Đại án OceanBank: Nghi ngờ khoản vay 500 tỷ được giải ngân trước khi ký Biên bản 3 bên

VietTimes – Đại diện Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) đưa ra 5 lý do để chứng minh cho quan điểm Biên bản ba bên – nếu thực sự tồn tại – cũng không làm phát sinh nghĩa vụ của ngân hàng Đại Tín đối với khoản vay 500 tỷ của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank, Mã: OJB).
Bà Vũ Thị Hương Thảo, đại diện của CB trong phiên tòa 21/9.
Bà Vũ Thị Hương Thảo, đại diện của CB trong phiên tòa 21/9.

Tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan  đối với khoản vay 500 tỷ ngày 23/11/2012 của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (“Công ty Trung Dung”) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương, gọi tắt là Ngân hàng Đại Dương), người đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) đã đưa ra quan điểm về Thỏa thuận ba bên giữa Ngân hàng Đại Dương- Công ty Trung Dung và Ngân hàng Đại Tín.

Bà Vũ Thị Hương Thảo, người đại diện theo ủy quyền của CB, khẳng định không tồn tại Biên bản ba bên trong hệ thống dữ liệu của Ngân hàng: “Như tôi đã trình bày ở phần xét hỏi trong hồ sơ lưu đến thời điểm hiện nay không có bất kỳ dữ liệu nào cho thấy có văn bản cam kết nói trên tồn tại trong hệ thống dữ liệu của Ngân hàng Đại Tín trước đây và CB hiện nay”.

“Tại phiên tòa các bên liên quan nói rất nhiều về trách nhiệm của NH Đại Tín phát sinh từ các cam kết trong biên bản ba bên, và cho rằng chúng tôi đã lẩn tránh trách nhiệm khi nói rằng biên bản này không hề tồn tại trong hệ thống dữ liệu của ngân hàng, do đó ngân hàng không có cơ sở để xem xét hay thực hiện.

Thực tế, chúng tôi đã cung cấp các thông tin, tài liệu và trả lời là hoàn toàn đúng sự thật. Chúng tôi không hề lẩn tránh mà chúng tôi đã và đang đối diện với câu chuyện này”, đại diện CB trình bày.

Theo bà Thảo, ngày 24/09/2014, Ngân hàng Xây Dựng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Đại Dương cung cấp một bộ hồ sơ sao y bản chính văn bản cam kết nêu trên và các tài liệu, chứng từ có liên quan. Tuy nhiên, ngày 06/10/2014, NH Đại Dương chỉ cung cấp bản copy Biên bản cam kết số 03/2012/BB-3.

“Trước khi phân tích tính pháp lý của Biên bản này, thay vì phải nói đến cụm từ nếu có tồn tại bản chính của Biên bản này thì tôi đề nghị các bên liên quan ở đây là NH Đại Dương và công ty Trung Dung có nhận được và lưu giữ bản chính của Biên bản này hãy xuất trình cho Hội đồng xét xử, vì theo bản photo biên bản ba bên có nội dung biên bản này được lập thành 3 bản chính, mỗi bên giữ 1 bản và có giá trị pháp lý như nhau, chứ không phải chỉ có một bản chính”, bà Thảo đề nghị.

Đặc biệt, theo nữ đại diện của CB, giả định rằng có tồn tại Biên bản cam kết số 03/2012/BB-3 với nội dung và hình thức như bản copy mà Ngân hàng Đại Dương cung cấp thì Biên bản này cũng không làm phát sinh nghĩa vụ của ngân hàng Đại Tín.

500 tỷ đồng được giải ngân trước khi có Biên bản ba bên?

Để bảo vệ cho quan điểm “không làm phát sinh nghĩa vụ của ngân hàng Đại Tín”, người đại diện theo ủy quyền của CB đã đưa ra 5 lý do.

Thứ nhất, người ký Biên bản là ông Trần Sơn Nam – với chức vụ Tổng giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Đại Tín tại thời điểm ký Biên bản.

