Đà Nẵng sẽ có 100% cơ sở có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL vào năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đến năm 2023, Đà Nẵng sẽ có 100% cơ sở quận, huyện, phường, xã có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL; hơn 90% gia đình và hơn 85% tổ dân phố, thôn… được công nhận danh hiệu văn hóa.
Một góc lễ hội Cầu ngư truyền thống tại Đà Nẵng
Một góc lễ hội Cầu ngư truyền thống tại Đà Nẵng

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Đề án “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng TP an bình, đáng sống, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030”.

Với đề án này, Đà Nẵng đặt ra một loạt mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng bản sắc văn hóa con người Đà Nẵng gắn kết văn hóa trong hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam; hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, mang bản sắc đặc trưng phù hợp với lịch sử, văn hóa, truyền thống và sự phát triển của TP.

Đồng thời, Đà Nẵng cũng hướng tới xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, mỗi gia đình là một môi trường văn hóa lành mạnh, minh bạch…

Mục tiêu giai đoạn 2022-2030 của Đà Nẵng là sẽ có 100% cơ sở quận, huyện, phường, xã được đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa - thể thao, đảm bảo tiến độ và tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL.

Bên cạnh đó, sẽ có hơn 90% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 85% tổ dân phố, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố, thôn đạt chuẩn văn hóa; hơn 95% số cơ quan, đơn vị tham gia phong trào và được công nhận, giữ vững danh hiệu Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 70% doanh nghiệp tham gia phong trào đạt chuẩn doanh nghiệp văn hóa; 80% phường đạt đô thị văn minh; 70% quận đạt đô thị thông minh;

100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị bổ sung và thực hiện tốt quy định cụ thể về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% khu dân cư có và thực hiện tốt quy ước, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và tuân thủ pháp luật; 100% cơ sở giáo dục - đào tạo dựa vào giảng dạy chương trình giáo dục về lịch sử - văn hóa địa phương; 90% số trường học đảm bảo điều kiện triển khai chương trình giáo dục thể chất.

Lễ hội Cầu ngư của ngư dân Đà Nẵng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ hội Cầu ngư của ngư dân Đà Nẵng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Một mục tiêu khác của Đà Nẵng là 100% Di tích Quốc gia Đặc biệt, Di tích Quốc gia, Di tích cấp TP được tu bổ tôn tạo, hoàn thiện về cảnh quan môi trường, phục vụ phát huy giá trị di tích. Mỗi năm, sẽ xếp hạng thêm từ 2-3 hồ sơ di tích cấp quốc gia và cấp TP, đồng thời, trùng tu các nhà cổ dân gian có giá trị trên địa bàn; lựa chọn ít nhất 2 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở VH-TT TP chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Sở VH-TT TP Đà Nẵng có trách nhiệm theo dõi, đánh giá việc thực hiện và kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế; tổng hợp những bất cập, vướng mắc để tham mưu, đề xuất UBND TP báo cáo, kiến nghị Chính phủ và các ngành liên quan.