Đà Nẵng: Bất ngờ xuất hiện cầu vượt của Khu du lịch vắt ngang Quốc lộ 14G

VietTimes -- Một cây cầu vượt dầm thép nằm trong hành lang an toàn giao thông, vắt ngang qua Quốc lộ 14G thuộc địa phận xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được doanh nghiệp thi công nhằm phục vụ hoạt động du lịch tại đây đã gây bất ngờ đối với người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Cận cảnh cây cầu vắt ngang qua Quốc lộ 14G để phục vụ hoạt động Khu du lịch suối khoáng nóng núi Thần Tài
Cận cảnh cây cầu vắt ngang qua Quốc lộ 14G để phục vụ hoạt động Khu du lịch suối khoáng nóng núi Thần Tài

Cầu bắt qua Quốc lộ để phục vụ... doanh nghiệp?

Mấy ngày nay, người dân và người tham gia giao thông không hỏi thắc mắc về sự xuất hiện của một cây cầu với thiết kế cầu kỳ vắt qua Quốc lộ 14G tại Khu vực Khu du lịch suối khoáng nóng núi Thần Tài, thuộc địa phận xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Ghi nhận tại hiện trường, cây cầu có hình dáng lạ mắt với kết cấu gồm 3 nhịp, dầm bằng thép, lan can bằng bê tông xi măng xây dựng theo kiểu tường thành. Ở giữa 2 nhịp biên có 2 trụ trang trí kiên cố bằng bê tông xi măng với thiết kế kiểu cổng thành với đỉnh trụ là mái tháp 4 mặt rất cầu kỳ đang được hoàn thiện.

Toàn bộ công trình cây cầu đã được thi công hoàn thành phần thô và đang đi vào công tác hoàn thiện. Tuy nhiên, điều khiến người dân và người tham gia giao thông lo lắng là phần trụ cầu nằm ngay trên hành lang an toàn của Quốc lộ 14G. Cũng tương tự, 2 kết cấu trụ cổng trang trí cũng nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ của tuyến Quốc lộ này. Tại hiện trường, chủ đầu tư đang cho máy móc san ủi đất đồi để làm các hạng mục phụ trợ khác của công trình này.

Câu cầu có vị trí tại Km16+620 trên Quốc lộ 14G, thuộc địa phận xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) với 2 trụ cầu nằm trên hành lang an toàn giao thông đường bộ
Câu cầu có vị trí tại Km16+620 trên Quốc lộ 14G, thuộc địa phận xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) với 2 trụ cầu nằm trên hành lang an toàn giao thông đường bộ

“Tại vị trí này đã hẹp, nay lại xây dựng thêm cây cầu với 2 trụ áng ngữ gần như mặt đường sẽ rất nguy hiểm. Không chỉ vậy, tại vị trí rất dễ gây mất tập trung cho lái xe và khuất tầm nhìn rất dễ gây tai nạn. Không hiểu là nhà nước sao lại cho phép doanh nghiệp làm như vậy?”-một lái xe trên tuyến cho biết.

Ai cấp phép xây cầu cho DHC Suối Đôi?

Tiếp tục tìm hiểu sự việc thì được biết, cây cầu trong khuôn khổ Dự án liên kết mở rộng Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài, do Công ty CP DHC Suối Đôi làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2016. Cây cầu được thi công nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, kết nối Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài ở 2 bên Quốc lộ 14G.

Theo hồ sơ, cây cầu được Cục Quản lý đường bộ 3 cấp phép xây dựng tại Km16+620 trên Quốc lộ 14G, thuộc địa phận xã Hòa Phú. Công trình được Chủ đầu tư là Công ty CP DHC Suối Đôi đệ trình hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng vào ngày 16/7/2018. Và chỉ 3 ngày sau, Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) đã cấp giấy phép thi công số 66/GPTC-CQLĐBIII, cho phép Công ty CP DHC Suối Đôi xây dựng cầu vượt dầm thép tại vị trí nêu trên.