Căn cứ các hồ sơ pháp lý của Ngân hàng Đại Tín, trong khoảng thời gian từ 14/11/2011 (Giấy ĐKKD thay đổi lần thứ 24) đến 20/2/2013 (Giấy ĐKKD thay đổi lần thứ 25) thì Người đại diện theo pháp luật của NHTMCP Đại Tín là ông Hoàng Văn Toàn – chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Và ông Trần Sơn Nam cũng không được sự ủy quyền nào từ ông Hoàng Văn Toàn để ký biên bản này, trong nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc cũng không có thẩm quyền này.

“Như vậy, căn cứ các điều 86, 141, 145 Bộ luật dân sự 2005 việc ông Trần Sơn Nam ký văn bản này không làm phát sinh nghĩa vụ đối với ngân hàng Đại Tín”, bà Thảo nêu quan điểm.

Thứ hai, xét về nội dung của biên bản này (dựa trên bản photo đã nhận được), CB nhận thấy Biên bản này có rất nhiều điểm bất hợp lý.

Biên bản số 03 yêu cầu Ngân hàng Đại Tín phong tỏa tài khoản đối với khoản vay theo HĐ tín dụng số 0089/2012/HDTD1/OCEANBANK 01, tuy nhiên theo hồ sơ vụ án thì Hợp đồng tín dụng mà Ngân hàng Đại Dương cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ là HĐ tín dụng số 0089/2012/HDTD2/OCEANBANK 01. Như vậy, có thể nhận thấy đây là 2 hợp đồng tín dụng khác nhau và Đại Tín ngay cả khi nhận được Biên bản cam kết, biên bản được ký đúng thẩm quyền cũng không thể thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản đối với khoản vay 500 tỷ theo HĐ tín dụng số 0089/HDTD2/OCEANBANK 01 được.

“Tôi tin rằng các bên liên quan sẽ giải thích đây là lỗi đánh máy, nhưng ngay cả trong trường hợp là lỗi đánh máy thì nếu ngân hàng Đại Tín nhận được văn bản này thì các bộ phận chuyên môn cũng không thể tự hiểu hai số hợp đồng này là 1 và chắc chắn phải có văn bản yêu cầu OJB đính chính hoặc xác nhận thì mới có thể thực hiện nghiệp vụ phong tỏa”, bà Thảo trình bày.

Cũng theo nữ đại diện này: Trong HĐ tín dụng số 0089/HDTD2/OCEANBANK 01, đã bỏ trống tất cả các nội dung cần thiết cơ bản về phương thức giải ngân (Điều 2.2 Hợp đồng) như cách thức nhận vốn vay, tiến độ rút vốn vay. Do đó, hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về việc đây có phải là một giao dịch dân sự được xác lập một cách giả tạo không.

Thứ ba, tại Điều 2 của Biên bản này quy định về cam kết của Đại Tín như sau: “Bên B cam kết chỉ giải tỏa số tiền trên khi có văn bản của bên A thông báo về việc bên C không cung cấp đầy đủ hồ sơ giải ngân đối với khoản vay của bên C tại bên A theo HĐTD số 0089/HDTD1/OCEANBANK 01”.

“Quy định này có nghĩa là gì? Có nghĩa là chỉ có 1 trường hợp duy nhất giải tỏa số tiền trên khi bên C không cung cấp đủ hồ sơ giải ngân cho khoản vay, và việc giải tỏa là để chuyển khoản tiền này về lại OJB. Có nghĩa là, các bên đã xác định không có việc giải ngân cho bên C ngay cả khi bên C cung cấp đầy đủ hồ sơ giải ngân, bên C sẽ không được giải tỏa số tiền 500 tỷ này trong bất kỳ trường hợp nào, vậy thì công ty Trung Dung có cần thiết phải cung cấp đủ hồ sơ giải ngân hay không khi việc cung cấp đủ cũng không có tác dụng gì? Với nội dung như vậy thì mâu thuẫn với HĐ tín dụng đã ký kết, không phù hợp mục đích của khoản vay theo hợp đồng tín dụng đã quy định. Và như vậy thì biên bản ba bên này có giá trị sử dụng hay không? Nếu Biên bản này là ý chí thực sự của các bên thì ngược lại Hợp đồng tín dụng đã ký kết có giá trị pháp lý hay không?”, bà Thảo đặt vấn đề.

