Cựu quan chức Fed nêu các dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ 'hạ cánh mềm'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo cựu quan chức Fed Joseph E. Gagnon, nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua một cuộc suy thoái rất nhẹ, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng lên 4,5% hoặc hơn trong một vài năm, hay nói cách khác là 'hạ cánh mềm'.

Ít tháng trở lại đây, loạt định chế tài chính lớn đã đưa ra dự báo về khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong thời gian tới. Trong đó, có thể kể tới JP Morgan, với dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ trong nửa sau của năm 2023 với giả định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát.

Bên cạnh những ý kiến lo ngại về một cuộc 'hạ cánh cứng', một số nhà kinh tế khác lại cho rằng Fed sẽ giúp kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' và có nhiều dấu hiệu đang cho thấy điều đó.

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của cựu quan chức Fed Joseph E. Gagnon mới được đăng tải trên tạp chí Barron’s về nội dung này.

Cựu quan chức Fed gợi mở dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ 'hạ cánh mềm' (Ảnh: Bloomberg)

Cựu quan chức Fed gợi mở dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ 'hạ cánh mềm' (Ảnh: Bloomberg)

Những dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái đang trở thành tâm điểm bàn luận của giới tài chính và truyền thông. Trong quá khứ, các dự báo như vậy thường được đưa ra sau khi một cuộc suy thoái đã bắt đầu được ít tháng.

Nhưng trong tháng 10/2022, các nhà dự báo chuyên nghiệp được khảo sát đã dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng 0,6% vào năm 2023, từ mức 3,7% lên 4,3%, qua đó hàm ý về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế học Claudia Sahm, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng ít nhất 0,5% thì nó thường dẫn tới một cuộc suy thoái.

Fed liệu có thể giúp nền kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' và hạ nhiệt lạm phát (?!).

Điều tốt là chưa xuất hiện những trạng thái quá căng thẳng trên thị trường nhà ở hay đầu tư kinh doanh ở Mỹ.

Nhờ các chương trình hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, các hộ gia đình tại Mỹ đã có một khoản dự phòng lớn hơn, trong khi hoạt động tăng lãi suất của Fed nhắm tới việc giảm chi tiêu của các hộ gia đình.

Tuy vậy, vẫn có rủi ro rằng Fed sẽ lạm dụng việc tăng lãi suất dù có nhiều quan điểm không chắc chắn về cách lãi suất ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rủi ro này trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 11/2022. Nhưng cơ quan này vẫn giữ quan điểm dự báo về một cuộc suy thoái ở mức độ nhẹ cho kinh tế Mỹ.

Điều khiến Fed 'bối rối' là loạt động thái tăng lãi suất của cơ quan này cho đến nay hầu như không ảnh hưởng đến thị trường lao động, với số việc làm tiếp tục tăng nhanh và tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể.

Fed ước tính rằng tỷ lệ thất nghiệp 4% tương thích với các mục tiêu lạm phát trong dài hạn. Tuy nhiên, có cơ sở để tin rằng hậu quả của Covid-19 đã tạm thời nâng tỷ lệ cân bằng này lên khoảng từ 4% đến 5%. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 4,5% có thể cần thiết để giảm dần tốc độ tăng tiền lương.

Một yêu cầu quan trọng đối với tăng trưởng tiền lương vừa phải là lạm phát tổng thể cần phải nhanh chóng giảm xuống mục tiêu 2% để giữ cho kỳ vọng lạm phát dài hạn của các doanh nghiệp và người lao động được neo chắc chắn, như chúng đã được duy trì cho đến nay.

Cựu quan chức Fed Joseph E. Gagnon

Cựu quan chức Fed Joseph E. Gagnon

Tiền lương, được đo bằng chỉ số chi phí việc làm, đang tăng với tốc độ 5%, giảm nhẹ so với đầu năm 2022. Về lâu dài, tăng trưởng tiền lương cần ổn định ở mức 3% để phù hợp với mục tiêu lạm phát của Fed.

Nhưng trong thời gian tới, chỉ cần tăng trưởng tiền lương giảm xuống 4% hoặc 4,5% có thể khiến lạm phát giảm mạnh.

Trước hết, thị trường hàng hóa tương lai thể hiện, giá năng lượng và ngũ cốc sẽ giảm trong hai năm tới trong khi giá kim loại giữ ổn định. Nếu điều đó xảy ra, chi phí nguyên liệu thô sẽ giảm, điều này cho phép các công ty trả lương cho công nhân nhiều hơn mà không phải tăng giá bán.

Thứ hai, đại dịch đã khiến người tiêu dùng thay đổi nhu cầu, từ dịch vụ sang hàng hóa lâu bền. Điều đó khiến giá cả hàng hóa lâu bền lần đầu tiên tăng nhanh hơn tiền lương trong nhiều thập kỷ.

Khi nhu cầu trở lại bình thường, xu hướng giá hàng hóa tăng chậm hơn tiền lương có thể sẽ trở lại. Điều này có thể kìm hãm lạm phát tổng thể một cách đáng kể.

Nếu những biện pháp giảm áp lực chi phí quan trọng này vẫn tiếp tục, lạm phát có thể giảm từ 7% vào giữa năm 2022 xuống còn 3% vào cuối năm 2023 và thậm chí thấp hơn vào năm 2024, mặc dù tiền lương tăng từ 4% trở lên. Lạm phát giảm nhanh khiến Fed có thể kiên nhẫn trong việc giảm mức tăng lương xuống mức dài hạn.

Để đạt được kết quả tốt này, Fed có thể chỉ cần tăng lãi suất thêm 1% nữa, lên khoảng 5% vào đầu năm 2023 như thị trường đang kỳ vọng.

Kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái, nhưng nhiều khả năng nó sẽ trải qua một cuộc suy thoái rất nhẹ, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng lên 4,5% hoặc hơn trong một vài năm./.

Theo Barron's