Đà Nẵng: Di dời toàn bộ dân bị nhà máy thép gây ô nhiễm đi nơi khác

VietTimes -- Ngày 11/6, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, UBND TP đang khẩn trương thực hiện giải tỏa di dời các hộ dân quanh hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý (thuộc thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gây ô nhiễm.
UBND TP Đà Nẵng đang khẩn trương thực hiện giải tỏa di dời các hộ dân quanh hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý (thuộc thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gây ô nhiễm.
UBND TP Đà Nẵng đang khẩn trương thực hiện giải tỏa di dời các hộ dân quanh hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý (thuộc thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gây ô nhiễm.
Động thái nhằm thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thành ủy và HĐND, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức họp giải quyết những vướng mắc xung quanh việc di dời giải tỏa các hộ  dân và giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại 2 nhà máy Dana - Úc và Dana – Ý đối với các hộ dân sinh sống xung quanh.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, sau khi tổ chức đối thoại với các hộ tại khu vực thôn Vân Dương 2, người dân đã thống nhất chủ trương giải tỏa di dời toàn bộ các hộ dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên tại phía Tây Nam 02 Nhà máy thép gây ô nhiễm này. Kinh phí thực hiện được thực hiện theo nguyên tắc yêu cầu hai Công ty Cổ phần thép Dana – Úc và Công ty Cổ phần thép Dana - Ý, mỗi đơn vị chịu 50% trên tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tại dự án theo khái toán 243 tỷ đồng.
Khu đất quy hoạch sau khi giải tỏa xong, UBND TP sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành đấu giá thuê quyền sử dụng đất theo quy định và hoàn trả lại tiền cho hai Công ty đã chi trước cho công tác bồi thường, hỗ trợ. 
Nếu số tiền thu từ đấu giá thuê quyền sử dụng đất khu đất nêu trên thấp hơn số tiền đã chi để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thì số tiền chênh lệch còn lại, hai Công ty phải chịu mỗi đơn vị 50%.  Trường hợp số tiền thu từ đấu giá thuê quyền sử dụng đất khu đất nêu trên cao hơn số tiền đã chi để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thì số tiền chênh lệch này được nộp vào Ngân sách thành phố.
Để đảm bảo thực hiện, UBND TP Đà Nẵng đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố ký Hợp đồng với hai Công ty thép để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tại dự án. Đồng thời yêu cầu hai Công ty phải có Chứng thư bảo lãnh thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang của 01 Ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố về đảm bảo kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa dự án.Tại cuộc họp, đại diện 2 công ty đã nêu lên những khó khăn do không có tài sản thế chấp để thực hiện ký quỹ, lập chứng thư bảo lãnh.
“Các Sở, Ngành, địa phương và các đơn vị liên quan phải khẩn trương lập các thủ tục, rút gọn thời gian thực hiện để sớm di dời, giải tỏa và tái định cư cho các hộ dân tại dự án theo đúng tiến độ. Giải tỏa xong đến đâu có thể cho đấu giá đất luôn phần đất đã giải tỏa, và nếu hai công ty thép trúng đấu giá thì được cấp Giấy chứng nhận QSD đất luôn và dùng đó làm tài sản thế chấp để bảo lãnh thực hiện thanh toán tiếp tục. Đây là giải pháp thể hiện sự quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nếu hai Công ty thép không đáp ứng, UBND thành phố yêu cầu các Công ty tự đóng cửa hoặc di dời Nhà máy ra khỏi khu vực”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Về chủ trương cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời, không quá 15 năm. Trong thời gian được phép tồn tại, phải có giải pháp nâng cấp công nghệ để giảm bớt ô nhiễm môi trường; sau đó thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng nhà máy thép sang các loại hình công nghiệp nhẹ, ít ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo qui định.