, việc CTCP HTInvest đổi tên thành CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát (Mã CK: HTP) dường như là động thái lấy lại tên cũ cho công ty này của nhóm cổ đông mới - những pháp nhân và cá nhân đã mua vào lượng lớn cổ phiếu HTP từ nhóm cổ đông cũ hồi đầu năm 2020.

CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát tiền thân là Xí nghiệp In Sách Giáo khoa Hòa Phát thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục) được thành lập từ tháng 4/1996, chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 12/1/2004.

Tại thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006, quy mô vốn của HTP ở mức 9 tỷ đồng, NXB Giáo dục nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tính đến ngày 10/2/2017, HTP có quy mô vốn hơn 14 tỷ đồng.

Trong đó, NXB Giáo dục đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 23,19%. Cơ cấu cổ đông của HTP xuất hiện 3 cổ đông lớn là các cá nhân, bao gồm: bà Nguyễn Thị Dung (sở hữu 23,14%), bà Bùi Minh Hạnh (sở hữu 22,86%) và ông Phạm Quang Hòa (sở hữu 15,99% vốn điều lệ).

Ông Phạm Quang Hòa (SN 1984) còn sở hữu 50% cổ phần tại CTCP BĐS Hoàn Kiếm. Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Nhóm cổ đông lớn thể hiện tiếng nói tại HTP thông qua người đại diện là ông Ngô Trọng Vinh (SN 1964) - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư CMC (Mã CK: CMC) - giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của công ty này.

Ông Vinh cũng là lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp khác như: CTCP Sách giáo dục tại Tp. Hà Nội (EBS); CTCP Sách Giáo dục tại TP. HCM (SGD); CTCP Điện nhẹ Viễn Thông (LTC); CTCP Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục (ECI).

Tới tháng 11/2017, ông Ngô Trọng Vinh bất ngờ từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của HTP và được thay thế bằng ông Bùi Xuân Hồi. Trong năm 2017, HTP thực hiện đồi tên thành CTCP HTInvest, dời trụ sở chính về tầng 16 tòa nhà VCCI Tower, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát có gì đáng thu hút các đại gia bất động sản? (Ảnh chụp màn hình)
CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát có gì đáng thu hút các đại gia bất động sản? (Ảnh chụp màn hình)

Cuộc “ghé thăm” của GFS Group  

Tháng 5/2018, HĐQT HTP quyết định bổ nhiệm ông Phạm Hải Đăng (SN 1987) giữ chức vụ Tổng Giám đốc, ông Mai Văn Thanh (SN 1982) giữ chức Kế toán trưởng.

Cũng trong năm, HTP ký hợp đồng cho vay không kỳ hạn với CTCP Quan hệ Quốc tế - Đầu tư Sản Xuất (CIRI). Theo đó, HTP sẽ cho CIRI vay 12 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm, không có tài sản thế chấp bảo đảm. Tại thời điểm cho vay, số tiền cho vay chiếm tới 66,67% vốn điều lệ, 57% tổng giá trị tài sản của HTP.  Đáng chú ý, ông Phạm Hải Đăng là Phó Tổng Giám đốc của CIRI.

Trên nhiều trang bất động sản, CIRI được giới thiệu tiền thân là Trung tâm Quan hệ Quốc tế - Đầu tư, thành viên của Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 (Cienco 8) và được tiến hành cổ phần hóa vào năm 2005, từng để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực lắp ráp xe máy.

Còn trên trang gfs.com.vn, GFS Group cho biết CIRI là một trong những công ty thành viên của tập đoàn.

Thông tin này phần nào có cơ sở bởi địa chỉ trụ sở chính của tập đoàn cũng chính là trụ sở chính của CIRI, còn địa chỉ văn phòng cũng là nơi HTP đặt trụ sở chính. Mặt khác, ông Phạm Hải Đăng cũng là người đại diện của CTCP Nông nghiệp Hà Nội - GFS, còn ông Mai Văn Thanh là Giám đốc tài chính của Công ty TNHH Five Star Kim Giang (do ông Phạm Thành Công làm người đại diện) - thành viên khác của GFS Group.

