Đại diện VNPT: "Xây dựng đô thị thông minh không nên xem là phong trào"

VietTimes -- Trả lời phỏng vấn VietTimes và các phóng viên bên lề Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử, ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc công ty CNTT tập đoàn VNPT cho rằng Chuyển đổi số đang diễn ra trên khắp thế giới. Một trong các xu hướng Chuyển đổi số là Đô thị Thông minh.

ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc công ty CNTT tập đoàn VNPT
ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc công ty CNTT tập đoàn VNPT

VietTimes: Đến với hội thảo Chính phủ Điện tử năm nay, VNPT đã giới thiệu giải pháp gì và nó có lợi ích gì cho chính phủ trong việc phát triển Chính phủ Điện tử?

Với vai trò là doanh nghiệp nhà nước chủ đạo về Viễn thông và CNTT, Tập đoàn VNPT đã phát triển, triển khai cho nhiều cơ quan Bộ ngành địa phương các sản phẩm, dịch vụ được quy hoạch, kết nối, liên thông trong hệ sinh thái Chính phủ điện tử hoàn chỉnh, đến với hội thảo về Chính phủ điện tử được tổ chức tại TP Huế 2019, VNPT tập trung vào giới thiệu giải pháp định danh công dân điện tử nhằm hỗ trợ phát triển cho Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, chúng tôi có tham gia tọa đàm về các thách thức gặp phải và giải pháp để phát triển cổng dịch vụ công quốc gia giai đoạn 2015-2021.

Quý vị có thể tìm hiểu các sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái Chính phủ điện tử đã được VNPT phát triển, triển khai cho các khách hàng Bộ ngành địa phương tại quầy giới thiệu của VNPT như sau:

- VNPT-eCabinet: Giải pháp phòng họp không giấy tờ

- VNPT- VXP: Giải phápNền tảng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu

- VNPT-IOC: Giải pháp Trung tâm chỉ đạo điều hành

- VNPT-iGate: Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử VNPT iGate

- VNPT-iOffice: Hệ thống quản lý văn bản điều hành

- VNPT-Portal: Giải pháp cổng thông tin điện tử

- VNPT-CCVC: Hệ thống quản lý cán bộ công chức viên chức

- Và nhiều dịch vụ khác...

Bên cạnh đó, đến với hội thảo hôm nay VNPT còn giới thiệu giải pháp Cổng thông tin công bố quy hoạch. Đây là giải pháp thuộc nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong việc xây dựng đô thị thông minh, đã được đưa ra trong Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Giải pháp này cung cấp công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định chỉ tiêu xây dựng, quy định giá đất đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt; giúp cho các tổ chức và cá nhân dễ dàng tiếp cận thông tin thông qua môi trường mạng internet.

Để các mô hình thành phố thông minh sớm trở thành hiện thực, ông có khuyến cáo gì với các cơ quan quản lý nhà nước?

Trong xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các quốc gia đang phát triển. Các nền kinh tế trên toàn thế giới hiện nay đang được dẫn dắt bởi công nghệ số, nên đây là ưu tiên phát triển hàng đầu của các quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số. Một trong các xu hướng chuyển đổi số nổi bật là phát triển các đô thị theo mô hình thành phố thông minh. Theo quan điểm của chúng tôi, xây dựng đô thị thông minh không nên xem là phong trào, là khuôn mẫu mà nó phải được triển khai dưới các nhu cầu tất yếu để giải quyết các yêu cầu bức thiết của mỗi đô thị hay khu vực dân cư.

ông Hà Thái Bảo trả lời phỏng vấn các phóng viên
ông Hà Thái Bảo trả lời phỏng vấn các phóng viên

Mỗi Tỉnh hay Thành phố khi xây dựng đô thị thông minh cần có sự nghiên cứu thận trọng, chặt chẽ; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về phát triển đô thị thông minh; có sự chỉ đạo thống nhất giữa Lãnh đạo các cấp của Tỉnh, của Thành phố đảm bảo phù hợp với xu hướng chung, điều kiện của đô thị; có kế hoạch và lộ trình cụ thể cùng các bước đi vững chắc nhằm phát huy tối đa các nguồn lực và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển đô thị theo hướng ngày càng thông minh hơn.

Xin ông nói rõ hơn về giải pháp cho sự liên thông giữa Chính phủ Điện tử và Thành phố thông minh tại Việt Nam trong tương lai?

Tại Việt Nam, xây dựng chính phủ điện tử để tiến tới chính phủ số, xã hội số và đô thị thông minh là hai xu hướng gắn kết với nhau ở quá trình chuyển đổi số và đều hướng tới mục tiêu chung là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.

Trong xu hướng đó, VNPT đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, áp dụng, cải tiến các cơ chế quản trị, chính thức tổ chức triển khai Chiến lược VNPT 4.0 với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và Trung tâm giao dịch số tại Đông Nam Á và Châu Á. VNPT đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Tập đoàn theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh; Xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số.

Hội thảo quốc gia về Chính phủ Điện tử 2019 do IDG phối hợp với Hội Truyền thông Số Việt Nam và Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức
Hội thảo quốc gia về Chính phủ Điện tử 2019 do IDG phối hợp với Hội Truyền thông Số Việt Nam và Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức

Một trong những thách thức đối với việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam là việc chưa hình thành nên các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan trong khi việc xây dựng ĐTTM có tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng đang bị phân tán, cát cứ tại nhiều ngành, số lượng các ứng dụng, dịch vụ được tích hợp còn thấp, chưa kết nối liên thông.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để xây dựng đô thị thông minh là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Để có thể giải quyết những thách thức trên, VNPT mong muốn các Bộ Ngành chủ trì đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam sớm ban hành các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí phục vụ cho việc phát triển đô thị thông minh. Các Tỉnh/TP đẩy mạnh các chương trình, dự án triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung tạo nên nền tảng cho việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ có tính chất liên ngành của một đô thị thông minh. Đối với vấn đề về nguồn lực, các đô thị cần xác định những lĩnh vực trọng tâm phù hợp với đặc thù, tiềm lực, có tính cấp thiết cao của mình để có thể tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, các đô thị có thể nghiên cứu và thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP). Đây là giải pháp hiệu quả nhiều nước trên thế giới đang áp dụng để khắc phục bài toán thiếu hụt nguồn lực đầu tư. Một vấn đề cũng rất quan trọng trong xây dựng chính phủ số và đô thị thông minh là cần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin riêng tư và kiểm soát được sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ.

VNPT muốn gửi gắm thông điệp gì tại Hội thảo này thưa ông?

VNPT đến với Hội thảo này với mong muốn mang đến một thông điệp là đối tác tin cậy với nhiều khách hàng trong sứ mệnh phát triển chính phủ điện tử và đô thị thông minh để phục vụ công dân, doanh nghiệp ngày hiệu quả, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.