Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Nghỉ hưu sớm khiến lương hưu thấp

VietTimes -- Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, lương hưu của người lao động rất thấp do quá trình đóng ít, nghỉ hưu sớm, khiến thời gian hưởng lâu, từ đó không đảm bảo đời sống khi tuổi già,
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo.

 Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng nay 15/5, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, không có quy định nào đánh đồng tất cả người lao động về hưu ở tuổi 62 đối với nam và 60 đối với nữ.

Quy định của Luật điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với 3 nhóm đối tượng.

Thứ nhất, với nhóm người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, quy định sẽ tăng tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chưa được quyết định.

Thứ hai, nhóm người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm việc trong điều kiện độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm và những ngành nghề đặc biệt do Chính phủ quy định, được giảm 5 tuổi nghỉ hưu.

Thứ ba, nhóm người làm lao động quản lý có trình độ giỏi, chuyên môn tốt và các trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể, được tiếp tục công tác không quá 5 năm sau tuổi hưu.

Ông Lợi cũng đặt ra vấn đề cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu, bởi theo nhiều thống kê, lực lượng lao động mới bổ sung mỗi năm tại Việt Nam đã giảm tới 50% (từ 1 triệu người xuống còn hơn 500 nghìn người). Nếu không tăng độ tuổi nghỉ hưu kịp thời, Việt Nam sẽ không đủ nhân lực để phát triển kinh tế, xã hội.

Toàn cảnh buổi hội thảo
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là những vấn đề được xã hội quan tâm

Bên cạnh đó, việc nghỉ hưu sớm khiến người dân hưởng lương hưu trí thấp, thời gian hưởng kéo dài, không đủ trang trải cuộc sống tuổi già, phải đi làm thêm, trong khi xã hội vẫn rất cần nhân lực để tập trung sản xuất.

Vì vậy, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị người lao động nghiên cứu kỹ dự thảo luật và tiếp tục cho ý kiến về độ tuổi nghỉ hưu.

Tháng 4/2019, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố dự thảo Luật lao động sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp. Lần này, bộ Luật được sửa đổi cơ bản và toàn diện, nhằm đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia như CPTPP, EVFTA.

Theo đó, Dự thảo gồm 17 chương, 221 điều sẽ được giảm 21 điều so với hiện hành. Sửa đổi, bổ sung khoảng 170 điều trong tất cả các chương, sửa đổi 2 điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu...