Đại chiến iPhone chính thức bắt đầu

Chính Apple đang âm thầm thúc đẩy sự cạnh tranh giữa những đối tác sản xuất iPhone của mình. Mức độ so kè giữa Foxconn, Pegatron và LuxShare đang dâng cao chưa từng có.

Áp lực cạnh tranh giữa các công ty trong dây chuyền sản xuất iPhone chưa bao giờ gay gắt như vậy.

Vào tháng 7 vừa qua, Wistron, hãng sản xuất iPhone lớn thứ ba thế giới bán nhà máy của họ tại thành phố Côn Sơn, tỉnh Tô Châu cho công ty Luxshare của Trung Quốc. Đây được đánh giá là động thái để Wistron dần rời khỏi Trung Quốc và tập trung vào sản xuất tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, việc Luxshare, đối tác vốn đang đảm nhiệm sản xuất nhiều phụ kiện của Apple như AirPods, EarPods, mua lại được nhà máy sản xuất iPhone sẽ khiến cho Pegatron và Foxconn đau đầu.

Pegatron, Foxconn dồn lực để cạnh tranh


Pegatron là đối tác lắp ráp iPhone lớn thứ hai của Apple, chỉ sau Foxconn. Với sức ép từ Luxshare, vị thế của Pegatron cũng có thể bị ảnh hưởng. Theo Bloomberg, Pegatron sẽ mua lại công ty sản xuất khung vỏ Casetek để có thể cạnh tranh tốt hơn với Luxshare.

Wistron, một trong ba đối tác sản xuất iPhone đã bán lại nhà máy ở Côn Sơn, Trung Quốc cho Luxshare. Ảnh: Wistron.

"Pegatron đang cố gắng tăng sức mạnh mảng linh kiện để phòng ngự trước sự vươn lên của Luxshare. Họ sẽ cắt giảm được nhiều với việc mua lại Casetek", nhà phân tích Jeff Pu của GF Securities nhận định.

Foxconn cũng không hề chủ quan trước đối thủ đến từ Trung Quốc đại lục. Trong buổi họp báo thông báo tình hình kinh doanh quý vừa qua, Chủ tịch Foxconn Young Liu cho biết công ty này cũng tập trung vào các công ty linh kiện để tăng lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ông Liu cũng cho biết Foxconn, đối tác sản xuất của Apple và rất nhiều công ty khác trên thế giới, đang có kế hoạch chia tách chuỗi cung ứng để phục vụ riêng rẽ thị trường Trung Quốc và thị trường Mỹ.

"Không cần biết là Ấn Độ, Đông Nam Á hay Mỹ, mỗi nơi sẽ có một hệ sinh thái sản xuất. Mặc dù Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong đế chế sản xuất của Foxconn, những ngày Trung Quốc là công xưởng thế giới đã kết thúc", Bloomberg dẫn lời Chủ tịch Young Liu của Foxconn nói với các phóng viên sau khi công bố báo cáo tài chính.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp là lý do Foxconn nhận định chuỗi cung ứng toàn cầu giờ đã chia làm hai. Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đưa ra nhiều ưu đãi cho các công ty trong nước để xây dựng chuỗi cung ứng ở nội địa Trung Quốc.

Chủ tịch Young Liu của Foxconn cho biết công ty này đang có những chiến lược mới để cạnh tranh hơn khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp diễn. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ lại đánh thuế cao đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhập khẩu vào nước này. FIH Mobile, công ty con của Foxconn niêm yết tại Hong Kong cảnh báo những xung đột này sẽ ảnh hưởng tới các công ty không đặt trụ sở tại Trung Quốc đại lục.

"Kẻ khó chịu" Luxshare


Luxshare không còn xa lạ với những lãnh đạo của Foxconn. Công ty này được thành lập từ năm 2004, với tiền thân là một công ty xuất nhập khẩu linh kiện điện tử những năm 1990. Bà Grace Wang, người sáng lập Luxshare từng là công nhân ở công ty "anh em" của Foxconn có tên Foxlink, và đã thăng tiến tới vị trí quản lý khi rời đi vào thập niên 1990.

Từ lâu, các lãnh đạo của Foxconn đã để mắt tới Luxshare, vì họ tin rằng bà Wang có nhiều phẩm chất giống người sáng lập Foxconn Terry Gou.

"Chúng tôi đã theo dõi Luxshare nhiều năm nay. Các phẩm chất của Grace Wang có nhiều điểm giống với Terry - bà ấy có ý chí rất mạnh mẽ, học hỏi nhanh, và sở hữu một đội ngũ tham vọng và có tính cạnh tranh", Nikkei dẫn lời một lãnh đạo tại Foxconn.

Bà Grace Wang từng làm việc tại Foxlink, công ty "anh em" của Foxconn, nhưng đã mở công ty riêng từ thập niên 1990. Ảnh: Luxshare.

Trong 5 năm qua, doanh thu của Luxshare đã tăng tới 5 lần, đạt mức 8,89 tỷ USD. Công ty này giờ đây trở thành đối tác của nhiều gã khổng lồ công nghệ khác như Microsoft, Google, Amazon, HP hay Dell.

"Ông Young Liu cũng phải quan tâm tới diễn biến giá cổ phiếu Luxshare, vì giá trị vốn hóa của công ty này đã vượt Foxconn", một lãnh đạo khác trong chuỗi cung ứng iPhone chia sẻ với Nikkei.

