Cựu cố vấn Bộ Tài chính Mỹ: Fed nâng lạm phát mục tiêu lên 3%? Không phải lúc này

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu Fed muốn đặt lại mức lạm phát mục tiêu, họ có thể thực hiện trong lúc nền kinh tế đang khỏe mạnh. Việc hành động vội vã có thể đẩy kinh tế Mỹ vào vòng xoáy suy thoái.

Stephen Miran, người đồng sáng lập hãng đầu tư Amberwave Partners, cựu cố vấn cấp cao chính sách kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ (2020-2021), đã đưa ra quan điểm về khả năng nâng mức lạm phát mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và những nguy cơ tiềm ẩn của hành động này trên trang Barron's.

VietTimes trân trọng gửi tới quý độc giả bài chuyển ngữ liên quan tới nội dung này.

Đạo luật Dự trữ Liên bang định nghĩa rõ mục tiêu của là “ổn định giá cả, tối ưu lực lượng lao động được tuyển dụng và giảm lãi suất dài hạn", song không quy định quá chi tiết.

Bởi vậy, Fed bị đẩy vào chỗ phải tự làm theo cách hiểu của họ về trách nhiệm bình ổn giá và tổ chức này đã quyết định mức lạm phát bình quân 2%/năm là mục tiêu của mình.

Hậu đại dịch Covid-19, lạm phát vẫn đang ở mức cao dai dẳng do chính sách tiền tệ và tài khóa không phù hợp.

Lạm phát khó có thể nhanh chóng trở lại mức 2%/năm trong khi lương vẫn đang tăng khoảng 5%. Nếu không giảm được mức độ tăng lương, Fed sẽ rất khó kiềm chế lạm phát.

Đó là lý do mà nhiều nhà kinh tế học tin vào việc cần phải có một cuộc khủng hoảng mới có thể làm giảm lạm phát, bởi thất nghiệp sẽ làm giảm đà tăng lương.

Nhưng thất nghiệp và suy thoái thường gây ra những hậu quả to lớn và kéo dài đối với sự nghiệp, sức khỏe và cuộc sống gia đình của mỗi cá nhân.

Để tránh những hậu quả đó, nhiều người đã kêu gọi Fed tăng mức lạm phát mục tiêu.

Ví dụ, cựu trưởng kinh tế gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Olivier Blanchard cho rằng, Fed đã âm thầm nâng lạm phát mục tiêu lên 3% mà không thông báo hay thừa nhận về điều đó.

Các chuyên gia kinh tế Jason Furman của ĐH Harvard và Joseph Gagnon của Viện Peterson cũng đề xuất nâng mức lạm phát mục tiêu.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu có khả năng sẽ tin rằng mức lạm phát mục tiêu có thể tiếp tục được nâng lên. Đó là thách thức lớn.

2 năm trước, Fed thay đổi khung điều hành chính sách với việc “đặt mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt". Fed kỳ vọng có thể bù đắp lại những đợt lạm phát giảm nhẹ trong quá khứ, mặc dù bất cứ ai cũng có thể đo lường lạm phát với sai số chỉ ở mức 0,3%.

Nhưng khung điều hành mới phần nào đã khiến cho Fed mắc lỗi chính sách tiền tệ lớn nhất kể từ thập kỷ 70.

Nếu giờ Fed thay đổi mục tiêu lạm phát lên 3%, thị trường sẽ đặt câu hỏi tại sao họ không tiếp tục nâng lên? Khi tình trạng thất nghiệp trở nên tồi tệ hơn, sức ép từ các chính trị gia sẽ chỉ tăng lên. Vậy mất bao lâu để tăng lên 5%?

Thị trường sẽ cho rằng một khi điều tưởng như cấm kỵ này bị phá vỡ, việc điều chỉnh mức lạm phát mục tiêu sẽ trở nên dễ dàng. Kết quả là lãi suất dài hạn sẽ cao hơn đáng kể, khi các nhà đầu tư yêu cầu phần bù rủi ro lớn khi nắm giữ trái phiếu.

Lãi suất dài hạn cao hơn sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế dài hạn, khiến cho việc đầu tư trong doanh nghiệp và mua nhà trở nên đắt đỏ hơn, và làm suy yếu khả năng thanh toán nợ của chính phủ Mỹ, từ đó khiến tất cả người dân nghèo hơn.

Nếu như Fed có thể tự do dịch hiểu trách nhiệm của họ theo cách mà họ cảm thấy phù hợp nhất, họ nên làm như vậy một cách trung thực và cởi mở, với đầy đủ trách nhiệm. Nói dối trước công chúng là điều không thể chấp nhận và sẽ chỉ gây thêm sự phẫn nộ.

Fed vốn đang bước đi trên lớp băng mỏng, và nếu họ tiếp tục đi theo con đường này, có khả năng Quốc hội sẽ chỉnh sửa lại Đạo luật Dự trữ Liên bang hoặc một vị Chủ tịch Fed trong tương lai có quyền lực sa thải các thành viên hội đồng.

Nếu như Fed xem xét lại mức lạm phát mục tiêu, họ có thể thực hiện trong lúc nền kinh tế đang khỏe mạnh – tức là khi lạm phát ở mức 2% hoặc thấp hơn trong một khoảng thời gian dài, và uy tín của họ đang vững chắc.

Dù cho việc nâng mức lạm phát mục tiêu có ra sao, thì rõ ràng đây chưa phải là thời điểm hợp lý./.

Theo Barron's