Đã khuyết đi một Ngự sử nước nhà...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một tin buồn đến với tôi vào lúc khuya khoắt. Ông Vũ Quốc Hùng vừa ra đi… Đôi hồi mãi. Và không sợ nói quá khi dùng lại từ ngự sử để gọi nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Vũ Quốc Hùng.

Ngự sử xưa kia là một chức quan chuyên giám sát những việc hay dở của triều đình, lại được kiêm luôn công việc đặc biệt là can gián cả vua!

Quan ngự sử đội mũ có khắc, thêu hình con giải trãi - loài thú chỉ có một sừng. Tương truyền chỉ mỗi giải trãi nhận biết ra kẻ không chính trực để húc! Trãi quan nga nga diện tứ thiết (Mũ trãi cao cao gương mặt sắt - Thơ Nguyễn Trãi).

Mà khi ông Vũ Quốc Hùng từ quân đội chuyển sang Trung ương Đoàn những năm đầu 80, nào có thiết diện đen sì? Mà da trắng môi tươi, tóc xanh rì. Nói năng thì cứ một cung bậc rủ rỉ. Hình như chưa một lần tôi thấy ông cáu.

Không nhớ hết những lần được đi công tác với Bí thư TW Đoàn Vũ Quốc Hùng trong những năm của phong trào Ba xung kích làm chủ tập thể.

Có lẽ 12 năm trong quân đội, mặc dầu chưa phải xông pha trận mạc, mà chuyên công tác giảng dạy, nghiên cứu ở cơ quan kỹ thuật quân sự, nhưng tác phong lính gần như ám vào ông khá rõ. Đi công tác ông thường lận đôi giày lính và chiếc áo bộ đội đôi khi đã bạc phếch. Mà những năm xa ấy, những chuyến xuống cơ sở từ Bí thư TW Đoàn đến nhân viên cơ quan có khác chi lính!

Lần đó đi Thái Nguyên, xe cộ trục trặc, người mệt, bụng đói, nhưng ông động viên chúng tôi giữa đêm cuốc bộ hơn 10 cây số đến cơ quan Tỉnh Đoàn.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng. (Ảnh: LĐO)

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng. (Ảnh: LĐO)

Năm 1987, ông chuyển sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Lần đó ông được ông Trần Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giao một việc gấp là trao tận tay ông X. - một cán bộ cấp tỉnh (Hà Sơn Bình) đang có mặt ở Hà Đông - một công văn quan trọng. Cũng do xe cộ trục trặc, ông dùng xe đạp phóng vào Hà Đông. Xong việc ông trở ra thì thấy cậu lái xe mặt tái dại ngó sếp mình đang tươi cười.

Có thể nói thời gian đầu sang công tác ở lĩnh vực mới, ông may mắn được gần gũi, được học tập kinh nghiệm xử lý công việc, cũng như đạo đức, tác phong của người đứng đầu cơ quan kiểm tra Đảng khi ấy là ông Trần Kiên huyền thoại.

Hiện tượng Trần Kiên - tấm gương Trần Kiên - tác phong Trần Kiên... ông từng nghe, nay mới tận mắt thấy.

Đó là một con người có tình thương yêu đồng bào, đồng chí, đức tính cần kiệm trong sinh hoạt, luôn chăm lo cho mọi người. Có lẽ hơn nửa thể kỷ công tác kiểm tra của Đảng, ông Trần Kiên đã để lại những mốc son khó phai mờ. Cho đến thời điểm nghỉ hưu, trong vòng một tuần, ông Trần Kiên bàn giao ngay phòng làm việc và tài liệu cho đồng chí Chủ nhiệm mới, đồng thời trả lại nhà công vụ cho tập thể rồi trở về quê nhà Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, sống thanh thản trong ngôi nhà cấp 4 giản dị.