Thứ tư, dữ liệu lưu trữ tại Ngân hàng Đại Tín không bất kỳ thông tin nào về việc có khoản tiền 500 tỷ chuyển từ Ngân hàng Đại Dương vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín.

Trong thực tế theo hồ sơ vụ án khoản vay 500 tỷ đã được NH Đại Dương giải ngân cho Trung Dung vào TK số 00421000424639D của công ty Trung Dung tại NHTMCP Ngoại Thương chi nhánh Phú Thọ, tp HCM với nội dung chuyển tiền bù đắp vốn mua tài sản theo HĐCN QSDD số 01/HĐCN giữa công ty Thiên Thanh và công ty Trung Dung, sau đó tiền mới từ tài khoản của Công ty Trung Dung tại NHTMCP Ngoại Thương chi nhánh Phú Thọ, tp HCM chuyển sang tài khoản của Trung Dung tại NH Đại Tín chỉ ghi nội dung là chuyển tiền.

Do đó, dù có nhận được Biên bản cam kết và những thông tin nêu trên là chính xác thì Ngân hàng Đại Tín cũng không có cơ sở để xác định được đây là khoản tiền vay của Trung Dung từ Ngân hàng Đại Dương.

“Tại sao phải chuyển lòng vòng như vậy?”, bà Thảo băn khoăn.

Thứ năm, theo nữ đại diện của CB, “chúng tôi đặt câu hỏi nghi vấn khoản tiền 500 tỷ này có thể được giải ngân trước khi biên bản ba bên được ký kết hay không”.

Bởi lẽ, Biên bản ba bên và Hợp đồng tín dụng đều được ký vào ngày 23/11/2012. Biên bản ba bên ghi địa điểm ký kết tại Ngân hàng TMCP Đại Dương, tức là địa chỉ tại số 199 Nguyễn Lương Bằng – TP Hải Dương.

Trong khi đó, theo lời khai của ông Trần Sơn Nam cho biết ông Nam đã ký biên bản này vào ngày 23/11/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh và ông là người ký đầu tiên, tuy nhiên chưa làm rõ ông Nam ký vào thời điểm nào trong ngày.

Tính chặng đường chuyển văn bản từ khi ông Nam ký tại tp Hồ Chí Minh, nhanh nhất là bay ra Hà Nội, rồi đi ô tô tiếp về Hải Dương.

“Cần làm rõ ông Nam ký vào thời điểm nào của ngày 23/11, tôi đặt giả thiết nếu ông Nam có ký vào đầu giờ làm việc buổi sáng là 8h, sau đó chuyển cho ông Bình ký, thì nhanh nhất là phải khoảng ngoài 9h tài liệu mới lên được máy bay ra HN, đến sân bay Nội bài vào lúc 11h sáng, sau đó di chuyển tiếp khoảng hơn 80 km về địa điểm của Ngân hàng Đại Dương tại tp Hải Dương, mất khoảng 2h, thì lúc đó đã là hơn 1h chiều, đã vào giờ nghỉ trưa. Vậy mà hơn 2h chiều ngày 23/11/2012, khoản tiền 500 tỷ đã kịp đi từ OJB sang Vietcombank – Chi nhánh Phú Thọ rồi đã vào đến tài khoản của Trung Dung tại Đại Tín. Trong khi đó cần lưu ý là thời điểm xảy ra sự việc là cách đây đã 5 năm lúc đó về giao thông cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng không được nhanh chóng và hiện đại như hiện nay”, bà Thảo đặt vấn đề.

Ngoài ra, theo nữ đại diện CB, các bên liên quan còn có thể đã nhận ra điểm bất hợp lý này nên trong Biên bản không số, không ngày sau đó cam kết về việc bổ sung chữ ký phê duyệt của Tổ chức giám sát đã lùi ngày của Biên bản cam kết ba bên này về ngày 22/11/2012./.