Cứu cô gái trẻ thoát khỏi căn bệnh động kinh ám ảnh 25 năm

VietTimes -- Mới 29 tuổi, T.N.T (quê ở TP Hồ Chí Minh) đã mắc động kinh 25 năm. Một ngày, T. phải chịu 40 cơn co giật, khiến người mẹ già chăm sóc cho con cũng hết sức vất vả. May mắn, T. đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giải thoát khỏi căn bệnh tưởng chừng sẽ đeo bám cô cả cuộc đời này...
Bệnh nhân T.N.T hồi phục sau khi điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh nhân T.N.T hồi phục sau khi điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Bác sĩ Trần Đình Văn - Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – chia sẻ, T. tới bệnh viện điều trị vào năm 2018, sau khi đã đi rất nhiều bệnh viện khác từ Nam chí Bắc, uống tới 7 loại thuốc điều trị động kinh khác nhau. mà vẫn không thuyên giảm.

Trước tình trạng của T., Hội đồng động kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hội đồng động kinh Saint Anne (Pháp) đã cùng hội chẩn và chẩn đoán T. bị động kinh kháng thuốc, loạn sản vỏ thùy trán, phải phẫu thuật để cắt bỏ tổn thương.

Theo bác sĩ Trần Đình Văn, phẫu thuật chữa động kinh là có tỷ lệ khỏi lớn. Trong trường hợp bệnh nhân bị tổn thương vùng sinh động kinh như xơ hóa hải mã, loạn sản vỏ, u não bậc thấp, tỷ lệ khỏi bệnh là 75-85%; các thể bệnh động kinh khác như động kinh mất trường lực tỷ lệ phẫu thuật thành công 50-60 %, phẫu thuật lúc này sẽ giúp giảm cơn động kinh ở bệnh nhân.

Ca phẫu thuật điều tri bệnh cho TNT.
Ca phẫu thuật điều tri bệnh cho TNT.

Tuy nhiên, để có thể phẫu thuật động kinh, bệnh nhân phải đảm bảo nhiều điều kiện hết sức ngặt nghèo. Đó là: lâm sàng phải phù hợp với điện não đồ; hình ảnh cộng hưởng từ phải tìm thấy tổn thương (chỉ định được chụp ở những trung tâm phẫu thuật thần kinh lớn, theo protocol chuẩn quốc tế); bệnh nhân phải điều trị theo thuốc chống động kinh phù hợp ít nhất trong 2 năm, được đánh giá test tâm lý thần kinh trước mổ, hội chẩn và quyết định phương án phẫu thuật.

May mắn, T. đáp ứng đủ tất cả các điều kiện đó, vì vậy ca phẫu thuật của cô rất thành công. Hôm nay, 10/6, sau phẫu thuật gần 1 năm, T. đã khỏi bệnh, không còn cơn giật, không còn biến chứng, không còn trầm cảm, tự tin hòa nhập với cuộc sống.