Người viết bài này lần ấy đã ghé Tư Nghĩa và cùng mấy đồng nghiệp đến thăm ông. Căn nhà tuềnh toàng chả vật dụng nào gọi là đắt giá. Một thời gian sau ông được Thường vụ Bộ Chính trị mời tham gia Tổ phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Lần gặp lại và hai câu hỏi

Từ khi ông Vũ Quốc Hùng nhận công tác mới, chúng tôi ít gặp. Nhưng lần Tòa báo mà tôi đang công tác gặp nạn (bị khởi tố) về một bài báo bị coi là lộ bí mật quốc gia mà tôi là tác giả, thì trong những công văn, đơn thư gửi đi các nơi có một nơi đến được là Ủy Ban Kiểm tra Trung ương.

Rồi chúng tôi nhận được điện gọi lên làm việc. Đến nơi, người trực tiếp gặp lại là ông Vũ Quốc Hùng, khi đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Có lẽ là người quen cũ cộng với tác phong dân chủ cởi mở, lại chi tiết sâu sát, ông đã gợi cho không khí buổi làm việc khá thoải mái, trong khi chúng tôi khá là lấn bấn!

Lần gặp trực tiếp ấy, như chưa từng quen biết, ông nhìn thẳng vào mắt tôi. Và chỉ hỏi hai câu.

"Một, động cơ mục đích viết bài báo là gì? Có bao nhiêu sự thật trong bài báo ấy (nghĩa là viết có đúng không?).

Hai, cậu có "chấm mút", có ăn tiền trong việc này không?

Nếu phạm phải một trong hai việc ấy thì cậu có thể rời khỏi phòng này, khỏi chuyện trò gì cả!"

Khỏi nhắc lại ở đây những nhọc nhằn khổ ải để minh chứng cho hai thứ mà mình không phạm phải ấy (tôi đã đề cập chuyện này trong một số bài viết).

May mắn nhờ sự can thiệp giúp đỡ công tâm của cá nhân nhiều vị lãnh đạo cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có bộ phận chức năng của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, mà chúng tôi đã thoát nạn. Quyết định khởi tố ấy được gỡ bỏ!

Không dám đến thăm

Có lẽ luôn ám ảnh cái cảm giác thót tim của cánh nhà báo chúng tôi (người thì được chứng kiến, người nghe kể lại) trước một sự kiện có thể nói là hy hữu.

Đó là việc, với tư cách một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (ông từng tham gia ba khóa Ban Chấp hành Trung ương, là khóa VII, VIII, IX. Và lưu ý, khi chuẩn bị Đại hội IX, ông đã xin nghỉ vì khi đó ông đã 61 tuổi nhưng tại Đại hội IX, ông vẫn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương) đã kiên quyết đề nghị xử lý kỷ luật một cán bộ sai phạm.

Gọi là thót tim bởi nhân vật ấy không phải là cỡ bình thường, mà đã từng kinh qua thâm niên công tác lẫn những cống hiến, thời điểm đó đang phụ trách một lĩnh vực quan trọng của đất nước. Với vị thế đó, như một thứ bất thành luật lẫn thành văn, có dư luận cho rằng vị cán bộ ấy gần như được miễn trừ (tạm gọi thế) với bất cứ hình thức kỷ luật nào (!?).

Chúng tôi, cánh nhà báo với thói thường của nỗi sợ hãi vô cớ lẫn có cớ mà có nhà văn đã gọi rất trúng là nỗi sợ bầy đàn... đã phập phồng này nọ trước việc vạch mặt chỉ tên kiên quyết của ông.

Chuyện loang ra, không ít người tấm tắc rằng hóa ra thời nay vẫn có những ngự sử, vẫn có những Bao Công! Nhưng cũng không ít những xì xào rằng thế nào ông cũng bị trù úm thậm chí bị trả thù! Mà những sự ấy không lộ, mà rất kín, rất tinh vi.

Phập phồng nghe ngóng cho đến cái ngày ông làm thủ tục về hưu. Mà là một cái hưu lành như bao cán bộ bình thường khác chứ chẳng phải kiểu hạ cánh an toàn nào đó!