Trước khi mua lại nhà máy iPhone của Wistron, Luxshare đã cung ứng hàng loạt linh, phụ kiện cho Apple. Danh sách này bao gồm các mẫu tai nghe, bộ rung, loa, linh kiện sạc không dây và cả antenna. Những linh kiện của Luxshare xuất hiện trên sản phẩm Apple ngày càng quan trọng và đắt tiền hơn.

Khả năng cung cấp linh kiện sâu rộng giúp hội nhập theo chiều dọc trong chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Đó là cách mà Foxconn đã áp dụng để có được sức mạnh như ngày hôm nay.

Không chỉ theo đuổi chiến lược kinh doanh, Luxshare cũng học hỏi Foxconn khi mở rộng sản xuất ra Đông Nam Á và Ấn Độ.

Luxshare như một con nhặng khó chịu, bám theo Foxconn khắp nơi, muốn làm mọi thứ mà Foxconn đang làm và chấp nhận làm những thứ mà Foxconn không làm tốt lắm

Nikkei dẫn nhận định từ một người nắm rõ tình hình của Foxconn

"Luxshare giống như một con nhặng khó chịu vậy, rất khó đuổi đi và theo Foxconn khắp nơi. Họ muốn làm mọi thứ mà Foxconn đang làm, và chấp nhận làm những thứ mà Foxconn không làm tốt lắm", Nikkei dẫn lời một người nắm rõ tình hình của Foxconn.

Bà Wang từng nhận xét rằng các công ty có trụ sở tại Đài Loan có sự chuyên nghiệp và kỷ luật quản lý chuỗi cung ứng tốt. Tuy nhiên, bà cho rằng các công ty này thua kém Luxshare ở tốc độ, sự "máu chiến" và "tính cách của loài sói", một lãnh đạo trong ngành cung ứng kể lại.

Là công ty Trung Quốc, Luxshare sẽ nhận rất nhiều ưu đãi từ chính phủ nước này, cho phép họ đầu tư mạnh hơn trong tương lai gần. Luxshare cũng thu hút nhiều nhân sự chủ chốt từ Foxconn như thư ký hội đồng quản trị David Huang, một cựu lãnh đạo của Foxconn.

Apple muốn hưởng lợi từ sự cạnh tranh


Đối với Apple, việc Luxshare mạnh lên và có thể sản xuất iPhone là một tín hiệu tốt với họ. Foxconn hiện vẫn là đối tác sản xuất lớn nhất của Apple, làm ra hơn 50% số lượng iPhone. Apple muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Foxconn, và cách hợp lý nhất là thúc đẩy khả năng của các đối tác khác.

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, Apple đã khuyên Luxshare đầu tư mạnh vào các nhà cung cấp khung vỏ cho iPhone và MacBook. Luxshare đã đàm phán với Catcher Technology, nhà cung cấp vỏ kim loại lớn thứ hai thế giới, trong hơn 1 năm qua và sắp tiến tới những bước thỏa thuận tiếp theo.

Apple sẽ cần đa dạng hóa nguồn cung iPhone để giảm thiểu rủi ro trong chiến tranh thương mại. Ảnh: AP.

"Apple khuyến khích Luxshare đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh nhằm cân bằng với Foxconn. Họ càng có nhiều nhà cung cấp đạt chuẩn thì càng có thể mặc cả", Nikkei dẫn chia sẻ của một lãnh đạo trong ngành công nghệ.

Sau khi mua lại nhà máy của Wistron, Luxshare đã sẵn sàng tham gia vào dây chuyền sản xuất iPhone toàn cầu, trước đó hoàn toàn do các công ty Đài Loan nắm giữ. Họ còn có thể mua thêm nhiều nhà cung ứng khác để có thêm ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng và với Apple, đối tác chiếm hơn 50% doanh thu của Luxshare.

Năm 2017, CEO Tim Cook từng tới thăm nhà máy sản xuất AirPods của Luxshare tại Trung Quốc và khen ngợi bà Wang là "tiêu biểu của giấc mơ Trung Hoa".

Với sự phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một đối tác Trung Quốc như Luxshare sẽ càng quan trọng với Apple. Các đối tác sẽ giúp Apple đa dạng hóa nguồn cung, tránh bị phụ thuộc vào một nhà sản xuất hay quốc gia nào.

"Apple hoàn toàn biết rõ các buổi thương lượng giữa Luxshare và những đối tác của họ và cho phép điều đó. Rõ ràng Apple đang muốn Luxshare trở thành mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, khi mà mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn", một lãnh đạo trong giới công nghệ chia sẻ với Nikkei.

Các nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ sẽ trở thành "chiến trường" mới của các đối tác lắp ráp iPhone. Ảnh: HOPLUC CONSTRUCTION.

Cuộc chiến giữa Luxshare và các công ty Đài Loan sẽ không dừng lại ở nhà máy Trung Quốc. Những khu vực mới như Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là các "chiến trường" mới, khi mà Trung Quốc không còn là công xưởng thế giới.

"Không rõ các công ty Trung Quốc có thể thành công không nếu như họ phải quản lý các nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Họ cần thêm thời gian để chứng minh rằng mình vẫn có sức cạnh tranh như khi hoạt động trong nước", nhà phân tích Sean Kao của IDC nhận định.

Theo Zing