Đại biểu Quốc hội: Chống tiêu cực nhưng cũng cần quan tâm việc xây dựng, để ngành y tế mạnh hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tại cuộc họp Quốc hội chiều nay, 29/5, nhiều vấn đề “nóng” của ngành y tế đã được các đại biểu thẳng thắn chỉ ra, cùng với đề nghị cần quan tâm đúng mức việc xây dựng ngành y và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Nhiều vấn đề “nóng” của ngành y tế đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra tại phiên họp toàn thể chiều nay, 29/5
Nhiều vấn đề “nóng” của ngành y tế đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra tại phiên họp toàn thể chiều nay, 29/5

“Chống” nhưng cũng phải “xây”

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng đại dịch COVID-19 vừa qua là phép thử cho thấy hiện trạng và thực lực của ngành y tế. Trong quản lý, chưa phân biệt được dịch bệnh chưa gặp lần nào với dịch bệnh thông thường. Với những quy định pháp luật vào thời điểm đó, khó có thể thực hiện mua được vaccine.

“Vướng mắc là ở quy chế đấu thầu. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu đang được thảo luận cũng chưa thấy cách nào để gỡ rối. Đến nay, trong tình trạng bình thường mà các cơ sở điều trị còn thiếu thuốc, thiếu vaccine…thì không biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục?” - đại biểu Lan đặt vấn đề.

Phạm Khánh Phong Lan.jpeg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Cần nhìn lại những chính sách chưa phù hợp

Bà Phong Lan nhận định còn nhiều điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch. Ngoài ra, cần nhìn lại những chính sách như trong lúc thiếu vaccine lại không cho phép tiêm dịch vụ, hay lúc thiếu thuốc điều trị thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp số đăng kí thuốc, dẫn đến tình trạng mua bán bên ngoài và đẩy giá.

Đồng tình với chủ trương chống tiêu cực, nhưng bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng trong báo cáo về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần bổ sung đánh giá để cân bằng giữa xây và chống. Chống tiêu cực nhưng cũng cần quan tâm đúng mức việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành y tế mạnh hơn, để có thể chống dịch ngay lúc đó và sau này.

“Đề nghị quan tâm xây dựng nền y tế, phải có những cơ chế và bảo vệ cho người làm” - bà Lan nói.

Cần đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý các khúc mắc

Hồi tưởng lại giai đoạn đại dịch COVID-19, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh cần cơ chế phân cấp hợp lý trong ứng phó với dịch bệnh, giao thẩm quyền cho Chính phủ phân cấp cho UBND các tỉnh, thành trong trường hợp “chống dịch như chống giặc”, khẩn cấp và không chồng lấn, để phản ứng kịp thời, giúp đỡ người dân tốt nhất, tránh “nước xã không cứu được lửa gần”.

TO THi Bich Chau.jpeg
Đại biểu Tô Thị Bích Châu

Bây giờ, việc cần làm là hàn gắn những vết thương, hoàn thiện chính sách và đội ngũ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn. “Đặc biệt, cần rà soát, mở rộng để có quy định vinh danh những hành động đột xuất, những nghĩa cử cao đẹp, ủng hộ tài lực, vật lực, những tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp chắt chiu đóng góp ủng hộ cho các nguồn quỹ chống dịch, chăm lo cho hệ thống y tế hoặc các túi an sinh cho người dân” - bà Châu nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), khó khăn hiện nay đến từ thể chế chưa đột phá, bộ máy chưa thông suốt, tài chính chưa rõ ràng, việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn còn chậm. Do đó, cần tháo gỡ để đẩy nhanh tốc độ cải cách, hoàn thiện thể chế.

Xuân.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân

Bà Xuân kiến nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, giải quyết khó khăn của các địa phương, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các tỉnh, thành phố và kịp thời sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm xã hội.

“Ngoài ra, báo cáo cần bổ sung nội dung đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý các vấn đề khúc mắc, để Nghị quyết 30 của Chính phủ “Về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế” là cơ sở vững chắc cho lực lượng tuyến đầu trong và sau đại dịch. Việc thể hiện nội dung này không chỉ để xét đoán đúng sai, mà còn thể hiện đạo lý, tình người, cụ thể hóa kết luận của Đảng về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm” - đại biểu Xuân nêu ý kiến.

Cơ chế chính sách với y tế cơ sở còn bất cập

Cũng là người trong ngành y, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đề nghị cần ban hành ngay quy định lương và phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở. Chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm, chế độ phụ cấp cũng áp dụng đã hơn 10 năm.

Theo bà Hà, Nghị định 85 về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập từ 2012 nay đã hết hiệu lực, vì thế, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về những vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế, trong đó chú trọng phân loại từng mức độ tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ với trạm y tế.

Nhi Ha.jpeg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà

Cùng quan điểm với bà Nhị Hà, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cũng nêu quan điểm cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc của y tế cơ sở. Vì hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng gặp nhiều khó khăn. Cơ chế chính sách với y tế cơ sở, y tế dự phòng còn nhiều bất cập, cần phải sớm có giải pháp khắc phục. Số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp. Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về các trạm y tế rất khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao; nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông…

Thanh.jpeg
ĐBQH Phạm Đình Thanh

Ông Thanh đề nghị bổ sung cơ chế để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng./.