Tôi nhớ trong thời gian phập phồng ấy, khốn khổ chưa, đám chúng tôi ngại lẫn ngán đến mức không dám đến thăm ông vì sợ liên lụy.

Rồi có một buổi được ngồi với ông, chúng tôi rụt rè nhưng cũng hỏi được rằng, trong thời gian ấy ông có lâm vào trạng thái cô đơn không, cụ thể là có sợ không (?).

Vẫn qua cái cười cởi mở và chất giọng rủ rỉ như dạo nào. Tôi tạm hiểu, ông chỉ nói hộ, làm hộ suy nghĩ của nhiều người. Ai cũng biết, ai cũng muốn việc tiêu cực ấy phải được nói ra, phải được giải quyết xử lý nhưng ngại và sợ. Đơn giản có vậy thôi!

Viết giấy mời Thủ tướng

Lần gặp khác, câu chuyện của chúng tôi ngược về những năm tháng bươn bả trong những phong trào của Đoàn. Lại thêm cả những trích ngang kỷ niệm mà chúng tôi nói vui là thời ngự sử của ông.

Lần đó, ông cho viết giấy mời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Ủy Ban Kiểm tra Trung ương để giúp cơ quan kiểm tra làm rõ một số vấn đề cần thiết.

Khi đó nhiều người e ngại rằng, nào xa xôi chi, có mỗi một khúc đường nhảo bộ một chút từ Ủy Ban Kiểm tra Trung ương sang bên Nhà Trắng (trụ sở Chính phủ) thì giấy mời chi cho phiền phức?

Nhưng hình như cái ngại lại ở chỗ khác... Với cương vị người đứng đầu Chính phủ thì ứng xử với ông Sáu Dân vậy liệu có ổn? Nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cứ vô tư thi hành phận sự.

May mà công việc khi ấy và sau này xuôi chèo mát mái. Nhưng khổ thế, vẫn có người ngại cho ông. Mãi đến khi ông vô Nam dự một cuộc họp có gặp ông Sáu Dân. Khi đó ông Sáu Dân đã nghỉ hưu nhưng người ta vẫn rất cần đến ông trong nhiều việc và ông vẫn nhiệt thành tham gia. Giờ nghỉ giải lao, ông Sáu mời ông Hùng ngày mai đến nhà riêng chơi... Ông thành thực đáp ngày mai bận, để ngày mốt được không. Ông Sáu vui vẻ đồng ý.

Rồi cuộc gặp diễn ra trong không khí thân tình. Nội dung cuộc gặp không ngoài việc chung. Bằng kinh nghiệm công tác, ông Sáu trao đổi với ông rất kỹ việc tiến hành vụ Năm Cam (khi đó mới khởi động) sao cho đúng, cho trúng trong một bối cảnh hết sức phức tạp, vừa đánh được bọn tham nhũng sâu mọt, vừa bảo vệ được cán bộ.

Cuối buổi gặp, ông Sáu còn vui vẻ nhắc lại lần ông được mời đến Ủy Ban Kiểm tra Trung ương ngày ấy. Rồi ông Sáu cũng bộc bạch rằng khi đó ông không hề có ý kiến gì về việc Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đánh giấy mời, mặc dầu có không ít ý kiến xì xào này khác.

Cuộc gặp ở nhà riêng ông Sáu đã để lại trong ông Hùng những tình cảm ấm áp. Và ấn tượng về một ông Sáu Dân bình dị gần gũi không hề có sự ứng xử tiểu khí như đồn thổi để hù ngay cả ông!

Ông Vũ Quốc Hùng - một con người thanh liêm và chính trực

Ông Vũ Quốc Hùng - một con người thanh liêm và chính trực

Tôi nhớ có một cuộc gặp, ông bạn đồng nghiệp cùng đi đã hăm hở hỏi ông việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Bất ngờ, khi ấy nghe ông Hùng nói tôi mới biết, luận án tiến sĩ ở nước ngoài của ông là đề tài về luyện kim.

