Đa Chiều: Obama công du Việt Nam, Nhật Bản vì Trung Quốc

VietTimes -- Chuyến thăm châu Á của ông Barack Obama bắt đầu bằng điểm dừng chân đáng chú ý, đó là  Việt Nam, một quốc gia cũng là "cựu thù" của Mỹ. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp công du Việt Nam, Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp công du Việt Nam, Nhật Bản.

Tờ Đa Chiều ngày 12/5 cho hay, trước khi rời khỏi cương vị Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã bắt đầu một loạt chuyến công du mới. Trong tháng này, ông là Tổng thống tại nhiệm Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 27/5/2016. Điều này được Nhật Bản và Mỹ đồng thời công bố vào ngày 10/5 vừa qua.

The Financial Times Anh ngày 12/5 cho rằng, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng này sẽ đối mặt với các vấn đề nan giải như thương mại và tranh chấp biển. 

Chuyến thăm lần này của ông Obama ngoài kỷ niệm những người đã chết trong vụ thả bom nguyên tử của Mỹ năm 1945, còn có mục đích củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Hai nước từ cựu thù trước đây, nay đã trở thành các quốc gia quan trọng trong mạng lưới quan hệ kiềm chế Trung Quốc ở châu Á.

Chuyến thăm châu Á của ông Barack Obama sẽ bắt đầu bằng một điểm dừng chân đáng chú ý, đó là  Việt Nam, một quốc gia cũng từng là "cựu thù" của Mỹ. 

Theo suy luận của bài viết, do đối mặt với các hành vi bành trướng không ngừng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa), Việt Nam cũng đang "tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ".

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima

Ở trong nước, ông Barack Obama bị phê phán là chưa xử lý tốt quan hệ với các đồng minh truyền thống, nhưng, ban lãnh đạo của ông lại "lặng lẽ điều chỉnh lại quan hệ với từng quốc gia hữu nghị, tận dụng đầy đủ những bất an gây ra cho khu vực từ việc Trung Quốc ra sức thúc đẩy bành trướng quân sự".

Bài báo phân tích cho rằng, ông Barack Obama chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á đối mặt với hai thách thức căn bản: Một là việc ký kết Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn chờ Thượng viện Mỹ phê chuẩn và sẽ còn bị phản đối bởi 3 ứng cử viên còn lại trong tranh cử Tổng thống Mỹ.

Một thách thức khác là Trung Quốc "hoàn toàn không có dấu hiệu nhượng bộ trong tranh chấp Biển Đông, cho dù Mỹ và đồng minh gây sức ép ngày càng lớn".

Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines vào tháng 6 hoặc 7 năm nay. 

Một số nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh sẽ tăng cường yêu sách (vô lý, bất hợp pháp) của họ so với trước đây, tuyên bố kiểm soát vùng trời khu vực này hoặc tìm cách xây dựng ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). 

Ngày 11/5, người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố, Tổng thống Mỹ ngày 27/5 sẽ đến Hiroshima tham quan khu di tích kỉ niệm vụ nổ bom nguyên tử và đọc diễn văn. Nhưng Nhà Trắng nhấn mạnh, chuyến thăm này của ông Obama sẽ không đưa ra bất cứ lời xin lỗi nào, cũng sẽ không xem xét lại đúng sai trong quyết định của cựu Tổng thống Truman khi sử dụng bom nguyên tử.

Nhật Bản lần này thiện chí mời Tổng thống Obama thăm Hiroshima là do họ có mục tiêu riêng. Nhưng, ông Obama thăm Hiroshima chắc chắn sẽ không đáp ứng được nguyện vọng thực sự của Nhật Bản, cũng sẽ không thực sự thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa thế giới - bài viết bình luận.

Bài viết cho rằng, mục đích chuyến thăm này chỉ có một khả năng, đó chính là quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, liên kết với các đồng minh, đối phó Trung Quốc.

Trong khi đó, theo bình luận của Tân Hoa xã ngày 11/5, để ông Barack Obama thăm Hiroshima có nhiều mục đích. Nhật Bản muốn khắc họa hình tượng bị thiệt hại bởi chiến tranh; trong khi đó, Tổng thống Barack Obama muốn để lại di sản chính trị về chủ trương “thế giới không có vũ khí hạt nhân”, đồng thời lôi kéo Nhật Bản để thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng”.

Tân Hoa xã cho rằng, Nhật Bản muốn thông qua chuyến thăm này để tăng cường nhận thức của người dân về những thiệt hại trong chiến tranh, từ đó tạo cơ sở cho “chủ nghĩa xét lại lịch sử”, đồng thời làm lu mờ hình ảnh người gây ra chiến tranh trước đây ở khu vực. 

Theo bài báo, Mỹ luôn thận trọng với lời mời thăm Hiroshima của Nhật Bản, mặc dù nhiều năm qua, các quan chức Mỹ với cấp độ ngày càng cao đã lần lượt đến thăm 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki – nơi Mỹ từng ném bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. 

Vào tháng 4/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã đến thăm Khu lưu giữ tư liệu vụ nổ bom nguyên tử và Công viên kỷ niệm hòa bình Hiroshima, đồng thời cho biết, sẽ thúc đẩy “mọi người” trong đó có ông Barack Obama thăm Hiroshima. Một tháng sau, ông Obama đã đưa ra quyết định thăm Hiroshima.

Trong thời gian tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G7 từ ngày 10 đến ngày 11/4/2016, Ngoại trưởng các nước G7 đã đến thăm Công viên kỷ niệm hòa bình Hiroshima.
Trong thời gian tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G7 từ ngày 10 đến ngày 11/4/2016, Ngoại trưởng các nước G7 đã đến thăm Công viên kỷ niệm hòa bình Hiroshima.

Theo Tân Hoa xã, Tổng thống Mỹ lần này thăm Hiroshima là nhằm 3 mục đích: Một là để tuyên truyền cho chủ trương “thế giới không có vũ khí hạt nhân” của ông Obama, để lại di sản chính trị của ông. 

Hai là dư luận Mỹ đã giảm phê phán đối với việc nhà lãnh đạo Mỹ thăm thành phố này, thậm chí một số tờ báo lớn của Mỹ như Thời báo New York và Bưu điện Washington đã bày tỏ ủng hộ chuyến thăm.

Ba là, do thực lực giảm đi, Mỹ muốn thúc đẩy chiến lược toàn cầu phải dựa vào đồng minh, thực hiện chuyến thăm cũng đáp ứng được nguyện vọng từ lâu của đồng minh thân cận Nhật Bản, có lợi cho tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, thúc đẩy Nhật Bản đóng góp lớn hơn cho chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ.

Bình luận về chuyến thăm này, tờ Thanh niên Trung Quốc ngày 14/5 cho rằng, Tổng thống Barack Obama lại thêm một nội dung mới vào danh sách “đầu tiên” của mình trong nhiệm kỳ.

Trước đó, tháng 11/2009, khi lần đầu tiên thăm Nhật Bản, ông Obama từng cho biết: “Liên quan đến những ký ức về Hiroshima và Nagasaki, nhân dân thế giới ghi nhớ trong lòng. Nếu có cơ hội có thể thăm hai thành phố này vào một lúc nào đó trong nhiệm kỳ Tổng thống, tôi sẽ cảm thấy rất vinh dự”.

Năm 2009, ông Obama đã nhận được giải thưởng Nobel vì hòa bình một phần là do ông khởi xướng tư tưởng “thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Rõ ràng, chuyến thăm Hiroshima muốn nhấn mạnh đến chủ trương này của ông Obama.