Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:

Cứu người đàn ông ngã từ tầng 4 xuống đất chấn thương cột sống

VietTimes -- Mải mê làm việc, anh N.V.G. (39 tuổi, Bắc Giang) không may sẩy chân, ngã từ tầng 4 xuống đất, phải tới Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ 108) để cấp cứu.
Bệnh nhân N.V.G đang điều trị tại Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108.
Bệnh nhân N.V.G đang điều trị tại Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108.

Vụ tai nạn khiến thân đốt sống L1 của anh G. bị vỡ thành nhiều mảnh, toàn thân đau đớn. Để chữa trị cho nam bệnh nhân, các bác sĩ quyết định mổ nắn chỉnh, cố định lại cột sống.

Kết quả, chỉ 1 ngày sau phẫu thuật, anh G. đã đỡ đau lưng, nhất là không bị liệt, 2 chân có thể co duỗi bình thường và đang tiếp tục được điều trị tại Khoa Ngoại Thần kinh của Bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Đức Tùng (công tác tại Ngoại thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108) nhận định, anh G. rất may mắn khi được sơ cứu chính xác và đưa tới bệnh viện có chuyên môn kịp thời, nên không phải chịu thêm thương tổn, giảm gánh nặng cho các bác sĩ cấp cứu, giảm tỷ lệ di chứng để lại sau tai nạn.

Ảnh minh họa đoạn đốt sống L1 trên cơ thể
Ảnh minh họa đoạn đốt sống L1 trên cơ thể

Vì vậy, bác sĩ Tùng khuyến cáo cách sơ cứu ban đầu chuẩn xác cho người chấn thương cột sống: Trước hết, kiểm tra sơ bộ toàn cơ thể, đặc biệt kiểm tra ý thức, xem người bệnh đau ở vùng nào. Khi thấy người bệnh đau nhiều ở cột sống, phải vận chuyển bệnh nhân từ từ, tránh đột ngột, không bế xốc lên, giữ cho lưng người bệnh thẳng để tránh tổn thương thêm. Sau đó, chú ý cố định cột sống khi nghi ngờ bệnh nhân bị chấn thương cột sống rồi chuyển tới bệnh viện.

Khi di chuyển tới bệnh viện, đặt bệnh nhân nằm thẳng trên ván cứng. Trong trường hợp sử dụng càng mềm, phải cố định xương sống của bệnh nhân và có vật đệm đỡ để tránh cột sống di động trong quá trình vận chuyển. Tránh khiêng, xốc, vác nạn nhân trên vai, cõng trên lưng hoặc khiêng bằng cáng mềm, võng, chở bệnh nhân bằng xe đạp, xe máy, bẻ gập lưng trong xe taxi... dễ làm tăng tổn thương cột sống của bệnh nhân.