Tập đoàn này hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản với loạt dự án mang thương hiệu “Five Star” như: Five Star Garden, Five Star Mỹ Đình, Five Star West Lake, Five Star Hà Đông,…

Phối cảnh dự án Five Star Hà Đông do GFS Group làm chủ đầu tư (Ảnh: Internet)
Phối cảnh dự án Five Star Hà Đông do GFS Group làm chủ đầu tư (Ảnh: Internet)

HQ Investment

GFS Group không phải là đại gia địa ốc dừng lại sau cùng HTP. Bởi, trong những ngày cuối năm 2019 và đầu năm 2020, bà Nguyễn Thị Dung, bà Bùi Minh Hạnh và ông Phạm Quang Hòa đã triệt thoái vốn khỏi HTP, thay thế vào đó là sự xuất hiện của 3 cổ đông lớn khác là: bà Đinh Thị Hoài Thương (16,1%), ông Vũ Lã Mạnh Hào (14,89%) và Công ty TNHH Đà Nẵng HQ Investment (19,14%).

Không lâu sau đó, ngày 15/1/2020, HTP đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường với chỉ 5 cổ đông tham gia, đại diện cho 89,62% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trong đó, thông qua việc miễn nhiệm, bãi nhiệm và bầu thay thế tất cả các thành viên trong HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2019 - 2023. Nhóm cổ đông lớn cho biết mục đích nhằm xây dựng HĐQT mới, có chiến lược phát triển rõ ràng và sáng tạo hơn cho HTP, giúp doanh nghiệp phát triển mạnh hơn so với hiện tại.

Bên cạnh đó, các cổ đông còn thông qua việc đổi tên HTP từ CTCP HTInvest thành CTCP In Sách Giáo Khoa Hòa Phát, chuyển trụ sở về lại địa chỉ số 157 Đường Tôn Đức Thắng, Phường Hòa An, Quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng.

Đến ngày 16/1/2020, HĐQT HTP đã có nghị quyết bầu ông Lê Quốc Kỳ Quang (SN 1980) làm Chủ tịch HĐQT của công ty.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Quang còn là người đại diện của loạt pháp nhân khác như: Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát, CTCP Bất động sản Hòa Phú, CTCP Đồng Nai HQ Investment, Cty TNHH Thương mại Dịch vụ & Quản lý AZ.

Tới ngày 5/3/2020, HĐQT mới của HTP đã bỏ phiếu thông qua việc cho Công ty TNHH Thương Mại Xây dựng Xuân Thiên (Xuân Thiên) vay số tiền tới hơn 13,1 tỷ đồng. Khoản cho vay không thời hạn có lãi suất 8%/năm.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Xuân Thiên được thành lập từ năm 2015, do ông Vương Lũ Tấn Thành (SN 1988) làm Giám đóc.

Vì sao HTP thu hút nhiều sự chú ý?

Quay trở lại với phiên họp ĐHĐCĐ bất thường (ngày 15/1) của HTP, các cổ đông cũng thông qua kế hoạch tái cấu trúc công ty.

Trong đó, nội dung gây nhiều chú ý là việc chuyển đổi nguồn gốc đất tại số 157 Tôn Đức Thắng, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) thành đất thuê 50 năm trả tiền một lần (theo chủ trương của tỉnh), phục vụ hoạt động kinh doanh lâu dài của công ty. Bên cạnh đó, cổ đông còn thông qua nội dung mở rộng lĩnh vực đầu tư của HTP sang một số ngành nghề tiềm năng như: bất động sản, vật liệu xây dựng, truyền thông.

Để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc, các cổ đông cũng thông qua nội dung phát hành thêm 15 triệu cổ phần với giá tối thiếu 10.000 đồng/cổ phần để thu về tối thiểu 150 tỷ đồng trong năm 2020. Hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, dường như nhóm cổ đông tư nhân nắm quyền chi phối còn muốn nhiều hơn thế. Bởi trong nghị quyết họp HĐQT hôm 5/3, các thành viên đã thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với quy mô phát hành trên 1.000 tỷ đồng.

Được biết, khu đất 157 Tôn Đức Thắng (Đà Nẵng) có diện tích 3.242,5 m2, có nguồn gốc là của Trường PTCS Hòa Phát II. Năm 1995, Trường PTCS Hòa Phát II chuyển nhượng lại cho Chi nhánh NXB Giáo dục tại Đà Nẵng (tiền thân của HTP) và được UBND huyện Hòa Vang cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho Chi nhánh NXB Giáo dục tại Đà Nẵng./.