Cuối năm nay, 2 đơn vị sản xuất vaccine COVID-19 của Việt Nam sẽ thử nghiệm trên người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhanh nhất đến cuối năm 2021 Việt Nam mới sản xuất được vaccine COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Đình Nam - VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Đình Nam - VGP)

Thông tin trên được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra khi trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam trong phiên chất vấn tại Quốc hội vào sáng ngày 6/11.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: “Bên ngoài sóng to gió lớn chúng ta phải "bao đê" cho chặt”. Chúng ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ người nhập cảnh, không chỉ những người nhập cảnh trái phép, mà nhất là những người nhập cảnh hợp pháp.”

Đến nay, Việt Nam đã cho nhập cảnh khoảng 200.000 người là chuyên gia, lao động nước ngoài cần thiết cho phát triển kinh tế trong nước và người Việt Nam, chủ yếu là học sinh, sinh viên, ở các nước có dịch, nên phải kiểm soát chặt. Cùng với đó, mỗi người dân phải chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp rất căn bản như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: "Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế"; tất cả các cơ sở, đầu tiên là cơ sở y tế, các nhà dưỡng lão, các trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng,… phải thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn dịch.

“Chúng tôi đã đưa lên bản đồ số chung sống an toàn với COVID-19, như vậy sẽ có hàng triệu cơ sở phải tự chấm điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Màu xanh thì tiếp tục được hoạt động. Phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài ít nhất đến năm 2021” - Phó Thủ tướng nói.

Về nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19, Phó Thủ tướng cho biết thời gian nghiên cứu, phát triển một vaccine bình thường kéo dài 5-10 năm để xem vaccine đó có tác dụng phòng bệnh không, trong bao lâu, có tác dụng phụ gì.

Hiện nay, trên thế giới đang cấp tập nghiên cứu vaccine COVID-19, trong đó có trên 150 ứng viên, Việt Nam có 4 ứng viên. Có 32 vaccine đã thử nghiệm trên người, trong đó có 10 vaccine đã thử nghiệm vòng 3 với quy mô từ vài nghìn đến vài chục nghìn người. Trung Quốc có 4 vaccine, Mỹ có 4 vaccine, Nga có 1 vaccine, Anh có 1 vaccine.

Trong 4 đơn vị nghiên cứu vaccine của Việt Nam thì có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, nhanh nhất thì cuối năm 2021 chúng ta mới sản xuất được vaccine.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mua vaccine nước ngoài cũng không kém phần khó khăn. Đây là vấn đề nóng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Vaccine toàn cầu đã thành lập ra một chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vaccine giá rẻ, nhưng hiện chưa có công ty sản xuất vaccine nào cam kết bán cho chương trình này.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Việt Nam đang làm việc với tất cả các đối tác nhưng việc mua vaccine sớm không hề dễ, khi nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch.

Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các đại biểu Quốc hội không thể chủ quan khi 24 giờ qua thế giới ghi nhận nửa triệu ca nhiễm. Việt Nam vẫn yên bình thì mỗi người dân phải chung sống an toàn với dịch bệnh, đầu tiên là bệnh viện, trường học rồi đến tất cả các cơ sở lưu trú, phương tiên giao thông, siêu thị, chợ, nhà máy, công sở,… Tới đây, mọi người dân đều phải tự chống dịch.