Đà Nẵng: Vẫn chưa có “cái kết” cho việc xây cảng Liên Chiểu

VietTimes -- Chiều ngày 7/11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo quốc tế về cảng biển mang chủ đề “Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn TP Đà Nẵng”. Một lần nữa những ý kiến trái chiều về việc xây dựng cảng Liên Chiểu để thay thế cho cảng Tiên Sa, lại diễn ra.
Cảng Tiên Sa đang đón tàu
Cảng Tiên Sa đang đón tàu

Tư vấn chiến lược: Không nên xây cảng Liên Chiểu

 Tại hội thảo, đại diện nhà tư vấn chiến lược cho UBND TP Đà Nẵng - Công ty Surbana Jurong (Singapore) một lần nữa đề nghị Đà Nẵng không xây dựng cảng Liên Chiểu, mà tập trung mở rộng cảng Tiên Sa. 

Theo đại điện Surbana Jurong, nếu mở rộng cảng Liên Chiểu sẽ tác động đến tài nguyên sinh vật vùng vịnh Đà Nẵng, gia tăng ô nhiễm, tác động đến hoạt động du lịch và đời sống của người dân vùng dự án.

“Việc đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ phải thực hiện một loạt các hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, xây dựng đê chắn sóng... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các loại động vật thủy sinh, nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học, mất nguồn lợi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản” – đại diện tư vấn Surbana Jurong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo nhà tư vấn này, trong quá trình hoạt động nếu xảy ra sự cố tràn dầu, phát tán chất thải vào nguồn nước sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm vùng vịnh Đà Nẵng, ngược lên phía thương nguồn sông Cu Đê, khu vực Hòa Bắc, Hòa Ninh. Hơn nữa, khu vực phía Nam chân đèo Hải Vân với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Làng Vân, Bãi rạn Nam Ô, bãi biển Xuân Thiều... là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước cũng bị ảnh hưởng.

Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng - phát biểu tại hội thảo
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng - phát biểu tại hội thảo

Ngoài ra, việc hình thành cảng Liêu Chiểu sẽ kéo theo nhiều vấn đề như: Bắt buộc phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, bến bãi phục vụ hoạt động của cảng; công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ tác động đến đời sống của người dân nằm trong phạm vi giải tỏa; hoạt động của các phương tiện có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa đến cảng và ngược lại, cùng với việc tập trung một số lượng lớn người đến làm việc sẽ gia tăng nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của người dân; khi cảng hoạt động sẽ có một lượng lớn tàu thuyền ra vào khu vực, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến và đi, các khu hậu cần phục vụ cảng... Những điều này có thể tác động xấu đến hoạt động du lịch tại khu vực.

Chính vì vậy, tư vấn Surbana Jurong đề nghị Đà Nẵng không nên xây dựng cảng Liên Chiểu mà tập trung mở rộng cảng Tiên Sa với 14 bến cảng. Đồng thời tăng cường khả năng kết nối từ cảng Tiên Sa đến các tuyến đường vận tải liên tỉnh, liên khu vực phía Tây TP.

“Chúng tôi xem xét cảng Tiên Sa hiện tại là lý tưởng mà tự nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng. Cảng Tiên Sa có tiềm năng mở rộng rất lớn và sẽ được kết nối với bên ngoài qua đường trên cao” – đại diện tư vấn Surbana Jurong nói.

Có hay không xây dựng cảng Liên Chiểu?

 Ngay sau khi đại diện tư vấn Surbana Jurong trình bày, nhiều ý kiến chuyên gia phản biện gay gắt nội dung trên, đồng thời cho rằng Đà Nẵng cần khẩn trương xây cảng Liên Chiểu để bắt kịp nhịp phát triển của địa phương, vì cảng Tiên Sa không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc tư vấn Surbana Jurong đưa ra các dữ liệu để bác bỏ chuyện xây dựng cảng Liên Chiểu hay nâng cấp cảng Tiên Sa là chưa đầy đủ thông tin.

“Cảng Đà Nẵng đã được quy hoạch trong hệ thống cảng biển Việt Nam là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1, đồng thời, được quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực miền Trung (loại 1A) khi có đủ điều kiện. Khi hình thành cảng 1A thì phải xây dựng cảng đủ lớn để cho tàu 100.000 tấn trở lên, tàu container từ 6.000 – 8.000 TEU, cùng với đó là kết nối hạ tầng đảm bảo về đường sắt, đường bộ. Nên nếu chọn mở rộng cảng Tiên Sa lên quy mô cảng 1A để đón tàu 100.000 tấn thì vẫn phải nạo vét đến độ sâu 16 mét và càng ngày càng lấn vào bên trong. Điều này cũng gây áp lực lên giao thông nội đô, bởi nâng cấp cảng thì không chỉ có hàng hóa mà còn có hàng chục nghìn lao động, phương tiện giao thông cá nhân” - ông Nguyễn Minh Khang - Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng đường thủy (TediPort) nói.

Ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cảng Đà Nẵng - cho rằng, cảng Tiên Sa gần như đã hết vòng đời sử dụng, đã thực hiện xong sứ mệnh lịch sử của mình. Đà Nẵng rất cần phải làm cảng Liên Chiểu và Đà Nẵng nên xây dựng ngay từ bây giờ để đến năm 2025 có thể đưa vào sử dụng. Đồng thời, biến cảng Tiên Sa thành một cảng biển xanh, phục vụ du lịch.

Cảng Tiên Sa nhìn từ vịnh Đà Nẵng
Cảng Tiên Sa nhìn từ vịnh Đà Nẵng

Cũng phản biện với tư vấn Singapore, ông Trần Dân- Hiệp hội cầu Đường TP Đà Nẵng - cho rằng, việc mở rộng cảng Tiên Sa phải làm đường, làm cầu quá nhiều là không hợp lý.

“Tôi đề nghị làm cảng Liên Chiểu càng sớm càng tốt, vì sẽ kết nối trực tiếp với tuyến hành lang Kinh tế Đông-Tây, với cao tốc và rất nhiều tiện ích khác” - ông Dân nói.

Còn ông Lê Tấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (CMB) - cho rằng, quy hoạch cảng biển Đà Nẵng cần xác định lại vai trò, tính chất, chức năng của cảng. Trong báo cáo của mình, tư vấn chưa nói đến chức năng, vai trò của cảng biển Đà Nẵng trong tổng thể quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia...

“Phương án cảng Tiên Sa của tư vấn gồm 14 bến với tổng chiều dài 5,8km đường bờ bao gồm cả vùng đất, vùng nước thuộc quốc phòng, hệ thống kho cảng, nơi cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân... Chúng tôi quan ngại với quy mô này sẽ không đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, an ninh năng lượng, trật tự an toàn xã hội...” -  ông Đạt nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị nhà tư vấn sớm khẳng định nên có quyết định ra sao đối với việc nên hay không xây dựng cảng Liên Chiểu.

“Tôi xác định lại với nhà tư vấn, cảng Đà Nẵng là một cụm cảng chứ không phải chỉ là cảng Tiên Sa. Và qua cuộc họp, đề xuất của nhà tư vấn còn thiếu cơ sở ban đầu, chưa thuyết phục. Đề nghị nhà tư vấn cần lưu ý hết sức về thời gian, khẩn trương tính toán, bằng bất cứ đề xuất nào thì mục tiêu cuối cùng là tạo động lực phát triển kinh tế mới cho Đà Nẵng” - ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.