Theo nội dung giấy phép, cây cầu này có tải có tải trọng thiết kế 0,65HL93 (xe khách 45 chỗ ngồi, có tải trọng 16,5 tấn), kết cầu gồm 3 nhịp giản đơn, mỗi nhịp dài 15m, kết cấu dầm bằng thép 8x1600x250, tĩnh không cầu 6,5m, vị trí từ tim đường quốc lộ 14G ra mỗi bên gần nhất của trụ cầu 6,23m, bề rộng cầu 10,0m. Và mặc dù kết cấu phần trên của cầu được xây ngay trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ nhưng Cục Quản lý đường bộ 3 vẫn chấp thuận cấp phép cho doanh nghiệp.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3 xác nhận, giấy phép xây dựng cầu vượt này do Cục cấp. Đồng thời thừa nhận cầu vượt này đang thi công trên hành lang an toàn giao thông của Quốc lộ 14G.

Lý giải cho việc cấp phép xây dựng cầu nằm trong hành lang an toàn đường bộ, ông Bình cho biết vẫn cấp phép là vì doanh nghiệp cam kết tự thay đổi quy mô, kết cấu của cầu vượt nếu có dự án mở rộng quốc lộ 14G. Và phía chủ đầu tư cũng có cam kết khi ngành giao thông sửa chữa, cải tạo mở rộng nâng cấp quốc lộ 14G, nếu phải thay đổi quy mô thì doanh nghiệp sẽ đầu tư kinh phí thay đổi quy mô cầu vượt theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ và không đòi bồi thường.

Đối với việc cho phép xây dựng 2 trụ cầu ngay trên ngay trên hành lang an toàn, gây nguy cơ dễ xảy ra tai nạn, ông Bình còn cho biết, các trụ cầu này sẽ có lan can để chắn trụ cầu này lại, nhằm giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

Cây cầu có phải công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; công trình thiết yếu có yêu cầu đặc biệt?
Cây cầu có phải công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; công trình thiết yếu có yêu cầu đặc biệt?

Tuy nhiên, theo Điều 43, Phạm vi đất dành cho đường bộ, Luật Giao thông đường bộ (hiện hành) năm 2008 quy định: "Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ; Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí;... Và Chính phủ quy định cụ thể phạm vi đất dành cho đường bộ, việc sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ".

Không chỉ vậy, theo Điều 26,Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010) quy định nội dung Sử dụng đất dành cho đường bộ như sau: "Đất dành cho đường bộ chỉ dành để xây dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác để phục vụ cho mục đích an toàn giao thông vận tải đường bộ, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ; Việc xây dựng một số công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm khai thác an toàn công trình đường bộ và chỉ được áp dụng trong các trường hợp: a) Công trình phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng; b) Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ".

Như vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao công trình cầu vượt này đang thi công trên hành lang an toàn giao thông của quốc lộ 14G, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định nói trên nhưng Cục Quản lý đường bộ 3 vẫn cấp phép cho xây dựng cầu vượt này?

DHC Suối Đôi liên tiếp sai phạm

Liên quan đến Chủ đầu tư-Công ty CP DHC Suối Đôi, trong thời gian qua, Cục Quản lý đường bộ 3 đã nhiều lần ban hành quyết định xử phạt hành chính vì liên tục phát hiện các sai phạm của Công ty CP DHC Suối Đôi trong quá trình thi công các hạng mục tại dự án.

Cụ thể, gần nhất là ngày 10/1/2019, Cục Quản lý đường bộ 3 phát hiện Công ty DHC Suối Đôi thi công công trình trong phạm vi đất của đường bộ không thực hiện theo đúng các quy định trong giấy phép thi công, làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình đường bộ. Hành vi này bị xử phạt hành chính 12 triệu đồng.

Trước đó, cũng hành vi này, Cục Quản lý đường bộ 3 cũng đã liên tiếp ra quyết định xử phạt  đối với Công ty CP DHC Suối Đôi khi chủ đầu tư thi công hạng mục cầu ngầm đôi vào tháng  6/2017 với số tiền xử phạt 12 triệu đồng. Tiếp đến tháng 12/2018, doanh nghiệp lại tái phạm và cũng bị xử phạt hành chính với số tiền 12 triệu đồng.

Nghiêm trọng hơn, vào tháng 11/2016, doanh nghiệp này bị xử phạt số tiền 35 triệu đồng vì tự ý mở nhánh đấu nối trái phép vào quốc lộ 14G, vi phạm Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

VietTimes sẽ tiếp tục thông tin…