Đất nước tôi vùng Tây Nguyên, qua khảo sát thăm dò tỷ mỷ trữ lượng bô xít ước nhiều tỷ tấn...

Mở đầu bản luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô năm 1977, ông Vũ Quốc Hùng đã viết những dòng đại loại như vậy.

Ông tỉ mẩn phác ra cho chúng tôi những nét chính của việc khai thác bô xít tại Tây Nguyên được và mất những gì.

Tôi nhớ cuối buổi gặp, trước vẻ bức xúc của anh bạn đồng nghiệp, ông rủ rỉ đại ý, bây giờ các bạn cứ ghi lại những gì các nhà kỹ thuật lẫn quản lý khẳng định việc cần thiết phải khai thác bô xít. Mười năm sau, có khi không đến thế, các bạn lại gặp lại họ xem ý kiến của họ ra sao. Cứ sống mà xem... Có câu ngạn ngữ đại loại thế! Quỹ thời gian của các bạn hẵng còn dư dả mà.

Cho mãi đến thời điểm này, tôi vẫn chưa tường hết cái lời nhắc lời dặn ấy. Rằng nên hiểu theo nghĩa nào vậy...

"Cháu có sợ không?"

Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng

Nhiều năm giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2) với chức năng thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII tháng 2/1999 về chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng, người như ông Vũ Quốc Hùng - lại trong thời buổi giăng mắc chằng chịt các mối quan hệ - hẳn không phải không có người căm, người ghét, thậm chí coi như kẻ thù.

Thời điểm tiến hành kiểm tra ở một địa phương, ông bất ngờ nhận được tin nhắn rằng nếu không khoan khoan vụ việc này lại, thì ông và người thân sẽ gặp tai nạn ô tô trên đường đi.

Ông không có chế độ công an bảo vệ. Mà xe đã xuất phát trên đường đến địa phương ấy. Hay là gọi điều thêm người (?). Trên xe chỉ có ông và lái xe.

Thoáng nghe chất giọng hình như không bình thường của người thủ trưởng, cậu lái xe dè dặt hỏi. Và ông đã nói hết, nói lại những nét đại thể.

"Cháu có sợ không?" - ông hỏi. Cái cười của người lái xe làm ông yên lòng.

Chuyến đi ấy hai thày trò đều an toàn. Và vụ việc sau đó vẫn được tiến hành rốt ráo triệt để!

Thường công việc ngập đầu. Lực lượng mỏng. Có thời gian lực lượng ứng trực ở cơ quan chỉ có 6-7 người. Ông lại phải đi đêm về hôm.

Nhiều vụ việc khác, tôi loáng thoáng biết ông đã gặp những ngáng trở thậm chí đe dọa. Có gạn ông kể chi tiết nhưng ông chỉ cười nói lảng sang chuyện khác.

Không rõ có những phương án nghiệp vụ kín đáo hữu hiệu để bảo vệ ông? Hay những chuyện đại loại như vậy với Vũ Quốc Hùng được... miễn dịch? Vì cái uy của ông kẻ xấu cũng phải ngán?

Chịu! Chả thể nào mà biết được.

Tôi từng đọc đâu đó rằng tiếp cận với những thủ lĩnh tinh thần người ta dường như được tiếp thêm một năng lượng mới? Nó na ná như một thứ tình cảm tôn giáo vậy. Tôi từng nghe một nhà ngoại cảm giải mã câu thơ của Tố Hữu: Ta bên Người người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng thấy lớn bên người một chút. Đại loại thế.

Nhưng quả những lần gần ông, được ngồi chuyện với nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng hình như mình được lặp lại cảm giác khi ngồi với người thủ trưởng cũ của tôi, thủ lĩnh Đoàn thanh niên một thời, ông Đặng Quốc Bảo (cảm giác ấy tôi đã chia sẻ trong bài viết Ma lực Đặng Quốc Bảo).

