Đại gia bán lẻ Hàn, Nhật, Thái và kế hoạch phủ kín Việt Nam

Từ việc mở mới các trung tâm thương mại quy mô lớn tại TP.HCM, Hà Nội, các đại gia bán lẻ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan với tham vọng “phủ kín” Việt Nam còn mua lại cổ phần từ những doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Lotte Mart Hà Nội Center. Ảnh: TL
Lotte Mart Hà Nội Center. Ảnh: TL

Lotte bành trướng 

Trong nỗ lực thâm nhập sâu rộng vào thị trường bán lẻ Việt Nam, mới đây Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã quyết định mua lại 70% cổ phần tòa cao ốc Diamond Plaza (TP.HCM), cải tạo 57.000 m2 của tòa nhà để mở các cửa hàng.

Tòa nhà Diamond Plaza có 22 tầng bao gồm tầng hầm đi vào hoạt động từ tháng 8/2000, dự án có vốn đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu USD. Hiện giá thuê mặt bằng bán lẻ và văn phòng tại đây được xếp vào hạng A tại TP.HCM. Tòa nhà này còn kinh doanh căn hộ dịch vụ cho thuê, khách hàng chủ yếu là người nước ngoài.

Năm 2014 vừa qua, sau 7 năm vào Việt Nam, Lotte cũng đã chính thức mở rộng địa bàn hoạt động tại Hà Nội. 

Cụ thể, hồi đầu năm, Lotte Mart đã đạt được thỏa thuận thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) của trung tâm thương mại Mipec Mall (Pico Mall trước đây).

Không lâu sau đó, Lotte đã chính thức khai trương trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội và thứ 8 tại Việt Nam, Lotte Mart Hà Nội Center tại 54 Liễu Giai. 

Các trung tâm thương mại khác của Lotte tại Vũng Tàu, Cần Thơ... cũng được triển khai rầm rộ trong năm 2014. Tất cả đều có diện tích sàn rất lớn, từ 10.000 m2 trở lên và có vốn đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/mỗi trung tâm.

Đại diện Lotte từng cho biết, đến năm 2020 Lotte sẽ khai trương 60 trung tâm thương mại tại thị trường Việt Nam.

Đối lập với sự bành trướng của Lotte, một nhà bán lẻ khác cũng đến từ Hàn Quốc Parkson lại co cụm khi bất ngờ đóng cửa trung tâm thương mại tại Keangnam vào những ngày đầu năm 2015 với lý do chưa ngày nào đạt doanh thu như kế hoạch đề ra, các gian hàng cũng phải chịu những khoản lỗ lớn.

Aeon khai trương trung tâm thương mại tại Việt Nam sau 5 năm đặt văn phòng đại diện

Aeon và kế hoạch dài hơi

Aeon (Nhật Bản) tuy chính thức khai trương tại Việt Nam vào đầu năm 2014 nhưng trước đó đã đặt văn phòng đại diện từ năm 2009, tức là cách đây 5 năm. Khoảng thời gian này đủ để Aeon khảo sát, nghiên cứu xu hướng mua sắm, tiêu dùng của người Việt. 

Theo đó, tập đoàn này đã đặt ra chiến lược kinh doanh là "bám" lấy tâm lý thích dùng hàng Nhật của người Việt, lên phương án kinh doanh 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt, còn lại là hàng hóa nhập từ các nước khác. 

Lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam, Aeon xuất hiện với cụm trung tâm thương mại theo mô hình trọn gói On-stop shopping ở Tân Phú (TP.HCM) với mức đầu tư 109 triệu USD. 

Sau đó là các trung tâm thương mại tại Bình Dương, Long Biên (Hà Nội), Bình Tân (TP.HCM). 

Đặc biệt, trung tâm thương mại tại Long Biên (Hà Nội) dự kiến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động vào năm 2015 với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1,1 triệu m2, bao gồm nhiều hạng mục như trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng làm việc, khu thể thao…

Mới đây, Aeon cũng “gây sóng” trên thị trường bán lẻ với thông tin nắm giữ 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Trong khi Fivimart với chuỗi 18 siêu thị bán lẻ ở khu vực phía Bắc và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30 siêu thị trên toàn quốc và Citimart với gần 30 siêu thị ở sáu tỉnh thành của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Nha Trang, Bình Dương, Kiên Giang.

Việc hợp tác song song với hai doanh nghiệp có sẵn mạng lưới sẽ lập tức giúp Aeon “phủ sóng” tới các đô thị ở khắp Việt Nam.

Theo kế hoạch dự kiến đến năm 2020, Aeon sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn ở Việt Nam.

Đại gia bán lẻ người Thái "đổ bộ" thị trường Việt Nam 

Đại gia Thái Lan “đổ bộ”

Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2012, Công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev đã chọn cách nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam.

Tiếp đó là hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart, thương hiệu lâu đời của BJC).

Giữa 2014, công ty này đã tạo bất ngờ khi công bố chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được xem là vụ mua bán, sáp nhập quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay.

Trong khi tập đoàn Central Group của gia đình Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan cũng đã đặt chân vào Việt Nam với việc mở trung tâm mua sắm tại Hà Nội đầu tháng 4/2014, mang tên Robins.

Mới đây, Power Buy, đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group cũng đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT), đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Theo đại diện của công ty này, việc mua cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp công ty mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.

Không chỉ tham gia vào thị trường bán lẻ các đại gia Thái Lan đang xây dựng nền móng vững chắc tại các lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam như sản xuất thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp…

Theo: BizLive