Đã có ứng dụng cảnh báo động đất trên smartphone

Smartphone có thể trở thành máy dò động đất tạm thời trong tương lai nhờ một ứng dụng mới ra mắt, được thiết kế để theo dõi chấn động và giúp cứu mạng sống của người sử dụng.
Lực lượng cứu hộ giải thoát cho một đứa bé trong khu chung cư 17 tầng sau trận động đất ở Đại Nam (Đài Loan) hôm 6.2 - Ảnh: AFP
Lực lượng cứu hộ giải thoát cho một đứa bé trong khu chung cư 17 tầng sau trận động đất ở Đại Nam (Đài Loan) hôm 6.2 - Ảnh: AFP

Ứng dụng MyShake (hiện có sẵn trên Android) được phát triển bởi Phòng thí nghiệm địa chấn Berkeley, trực thuộc Đại học California (Mỹ), có thể đưa ra cảnh báo sớm về một trận động đất đến người dân không có dụng cụ đo địa chấn riêng.

Richard Allen, người đứng đầu dự án, cho hay: “MyShake không thể thay thế các mạng địa chấn truyền thống, tuy nhiên nó có thể tạo ra cảnh báo động đất nhanh hơn và chính xác hơn ở những nơi không thể kết nối với mạng lưới quan sát địa chấn truyền thống. Điều này giúp cứu được mạng sống của nhiều người trong khu vực ảnh hưởng bởi động đất”.

Hiện nay, thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều trận động đất xảy ra, đặc biệt ở các quốc gia nghèo, nơi hệ thống cảnh báo động đất không được phát triển nhiều, như Nepal, Peru, Pakistan, Turkmenistan hay Iran, điều này khiến một ứng dụng như MyShake rất có ý nghĩa.

Thuật toán đằng sau MyShake được phát triển bởi một nhóm các lập trình viên đến từ thung lũng Silicon, làm việc dựa trên cảm biến gia tốc để đo chuyển động gây ra bởi trận động đất. Những chiếc smartphone được cài đặt MyShake có thể đưa ra cảnh báo về những trận động đất có cường độ trên 5 richter trong phạm vi 10 km.

Với khoảng 300 smartphone được trang bị MyShake kết nối với nhau trong một khu vực hình vuông 110 km đủ để đưa ra ước tính về vị trí của một trận động đất, cường độ và thời gian xuất xứ.

Theo báo cáo của Ericsson Mobility Report thì hiện nay trên thế giới có khoảng 3,4 tỉ thuê bao smartphone trong năm 2015, vì vậy nhóm sáng tạo MyShake hy vọng có thể xây dựng một mạng lưới địa chấn bao phủ toàn cầu.

Dĩ nhiên, hệ thống này chỉ đưa ra những cảnh báo về trận động đất một vài phút trước khi nó diễn ra, có nghĩa là nó không thể ngăn chặn hậu quả mà những trận động đất gây ra.

Hồi tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, hai trận động đất ở Nepal đã cướp đi sinh mạng của 9.000 người, làm bị thương 22.000 người và làm hư hỏng cũng như phá hủy gần 900.000 ngôi nhà. Hôm 6.2, một trận động đất mạnh 6,4 độ richter ở thành phố Đại Nam, miền nam Đài Loan, đến nay cũng đã cướp đi hơn 50 sinh mạng (công tác cứu hộ tìm kiếm người mất tích vẫn đang diễn ra) và nhiều người khác bị thương.