Ấy là cảm giác như thanh thản hơn, đỡ u ám hơn và dường như thêm chút tự tin nào đó.

Phẩm cách Vũ Quốc Hùng

Thời điểm ông Trần Văn Truyền bị kỷ luật, mấy anh em làm báo có dịp ngồi với ông. Trong không khí thân mật, ông bộc bạch nhiều với chúng tôi cái cảm giác day dứt ân hận.

Ấy là khi ông đang làm Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, có trách nhiệm cùng với Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đề xuất, giới thiệu chuẩn bị lực lượng nhân sự cho ban lãnh đạo Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, thời điểm này diễn ra sau Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ IX. Rằng ông đã quá chủ quan, bị ru ngủ về những thông tin được báo cáo rằng ông Trần Văn Truyền khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, vừa được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, rất có khả năng làm cán bộ của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương.

Trong câu chuyện bằng chất giọng như chùng xuống, ông không khư khư đổ lỗi cho quy trình kiểm tra nhân sự với 2 vòng kiểm tra: Vòng thứ nhất - vòng tuyển chọn ở tỉnh làm Bí thư Tỉnh ủy, vòng thứ hai - vòng kiểm tra của Trung ương để vào Ủy viên Trung ương Đảng.

Nhưng vẫn chất giọng với cảm giác day dứt ân hận, ông nói nhẽ ra để ông Truyền vào đội ngũ “Bao Công” này ông phải nghiêm ngặt, cẩn trọng hơn trong việc trực tiếp xem xét, kiểm tra.

Tôi những tưởng chuyện ấy ông chỉ ngỏ vậy rồi thì thôi! Nhưng bất ngờ sau đó vẫn cảm giác hối lỗi day dứt ân hận ấy, ông đã trả lời phỏng vấn trên một tờ báo lớn.

Ông còn bộc bạch thêm:

Trong chiến dịch "đốt lò" vừa qua, chúng ta đã xử lý những cán bộ cấp cao mà bản thân những người này đã vào Trung ương, rồi ngày càng được giao những nhiệm vụ quan trọng từ Đại hội X.

Nhưng đến Đại hội XII mới phát hiện ra sai phạm và xử lý vi phạm. Cái này đúng là có trách nhiệm của nhiều cơ quan Đảng. Tôi cho rằng, đây là dịp Đảng phải nghiêm khắc nhìn lại câu chuyện này, đặc biệt trong công tác tổ chức, chọn lọc cán bộ. Đây vừa là chiến công nhưng cũng là việc mình đang sửa chữa chính những lỗi lầm của mình.

Chao ôi, cái phẩm cách trung thực ,dũng cảm của ông như ở một cấp độ mới!

Dường như ông không có những ngày hưu thanh thản, thực sự nghỉ ngơi. Giới ký giả vẫn thường xuyên tìm đến ông. Có thể là những bài phỏng vấn cởi mở thành thực tận bờ sát góc. Và cũng có thể họ thêm vững tin an lòng vì được ông truyền lửa.

Tôi biết có nhiều đơn thư bức xúc lẫn oan khuất đã tìm đến tận cửa nhà ông như thế!

Ông Vũ Quốc Hùng (sinh ngày 14 tháng 1 năm 1940), quê ở Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).

Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Sau đó ông chuyển công tác, được bầu làm Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng (Khóa VI, VII). Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng (Khóa VII, VIII, IX); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (Khóa VIII, IX).

Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, khóa XIII (năm 1999) về chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng, ông là Trưởng Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương. Ông tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý nhiều vụ án lớn liên quan tới nhiều cán bộ đảng viên cấp cao như: Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh, PMU 18, vụ án Năm Cam.

Sau Đại hội X, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia, đóng góp ý kiến cho Đảng, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”.

Với giới báo chí truyền thông, ông thường xuyên chia sẻ, trả lời phỏng vấn về những vụ việc nổi cộm, được dư luận quan tâm, đồng thời hiến kế những giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”.

Đêm 3/10/2022...