Đa Chiều: Việt Nam kết thân Mỹ-Nhật, gây sức ép với Trung Quốc

Tờ báo chuyên về chính trị tiếng Hoa ở hải ngoại (thực chất là kênh tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc) tỏ vẻ bực bội, cho rằng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Mỹ và Nhật Bản là nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Đa Chiều quy kết đầy chủ quan và phiến diện rằng, bởi lẽ Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nên Hà Nội đã chuyển hướng thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ nhằm gây sức ép với Bắc Kinh. Gần đây, Việt Nam lại lôi kéo Tokyo, trong bối cảnh Nhật Bản cũng có căng thẳng tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Tờ báo gièm pha sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ hồi tháng 7/2015, nhà lãnh đạo Việt Nam lại được Nhật Bản đón tiếp hết sức long trọng. Theo Đa Chiều, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Nhật Bản đã thông báo tiếp tục cung cấp tài chính để hỗ trợ tàu tuần tra và thiết bị cho Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh sẽ thực hiện tuần tra tại Biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo Nhật-Việt cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật biển và đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Đa Chiều lưu ý, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi Thủ tướng Abe thăm Hà Nội tháng 1/2013, ngay sau đó Ngoại trưởng Nhật cũng đã thăm Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã công du Tokyo tháng 3/2014, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thăm Nhật Bản trong năm 2014. Ngoài lĩnh vực kinh tế và chiến lược, hai nước Việt – Nhật cũng tăng cường hợp tác quốc phòng. Tháng 6/2015, Tư lệnh không quân Nhật Bản Harukazu Saito đã sang thăm Việt Nam.

Tờ báo cho rằng, không chỉ với Nhật Bản, thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ với Mỹ. Tháng 7/2013, Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ. Kể từ thời điểm đó, Việt Nam liên tục đón tiếp các quan chức cao cấp Mỹ sang thăm, bao gồm bộ trưởng tài chính, bộ trưởng y tế, phó cố vấn an ninh quốc gia, đại diện thương mại Mỹ và tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ tháng 7/2015
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ tháng 7/2015

Tháng 8/2014, tướng Martin Dempsey, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đến tháng 5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lại thăm căn cứ hải quân Việt Nam sau ông Leon Panetta. Ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ hồi tháng 7/2015 và chỉ một tháng sau Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chọn Việt Nam là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du châu Á.

Tuy nhiên, Đa Chiều chủ quan nhận định mặc dù Mỹ và Nhật Bản cùng tăng cường đầu tư và quan hệ với Việt Nam nhưng Hà Nội sẽ không quá thân thiết với hai nước này. Lý do trước hết là sự khác biệt cơ bản về hệ thống chính trị, hơn nữa Đa Chiều cho rằng Việt Nam cũng nhận thức rõ rằng không thể cắt đứt quan hệ với Trung Quốc vì các lý do kinh tế.

Tờ báo này thừa nhận, Trung Quốc và Việt Nam có một lịch sử phức tạp. Kể từ sau xung đột biên giới giai đoạn 1979-1990, hai bên đã tìm cách cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế khiến Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam 11 năm liên tiếp.

Đa Chiều cũng thừa nhân quan hệ Việt-Trung đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, gây ra một làn sóng căm phẫn chưa từng thấy tại Việt Nam. Tờ báo này còn nói rằng Việt Nam đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc sau sự kiện Hải Dương 981, nhưng trao đổi thương mại song phương giữa hai nước vẫn tăng 20% trong năm 2014, đạt 40,7 tỷ USD.

Tờ báo này cũng gièm pha quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, xỏ xiên rằng Việt Nam sẽ không dám quá thân thiết với Nhật Bản và Mỹ do phụ thuộc vào mối quan hệ với Nga. Do không hiểu thực chất quan hệ truyền thống lâu đời Việt-Nga, Đa Chiều phán một cách đầy chủ quan rằng Việt Nam quá phụ thuộc vào vũ khí Nga nên không dám làm mếch lòng Mátxcơva, mà không biết rằng Việt Nam đã có sự chuyển hướng chiến lược từ lâu và ngày càng tự chủ về công nghệ quốc phòng để không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào.

Bất chấp chính sách ngoại giao hòa bình của Việt Nam, coi tất cả các nước đều là bạn và đối tác, Đa Chiều còn kết luận một cách hết sức hồ đồ, chụp mũ rằng Việt Nam có thể đang ve vãn Nhật Bản và Mỹ, nhưng không dám coi Trung Quốc là kẻ thù.

Theo QPAN