Đà Nẵng và Bộ Tài chính tiếp tục giữ ngôi “quán quân” chỉ số DTI 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với chỉ số DTI 2021 đạt 0,6419, Đà Nẵng tiếp tục là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng DTI 2021 khối tỉnh/thành và Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu khối chuyển đổi số cơ quan trung ương với chỉ số DTI đạt 0,6321.
Một góc TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao
Một góc TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao

Sáng nay, 8/8, trong phiên họp lần thứ III của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra tại Hà Nội, do Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số - chủ trì, Bộ TT&TT đã công bố bảng xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI cấp bộ, tỉnh năm 2021.

Việc xác định chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI cấp bộ, tỉnh và quốc gia là nhằm theo dõi, đánh giá thực chất và công bằng kết quả chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, địa phương và quốc gia, cùng các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Kết quả đánh giá chuyển đổi số hằng năm chỉ ra những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho bộ, tỉnh và các cơ quan chức năng áp dụng giải pháp phù hợp để hoàn thành các mục tiêu.

Bảng xếp hạng DTI 2021 khối tỉnh, thành phố

Bảng xếp hạng DTI 2021 khối tỉnh, thành phố

Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng

Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng

Đây là năm thứ 2 Bộ TT&TT thực hiện đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

So với lần đánh giá đầu tiên, bộ tiêu chí đánh giá đã được cập nhật, bám sát hơn với chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Kết quả đánh giá chuyển đổi số năm 2021 nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số ở Việt Nam năm 2021, đồng thời theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ/tỉnh để có giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.

DTI cấp bộ chia thành 2 nhóm DTI cấp bộ cung cấp dịch vụ công và DTI cấp bộ không cung cấp dịch vụ công, bao gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần; DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động.

Công bố chỉ số DTI 2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, giá trị DTI 2021 của cấp bộ cung cấp dịch vụ công là cao nhất, tiếp đến là cấp tỉnh và cấp bộ không cung cấp dịch vụ công.

Trong đó, giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh là 0,4014, tăng tới 32,7% so với năm 2020; cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595, tăng 15,4% so với năm 2020.

Giá trị trung bình DTI 2021 cấp bộ không cung cấp dịch vụ công là 0,2151, giảm nhẹ so với năm 2020. Lý do là năm 2021 có thêm 2 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - đây là các cơ quan mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.

Cũng theo báo cáo vừa được công bố, có 12/89 bộ, tỉnh tham gia đánh giá có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Kết quả này phản ánh quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.

Kết quả đánh giá với từng nhóm đối tượng cho thấy, trong 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính duy trì vị trí đứng đầu bảng xếp hạng DTI 2021, với giá trị 0,6321 (tăng 0,13) so với so với năm 2020. Tiếp theo là Bộ KH&ĐT và Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trên bảng xếp hạng. Các vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt thuộc về các bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Bộ TN&MT, Bộ VHTT&DL, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ.

Đối với 9 bộ, ngành không có dịch vụ công, với việc đạt giá trị DTI 2021 là 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu, tăng 2 bậc so với kết quả đạt được trong kỳ đánh giá đầu tiên. Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

Đối với nhóm các tỉnh, TP, vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Đà Nẵng với chỉ số DTI 2021 là 0,6419 (tăng 0,1545 so với DTI 2020), kế tiếp là Thừa Thiên Huế, với giá trị DTI 2021 là 0,5872 (tăng 0,1775 so với năm 2020). Các vị trí tiếp theo trong Top 10 địa phương dẫn đầu về DTI 2021 gồm: TP HCM, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang.

Từ kết quả đánh giá DTI 2021, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021 là năm thứ 2 triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cũng là năm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam. Trong diễn biến đó, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng. Tuy nhiên, năm 2021 cũng chứng kiến không ít ý kiến phê bình về sự yếu kém của các sản phẩm công nghệ số phòng chống dịch.

Qua thử thách, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, đảm bảo an toàn dữ liệu người dân và triển khai trên toàn quốc. Cũng vì thế, báo cáo DTI 2021 được chọn có chủ đề “Chuyển đổi số từng bước trưởng thành qua việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch bệnh”.

Bảng xếp hạng DTI khối bộ ngành trung ương

Bảng xếp hạng DTI khối bộ ngành trung ương

Bộ Tài chính tiếp tục giữ ngôi đầu bảng xếp hạng DTI 2021

Bộ Tài chính tiếp tục giữ ngôi đầu bảng xếp hạng DTI 2021

Tuy nhiên, chỉ số trung bình DTI của các bộ, tỉnh còn thấp, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu đến năm 2025.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được khuyến nghị cần theo dõi sát sao mức độ chuyển đổi số của mình qua đánh giá DTI hằng năm để có giải pháp thúc đẩy phù hợp, khắc phục hạn chế, không chạy theo phong trào.

“Căn cứ DTI cấp bộ, cấp tỉnh, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng DTI các cấp trực thuộc để có thể theo dõi, đánh giá DTI các cấp quản lý của mình từ đó có đôn đốc, thúc đẩy kịp thời” -đại diện Bộ TT&TT đề xuất.

Trước đó, trong lần đầu tiên Bộ TT&TT công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, tỉnh, chỉ số DTI năm 2020 trung bình của cấp tỉnh là 0,3026; của các bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982 và của các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342.

Tại lần công bố này, Đà Nẵng đã được xếp vị trí đứng đầu với chỉ số DTI khối tỉnh/thành với số điểm đạt 0,4874 và Bộ Tài chính xếp vị trí thứ nhất khối cơ quan Trung ương với giá trị DTI đạt 0,4944.

DTI 2021 gồm 3 cấp là DTI cấp tỉnh, DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia. Cấu trúc DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần tập trung vào 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. DTI cấp bộ có 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. DTI quốc gia gồm 24 chỉ số, các chỉ số này thể hiện mức độ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số đồng thời, tham chiếu đến các chỉ số được sử dụng trong đánh giá của quốc tế.